xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bản Kiều gần với nguyên tác nhất?

Trần Lưu

Cho đến nay vẫn chưa có một kết luận chắc chắn rằng trong số các bản Truyện Kiều phổ biến (giới nghiên cứu thường gọi tắt là bản Kiều), bản nào có thể gần với nguyên tác của thi hào Nguyễn Du nhất? Lời tác giả: Trong bài viết này, chúng tôi không có ý định tranh luận về vấn đề văn bản Truyện Kiều.

Qua các tài liệu thu thập được, cùng sự trao đổi với một số học giả nghiên cứu về Truyện Kiều, chúng tôi chỉ muốn giới thiệu về hai bản in Kiều Nôm cổ nhất hiện nay sắp được in thành sách Quốc ngữ tại VN, nhất là bản Duy Minh Thị 1872, mà theo lời của giáo sư Nguyễn Tài Cẩn  là “một bản rất quý hiếm”!

Huyền thoại về các bản Kiều.- Ngay từ đầu thế kỷ 20, trong các công trình của mình, những tác giả như Kiều Oánh Mậu, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ... và đến những giai đoạn sau này các học giả như Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Thạch Giang, Đào Duy Anh... hình như vẫn đều tin vào việc tồn tại của bản Kinh và bản Phường đầu tiên của Truyện Kiều mà họ cho là đã thất lạc, không có trong tay khi nghiên cứu. Bản Kinh với ý nghĩa là vua Tự Đức sau khi đọc Truyện Kiều, đã cho sửa chữa và cho in vào năm 1871. Bản Phường đầu tiên được coi là bản do ông nghè Phạm Quý Thích (1759 - 1825), một nhà nho nổi tiếng đương thời, quen biết với gia đình Nguyễn Du, sau khi được Nguyễn Du tặng một bản viết tay đã nhuận sắc đôi chút và cho khắc in tại phường Hàng Gai - Hà Nội. Cùng với thuyết về bản Kinh, bản Phường là bản Tiên Điền do Phạm Kim Chi phát hiện năm 1915 và công bố lần đầu năm 1917. Đây được coi là “bản gốc”, di cảo của Nguyễn Du và được cất giữ tại gia tộc họ Nguyễn ở Hà Tĩnh. Ba bản Kiều này được xem là những bản gần với nguyên tác của thi hào Nguyễn Du nhất. Tuy nhiên, việc xác định ba bản Kiều này từ trước đến nay đều dựa trên các truyền thuyết và sách khác nói lại chứ cho đến nay, không ai có nguyên vẹn một bản trong tay.

Với việc không có sự tồn tại của ba bản Kiều nói trên, năm 1871 được xem là mốc sớm nhất có bản Kiều được khắc in. Cho đến nay bản Kiều Nôm khắc in sớm nhất mà chúng ta biết được là bản Liễu Văn Đường 1871, thứ đến là bản Duy Minh Thị 1872. Cả hai bản này hiện đều không có bản gốc ở VN.

Về bản Liễu Văn Đường 1871.- Đây được xem là bản Kiều Nôm khắc in cổ nhất hiện nay với tên gọi Kim Vân Kiều tân truyện, do nhà tàng bản (một dạng thư quán) Liễu Văn Đường in năm Tự Đức 24 (1871), sau khi Nguyễn Du qua đời 51 năm. Bản Liễu Văn Đường 1871 hiện được lưu giữ tại thư viện Trường Sinh ngữ Đông phương Paris, mang ký hiệu VN.IV.468. Năm 1963, trong dịp chuẩn bị kỷ niệm 200 năm ngày sinh của thi hào Nguyễn Du, giáo sư Tạ Trọng Hiệp, học trò của học giả Hoàng Xuân Hãn đã gửi từ Pháp về bản chụp phim của bản Liễu Văn Đường 1871. Tiếc rằng, bản phim này sau đó bị thất lạc không tìm lại được. Sau một thời gian dài, qua việc liên hệ với các nhà nghiên cứu văn học VN người Pháp, năm 1998, tiến sĩ Đào Thái Tôn đã nhận được từ Paris bản chụp văn bản quý hiếm này. Hiện nay, ông đang tập trung hoàn tất việc phiên âm, nghiên cứu văn bản để có thể cho in công trình cuối năm nay.

Bản Duy Minh Thị 1872.- Theo nghiên cứu của học giả Hoàng Xuân Hãn và giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, thì bản Duy Minh Thị rất có thể là bản in Nôm gần với nguyên tác của Nguyễn Du nhất. Về bản Duy Minh Thị 1872, theo giáo sư Nguyễn Tài Cẩn hiện nay có hai bản gốc: Một ở thư viện riêng của cố học giả Hoàng Xuân Hãn tại Paris và một ở thư viện Leidon - Hà Lan với ký hiệu Nr.5803-6. Từ trước đến nay, bản này ít được nhắc đến bởi vì tại VN không có và do nó có những đặc điểm riêng mà không bản Kiều nào có được.

Theo tài liệu của giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, nhóm Duy Minh Thị có khoảng 10 người hoạt động ở Gia Định cuối thế kỷ 19. Đứng đầu nhóm là Duy Minh Thị - tên hiệu chưa xác định được của một nhân sĩ ở đất Gia Định. Trong 30 năm cuối thế kỷ 19, họ đã thuê 10 cơ sở khắc ván in sách (như 10 nhà in bây giờ) và đã công bố được hơn 30 bộ sách do họ biên soạn. Nhóm Duy Minh Thị đã cho in Truyện Kiều ba lần: 1872, 1879 và 1891. Bản 1872 do nhóm Duy Minh Thị biên soạn lại và thuê in ở Quảng Đông, Trung Quốc.

 

Nguyễn Tài Cẩn với “Tư liệu Truyện Kiều - bản Duy Minh Thị 1872”.- Cũng theo hướng nghiên cứu của học giả Hoàng Xuân Hãn, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn - một trong những nhà ngôn ngữ học hàng đầu của VN hiện nay - đã tiến hành phân tích, đối chiếu bản Duy Minh Thị 1872 với bản Liễu Văn Đường 1871 (ông là một trong số ít người có bản chụp của cả hai bản này). Hiện tượng chữ húy trong hai bản này được giáo sư Nguyễn Tài Cẩn chú ý và ông đưa ra kết luận: Cả hai bản đều không tuân theo lệnh kiêng húy thời Thiệu Trị và Tự Đức; bản Duy Minh Thị 1872 tuân theo triệt để lệnh kiêng húy thời Gia Long, còn bản Liễu Văn Đường lại tuân theo lệnh húy kỵ thời Minh Mạng. Sở dĩ có những điều này là vì bản Liễu Văn Đường 1871 được in lại trên một bộ ván khắc cũ, có khả năng được khắc vào khoảng 1836 - 1840. Đây là thời điểm vua Minh Mạng ban lệnh kiêng húy mới và bản 1871 tuân theo, lúc đó chưa thể có lệnh kiêng húy Thiệu Trị và Tự Đức. Theo giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, bản Duy Minh Thị 1872 được khắc mới theo một bản in cũ, có vào khoảng 1803 - 1820, đó là thời điểm lệnh húy kỵ của vua Gia Long có hiệu lực và cũng là khoảng thời gian Nguyễn Du còn sống. Chính vì vậy, không có dấu vết của lệnh kiêng húy thời Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Như vậy, mặc dù hiện nay không có bản in mà nhóm Duy Minh Thị dùng để in lại (trùng san) thành bản 1872, nhưng rất có thể đó là bản gần với nguyên tác của Nguyễn Du nhất tính đến thời điểm hiện nay. Những kết quả nghiên cứu trên đây đã được giáo sư Nguyễn Tài Cẩn công bố trên Tạp chí Ngôn Ngữ số 1/2002. Tuy nhiên với sự cẩn trọng của một nhà khoa học, ông vẫn cho rằng đó vẫn là một giả thiết, cần phải được nghiên cứu thêm để làm sáng tỏ. Trong cuộc hội thảo văn hóa châu Âu - VN lần thứ 5 tổ chức tại Nga cuối tháng 5 vừa qua (Euro - Viet, V, 28 đến 30-5-2002), giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã trình bày những nghiên cứu của mình về bản Duy Minh Thị 1872, trước đông đảo các nhà khoa học VN và quốc tế.

 

Về bản Duy Minh Thị 1872, cả cố học giả Hoàng Xuân Hãn và giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đều cho rằng nó rất quý hiếm và có giá trị lớn trong việc nghiên cứu văn bản Truyện Kiều cũng như về văn học và ngôn ngữ. Với suy nghĩ đó, sau nhiều năm làm việc, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã hoàn tất công trình “Tư liệu Truyện Kiều - bản Duy Minh Thị 1872”. Ông đã tiến hành phiên âm chữ Nôm ra Quốc ngữ, chú thích, khảo đính đồng thời đối chiếu những điểm khác nhau giữa bản Duy Minh Thị 1872 và các bản Kiều đã phổ biến khác (trong đó có cả bản Liễu Văn Đường 1871). Công trình này đang được hoàn tất giai đoạn cuối cùng tại NXB Đại học Quốc gia Hà Nội và sẽ được in thành sách với tên gọi Kim Vân Kiều tân truyện - bản Duy Minh Thị 1872.

 

Cũng như học giả Hoàng Xuân Hãn lúc cuối đời, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn vẫn không thỏa mãn với công trình của mình, nhưng vì tuổi cao, sức yếu nên từ Nga ông đã gửi bản thảo về nước để công bố, nhằm góp phần giải quyết những vấn đề chưa được làm sáng tỏ về văn bản Truyện Kiều. 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo