Chuyện kiện tụng của điêu khắc gia (ĐKG) Lâm Quang Nới với doanh nghiệp Hacomy đang trở thành tâm điểm dư luận của người trong ngành. Trong lĩnh vực điêu khắc, chuyện ăn cắp sản phẩm, đạo ý tưởng giữa ĐKG với đối tác, giữa ĐKG với nhau cũng phổ biến.
Cực chẳng đã mới kiện tụng
ĐKG Lâm Quang Nới cho biết ông đã đăng ký bản quyền các tác phẩm điêu khắc 12 công trình điêu khắc mà Xí nghiệp Mỹ thuật điêu khắc và trang trí Hacomy (gọi tắt là Hacomy) đang sử dụng hình ảnh để quảng bá cho website mythuatquandoi.vn. Theo ông Nới, việc làm của Hacomy chưa từng xin phép ông, trong đó có một số tác phẩm Hacomy chưa thanh toán tiền tác quyền đầy đủ, đơn vị này cũng không tôn trọng tác giả tác phẩm khi không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ dưới mỗi tác phẩm. Vì thế, ĐKG gửi 3 công văn tới Hacomy yêu cầu tháo gỡ nhưng Hacomy không thực hiện, chỉ đến khi ông nhờ tới Công ty Luật Gia Phạm gửi thư khuyến cáo thì Hacomy mới có văn bản phản hồi.
“Xí nghiệp không trực tiếp làm tượng nhưng lại giới thiệu là mình thực hiện. Vì thế khi họ nói về chất liệu cấu tạo nên các bức tượng mà tôi từng làm đều sai sự thật. Cụ thể như tượng Bình Giã là tượng phù điêu bằng xi măng nhưng họ lại nói là làm bằng gốm Bát Tràng. Giá cả hai vật liệu này chênh lệch nhau rất lớn. Họ làm vậy là đã bóp méo sự thật!” - ĐKG Lâm Quang Nới cho biết.
Trong khi đó, Hacomy trong thư phản hồi với Công ty Luật Gia Phạm cho rằng đã thanh toán đầy đủ chi phí tác quyền cho ĐKG Lâm Quang Nới. Những hình ảnh mà Hacomy đang sử dụng quảng cáo cho website của mình là công trình do đơn vị trực tiếp ký hợp đồng thi công và hình ảnh những công trình này cũng do đơn vị tự chụp. Hacomy khẳng định chưa bao giờ có ý định xâm phạm quyền tác giả của ĐKG Lâm Quang Nới.
Hiện nay, vụ kiện tụng này vẫn chưa dừng lại vì ĐKG Lâm Quang Nới cho rằng 12 tác phẩm điêu khắc của mình sử dụng quảng bá cho Hacomy đã không được gỡ xuống mà rải ra các đường link của website và Hacomy cũng chưa thanh toán hết tiền tác quyền cho ông. Ông Nới cho biết vì Hacomy không có thái độ thành khẩn nên cực chẳng đã ông mới kiện và ông tiếp tục theo đuổi để đòi quyền lợi.
Tranh chấp với các tác phẩm đã thi công còn dễ kiện tụng. Với những trường hợp sao chép từ khi tác phẩm ở dạng mô hình thì rất khó giải quyết. ĐKG Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật, kể mình từng bị học trò chôm ý tưởng một mô hình tượng điêu khắc. Cậu sinh viên phóng to tượng ra, thêm thắt vài chi tiết rồi gửi dự thi và đoạt giải. Hay như tượng đài người mẹ cầm đèn ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bình Dương của ĐKG này cũng từng bị ĐKG khác đạo ý tưởng. Chuyện chôm ý tưởng trong ngành điêu khắc khá phổ biến nhưng đa số người trong nghề thường “du di” cho nhau, không coi đó là ăn cắp.
“Nếu làm lớn chuyện thì dư luận cho rằng tác giả của tác phẩm gốc quá đáng. Cách nhìn nhận sự việc bị nhập nhằng, không làm rõ đúng sai dựa trên luật pháp mà thường bị phán xét theo cảm tính. Người ăn cắp cũng khôn khéo lắm, họ đã chuẩn bị hết mọi tình huống nên mình khó lòng kiện tụng” - ĐKG Nguyễn Hoàng Ánh nói.
Giống bao nhiêu mới gọi là ăn cắp?
Nhiều ĐKG cho rằng chỉ cần tác phẩm ăn cắp thay đổi chất liệu tượng khác với chất liệu của tác phẩm gốc thì khó kiện. ĐKG Phan Gia Hương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho biết không riêng gì lĩnh vực điêu khắc, nhiếp ảnh, ngay cả trong hội họa, việc “chôm chỉa” tác phẩm của người trong nghề diễn ra khá phổ biến. “Anh em trong nghề đều biết nhưng khó kiện tụng do không biết phải giống đến bao nhiêu phần trăm thì mới gọi là ăn cắp. Vấn đề ở đây là ý thức của mỗi tác giả đối với nghề, phải có lòng tự trọng!” - nữ ĐKG này chia sẻ.
Theo Cục Bản quyền tác giả, khó kết luận ai chôm chỉa của ai nếu không có đầy đủ hồ sơ, chứng cứ rõ ràng. Thông thường, nguyên đơn gửi đơn đến Cục Bản quyền tác giả khiếu nại; sau đó, cơ quan này vẫn phải gặp bị đơn để nghe giải trình, phải lập hội đồng chuyên môn với các chuyên gia về lĩnh vực này thẩm định cho ý kiến. Như vậy, để xác định tác phẩm ăn cắp giống tác phẩm gốc ra sao thì Cục Bản quyền tác giả phải nhờ đến những chuyên gia trong từng lĩnh vực liên quan; trong khi đó, các ĐKG trong ngành có nhiều kinh nghiệm nhất cũng thấy chưa có một tiêu chuẩn nào để xác định!
ĐKG Tạ Quang Bạo cho biết trong quá trình làm nghề, việc một ĐKG này bị ảnh hưởng bởi phong cách của ĐKG khác là điều cần thiết để sáng tạo nghệ thuật. Ở nước ngoài, ĐKG sẵn sàng công bố tác phẩm của mình bị ảnh hưởng từ tác giả nào. “Trong nghệ thuật, ăn cắp là tối kỵ. Ăn cắp sẽ bị dư luận chỉ trích” - ĐKG lão thành này nêu quan điểm.
Tự bảo vệ mình
Vì nhận thấy khó “thắng” trong những vụ tranh chấp liên quan đến bản quyền sở hữu trí tuệ trong ngành điêu khắc nên hầu hết các tác giả đều không muốn làm lớn chuyện. Một số người lo sợ bị ăn cắp tác phẩm nên đi đăng ký bản quyền từ khi sản phẩm còn ở dạng phác thảo. “Song việc đăng ký bản quyền tác phẩm hiện tốn kém kinh phí và mất nhiều thời gian nên có người chọn hình thức chụp hình tác phẩm rồi làm dạng bưu thiếp gửi thư qua bưu điện để có dấu mộc của bưu điện xác nhận ngày tác phẩm ra đời” - ĐKG Nguyễn Hoàng Ánh cho biết.
Bình luận (0)