xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bản quyền vẫn bị vi phạm nghiêm trọng

Hoàng Lan Anh

Không có hành vi ăn cắp tài sản nào ngang nhiên, công khai, dễ dàng mà khó bị truy cứu trách nhiệm như ăn cắp tài sản trí tuệ hiện nay

Tình trạng vi phạm bản quyền vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều lĩnh vực, từ điện ảnh, sân khấu, âm nhạc đến kiến trúc…, đặc biệt là vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường kỹ thuật số và internet. Đó là nhận định khá “từ tốn” của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tại hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 36/2008/CT-TTg về tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan được tổ chức ngày 22-5. Trên thực tế, việc vi phạm bản quyền đang diễn ra nghiêm trọng.

Chưa hề nhận được một xu

Đánh giá về thực trạng vi phạm bản quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh, đạo diễn - NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, nói ngắn gọn: “Hết sức phức tạp, gây thất thu lớn cho ngành điện ảnh”.

Dù bắt quả tang vi phạm bản quyền nhưng Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News vẫn thua kiện khi đưa vụ việc ra tòa Ảnh: FIRST NEWS
Dù bắt quả tang vi phạm bản quyền nhưng Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News vẫn thua kiện khi đưa vụ việc ra tòa Ảnh: FIRST NEWS

Nhiều chuyên gia khác cũng có chung nhận định không chỉ ngày càng nghiêm trọng và khó kiểm soát, tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan còn trở thành rào cản lớn cho các nhà sản xuất và phát triển dịch vụ chính thống trong nước. Ông Đặng Xuân Hải liệt kê nhiều hình thức “ăn cắp”: Sao chép đĩa lậu, làm các tác phẩm phái sinh, cung cấp trên internet để thu phí hoặc quảng cáo, nhiều bộ phim bị các đài địa phương tự ý phát sóng mà không thỏa thuận với hãng phim…

Điển hình, năm 2012, bộ phim truyền hình Những đứa con biệt động Sài Gòn chuẩn bị bán cho các đài truyền hình thì đĩa phim lậu đã bán đầy tại các cửa hàng băng đĩa. Năm 2011, bộ phim Cánh đồng bất tận dù chưa có kế hoạch phát hành dưới dạng DVD đã bị in đĩa bán lậu và tung lên internet khiến nhà sản xuất phải kêu cứu đến Bộ Công an. Trước đó, năm 2007, bộ phim Dòng máu anh hùng tuy lập kỷ lục phòng vé khi thu về 4 tỉ đồng trong 3 tuần đầu công chiếu nhưng vẫn lỗ do bản quyền bị xâm phạm nghiêm trọng. Ngay sau khi phim ra rạp, khán giả có thể xem bộ phim này trên các trang mạng với chất lượng cao.

NSND - đạo diễn Đặng Nhật Minh chua xót cho biết gần 40 năm làm công việc sáng tác điện ảnh với tư cách là đạo diễn kiêm biên kịch, ông chưa được hưởng bất cứ quyền lợi gì từ quyền tác giả, dù chỉ là một xu. “Rất nhiều phim tôi làm được chiếu ở nước ngoài, cả trên truyền hình nhưng tôi chưa bao giờ được thông báo chứ đừng nói là hưởng chút quyền lợi nào” - đạo diễn của phim Bao giờ cho đến tháng mười bức xúc.

Đủ chiêu lách luật

Cũng có chung nỗi bức xúc này, phát biểu tại hội nghị, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc phía Nam, người được Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hồ Anh Tuấn gọi là “người thu tiền vĩ đại” - cho biết từ khi Nghị định 79 ra đời, tiền tác quyền mà trung tâm này nhận được giảm hẳn. Các công ty tổ chức biểu diễn cố tình trốn tránh trách nhiệm, không thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả như đã cam kết trong hồ sơ xin cấp phép biểu diễn.

Trước đây, để có được giấy phép biểu diễn, hồ sơ cấp phép của các đơn vị tổ chức biểu diễn phải có hợp đồng về tác quyền hay giấy chấp thuận cho phép sử dụng tác phẩm của quyền tác giả. Thế nhưng, với sự “thông thoáng” của Nghị định 79, yêu cầu này được xóa bỏ, thay vào đó là cam kết thực hiện nghĩa vụ sau khi chương trình kết thúc. Điều này dẫn đến hệ quả là khi sô diễn kết thúc, các công ty “xù” tiền bản quyền, mặc cho trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc tìm mọi cách đòi “nợ”.

Bà Trần Thị Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc phía Bắc, cho biết các bầu sô có đủ chiêu lách luật như liên danh, mượn hoặc thuê đơn vị khác làm thủ tục xin cấp giấy phép biểu diễn một lần, thậm chí thành lập nhiều công ty con, công ty ma làm thủ tục xin cấp giấy phép biểu diễn một lần. Có công ty còn lấy lý do chưa thỏa thuận được mức phí tác quyền phải trả để trì hoãn, né tránh việc chi trả bản quyền hay cung cấp sai thông tin địa chỉ trụ sở kinh doanh khiến cơ quan quản lý hoặc tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có tìm cũng không ra để đòi tiền bản quyền.

Bất lực

Đạo diễn Đặng Nhật Minh thừa nhận những nghệ sĩ điện ảnh không biết cùng nhau tự bảo vệ những quyền lợi chính đáng của mình. “Về phương diện này, giới điện ảnh thua xa giới âm nhạc” - đạo diễn phim Thương nhớ đồng quê nhận xét. Ông cho rằng nguyên nhân trước hết là vì những người quản lý ngành điện ảnh không biết tôn trọng người làm công việc sáng tác, đối xử với họ như những kẻ làm công ăn lương.

Lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả Bộ VH-TT-DL nhận định tình trạng vi phạm bản quyền ngày càng nhiều là do thiếu ý thức chấp hành các quy định pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan, vẫn còn thói quen không trả tiền bản quyền, đặc biệt là thái độ cố tình vi phạm pháp luật và đạo đức kinh doanh. Thêm vào đó, các chủ thể quyền chưa chủ động áp dụng các biện pháp theo quy định để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp trong lĩnh vực bản quyền hiện nay là không hề dễ. Kiện ra tòa là biện pháp chẳng đặng đừng. Ngay khi đưa vụ việc có bằng chứng ra tòa, người bị hại vẫn trắng tay. Trường hợp Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News kiện cơ sở gia công sau in Huy Thi yêu cầu bồi thường thiệt hại vì đã vi phạm bản quyền in ấn và phát hành sách của First News là một ví dụ. Dù chứng cứ đã được xác định bởi cơ quan quản lý nhà nước qua phát hiện quả tang nhưng TAND huyện Thanh Trì, TP Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ kiện vẫn bác yêu cầu của nguyên đơn.

Không có hành vi ăn cắp tài sản nào ngang nhiên, công khai, dễ dàng mà khó bị truy cứu trách nhiệm như ăn cắp tài sản trí tuệ hiện nay. Đây là điều nhức nhối của xã hội nhưng mọi người dường như vẫn bất lực.

Nhân lực thực thi pháp luật còn yếu

Một lãnh đạo Thanh tra Bộ VH-TT-DL cho biết nhân lực thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ còn thiếu dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao. “Văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ nhưng người am hiểu về quyền tác giả, quyền liên quan chưa nhiều. Cơ quan chúng tôi cũng chỉ có vài người am hiểu lĩnh vực này, nhiều cơ quan khác còn không có. Điều này dẫn đến công tác bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan còn hạn chế” - vị này lý giải.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo