Ngồi với Bảo Chấn được một giờ, có cảm giác thân thiện. Thêm giờ nữa, ngỡ như là người quen trong nhà. Giờ thứ ba, có thể nghe anh nói theo kiểu "rút ruột mà trần tình"... Cái tính Bảo Chấn là vậy, thân thiện và dễ gần. Mà có khi là nhạy cảm cũng nên, như lần gặp tai nạn "Tình thôi xót xa", Bảo Chấn phải nhập viện vì suy kiệt tinh thần, sau khi thú nhận sai lầm của mình.
Duyên nợ với nốt nhạc
Hôm hẹn phỏng vấn Bảo Chấn, anh thật thà nói là nếu không có chương trình giao lưu trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM vừa rồi, nhận thấy khán thính giả vẫn mến mình và thôi nghĩ đến cái lỗi của anh ngày trước thì đã rồi. Bảo Chấn ngồi hào hứng với những mẩu chuyện xưa. Chuyện xưa thôi, vì trong những khoảnh khắc ấy, mới thấy Bảo Chấn trẻ trung và hồn nhiên trước những giông bão của chính mình.
Bảo Chấn là con đầu trong gia đình trung lưu, thuộc dòng hoàng tộc ở Huế. Bảo Chấn nói, ông nội anh từng được phong là Tuyên Hóa Vương, quản cả một vùng Thanh Hóa rộng lớn. Nếu là xa xưa, bản thân anh cũng sẽ được phong tước hầu. Chính xác phải gọi Bảo Chấn là Nguyễn Tước Bảo Chấn cho đúng danh hiệu của hoàng tộc. Nhưng vì Vua Minh Mạng đặt tên các chi trong hoàng tộc theo ký tự của một bài thơ, nên anh có tên là Bảo Chấn.
Là con trưởng, ngay từ bé Bảo Chấn đã được bố hướng vào con đường khác không dính dáng gì đến âm nhạc. Sẽ là một kỹ sư Bảo Chấn, một nhà kinh tế Bảo Chấn hoặc là một nhà giáo dục (giả dụ hướng đi của anh thành công)... chứ không có nhạc sĩ Bảo Chấn hôm nay nếu không có sự tình cờ như là cơ duyên.
Anh học trường dòng, chỉ học tốt thì cuối tuần mới được cho phép về nhà thăm gia đình. Có lần trước khi được đưa về nhà, bố anh có tạt ngang Trường Quốc gia Âm nhạc Huế để đón Bảo Phúc (em kế Bảo Chấn) về chung, đó là giờ học tấu nhạc.
Trong lúc cả lớp tấu nhạc bằng tay sai, thì trước lớp, có cậu bé “vừa lùn vừa béo” nhịp tay không sai một nốt. Thấy Bảo Chấn có năng khiếu, thầy dạy nhạc hôm ấy đã thuyết phục bố anh cho anh theo học âm nhạc. Vậy là song song với học văn hóa (ngày đó, muốn tốt nghiệp trường âm nhạc phải có bằng tú tài 1) Bảo Chấn vừa theo học nhạc lý.
Năm 1966, cả nhà anh dời vào Sài Gòn lần thứ hai. Trước đó, anh cũng đã theo gia đình vào đây năm 1960, nhưng gặp phải chuyện buồn, bố anh quyết định đưa cả nhà về lại Huế. Năm 18 tuổi, anh tốt nghiệp Trường Quốc gia Âm nhạc Huế. Theo quy định của trường, muốn nhận bằng, Bảo Chấn phải có hai năm kinh nghiệm giảng dạy. Vậy là anh đi dạy. Tối chơi đàn tại các tụ điểm ca nhạc, sáng đi dạy chờ đủ chuẩn lấy bằng.
Đất nước thống nhất, Bảo Chấn loay hoay tìm lối đi cho riêng mình. Vì nhiều lý do, tiền kiếm được từ nghề đã không còn như trước. Anh lê la qua từng đoàn hát để nộp đơn thi tuyển, mong kiếm được một suất biên chế trong đoàn. Những ngày khốn khó cứ dồn dập mãi cho đến khi đoàn Bông Sen đồng ý nhận anh về làm nhạc công, sau 3 năm kể từ ngày Bảo Chấn nộp đơn xin việc. Có lúc, anh đã tính đi học lại trường âm nhạc, học như một cứu cánh. Nhưng rồi sau đó nghĩ không lẽ mình học lại từ nốt nhạc đầu nên thôi.
Làm việc trong đoàn Bông Sen nên anh có dịp gặp chị - người vợ của anh bây giờ. Thời đó, chị làm việc ở Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu. Thi thoảng, chị cũng làm MC cho các chương trình chiếu phim lớn, anh đệm đàn. Một người nói, một người dạo nhạc, rồi thích nhau lúc nào không hay.
Chấn kể, có lần anh mời chị đi uống nước, mỗi người một xe đạp. Chiếc xe của chị thì mới lắm, xe Bảo Chấn thì “cùi”. Đang chạy giữa đường, xe anh sút pê-đan. Cuống lên, vì túi lại chỉ đủ tiền trả tiền nước. Chấn phải kiếm cớ dừng lại giữa đường để tìm dây... thun buộc lại pê-đan rồi... đạp tiếp.
Con đường Duy Tân ngày trước (nay là đường Phạm Ngọc Thạch - PV) thường được ví như là một “Hội quán văn nghệ sĩ lưu động”. Phía bên kia đường là quán nhậu với nhiều khách thân quen là các ca sĩ. Bên này đường là dãy cà phê cóc, nước mía với: Đỗ Trung Quân, Nguyễn Đức Trung, Nguyễn Ngọc Thiện... Cũng con đường này là nhân chứng cho tình yêu của anh chị.
Dại khôn ở chốn chợ đông
Trước khi Bảo Chấn tham gia viết nhạc (cách nói của anh là làm nhạc trẻ), anh với Dương Thụ, người bạn rất thân của Bảo Chấn, cùng nhau thành lập ban nhạc trẻ có tên là Trống Đồng với nhiều “tay” rất cự phách là thành viên ban nhạc. Trống Đồng giờ là trung tâm ca nhạc nổi tiếng ở TP HCM. Sau ba tháng luyện tập, nhóm Trống Đồng trình diễn ở Sân khấu 126 để ra mắt khán giả. Ngay đêm diễn đầu tiên, khán giả đã đông đến mức gây kẹt xe cứng cả khu vực bùng binh Dân Chủ. Tên của nhóm nhạc nổi như cồn.
Trước đó, do các nhóm nhạc tại TP HCM phát triển quá nhanh và rầm rộ, tạo nên sự quan ngại cho cơ quan quản lý. Hơn nữa, nhiều nhóm nhạc chơi “bắt chước” rất giỏi, nhưng lại không có bản sắc riêng. Vậy là có lệnh, “nhóm nhạc nào muốn chơi tiếp phải viết được ca khúc”.
Để được chơi nhạc, ngay trong đêm, Bảo Chấn đã viết xong “Bài ca chưa viết hết lời” và sáng hôm sau đem đi trình duyệt. Trống Đồng đủ tiêu chuẩn để chơi tiếp. Nhưng, chưa được bao lâu, cả nhóm nhận được quyết định phải giải thể. Rồi anh làm nhạc trẻ, làm rất nghiêm túc. Bảo Chấn tự nhận ngay từ thời niên thiếu anh rất “mỏng mảnh” trong tính cách. Thế nên, Chấn làm nhạc không phải vì kinh tế. Anh nói viết ca khúc ra mà có người hát là sướng lắm rồi.
Cũng từ cái tính “mỏng mảnh” này, mà những Việt Anh, Quốc Bảo, Trần Lập, Kim Ngọc... đã được anh phát hiện và dìu dắt. Thời sung sức, Bảo Chấn viết nhiều ca khúc thuộc thể loại nhạc trẻ, như: “Hoa cỏ mùa xuân”, “Một ngày mùa đông”, “Nỗi nhớ dịu êm”, “Nơi ấy bình yên”, “Bên em là biển rộng”...
Cứ tưởng, thời của Bảo Chấn đã đến. Đột ngột, anh “dính” vào "cơn bão đạo nhạc”. Chấn sốc, sốc rất nặng. Sốc đến mức phải vào bệnh viện nằm dưỡng sức.
Anh không trốn tránh dư luận, anh không thanh minh về chuyện “Tình thôi xót xa”. Anh chỉ thương cho những đứa con của mình, những đứa con luôn coi anh là thần tượng. Anh sợ con anh không đủ sức chịu đựng cú sốc này. Các con chính là báu vật của đời anh. Rảnh chuyện là anh nhắc đến con. Thương con, anh tìm tòi học cách truy cập blog để xem con viết gì trên đó. Thương cả cái cách con khi phản đối anh chuyện gì đấy. Thương tới mức đi công chuyện ở nước ngoài, cũng tranh thủ bay về đúng ngày sinh nhật con. Mặc, công việc vẫn còn dang dở.
Những ngày “dở dở ương ương” của cuộc đời mình, bạn bè bên anh khi gặp hoạn nạn nhiều lắm, bạn trong giới, ngoài giới, ca sĩ rồi fan hâm mộ đều an ủi anh. Nhưng chính anh, lại không thoát được chuyện tự dằn vặt mình.
Nhạc sĩ Trần Tiến, người cũng bị “dính” vào "cơn bão" đó, lôi anh đi tỉnh. Đi chỉ để giải khuây, không diễn, không hát, không trò chuyện. Trần Tiến dúi tiền cho anh xài, mở laptop cho anh xem “người ta” phê phán Trần Tiến như thế nào... Cứ thế, Bảo Chấn và Trần Tiến lang bạt qua nhiều tỉnh. Mãi cho đến đêm hai anh em mắc kẹt ở cầu sông Hàn (Đà Nẵng), Trần Tiến mới hỏi nhỏ Bảo Chấn: “Chuyện như thế nào vậy, Chấn?”.
Cái tình là thế, không cần biết nhiều, chỉ biết Chấn buồn, Trần Tiến rủ anh rong ruổi. Kìm lòng không được, thì hỏi nhau một câu, rồi thôi. Cuộc đời dài mà, ai không phải vấp váp đôi lần. Mà không chỉ có lần vấp này trong đời sống âm nhạc của anh.
Trước "tai nạn" âm nhạc một năm, Bảo Chấn được mời ra Hà Nội để tham gia vào hội đồng Ban giám khảo tại một cuộc thi nhạc nhẹ. Mà giám khảo cuộc thi ấy toàn là tiến sĩ, phó tiến sĩ về âm nhạc. Tra lại hồ sơ, Bảo Chấn chẳng thuộc hội âm nhạc nào. Vậy thì không đủ chuẩn để ngồi ghế giám khảo.
Nhạc sĩ Hồng Đăng yêu cầu Bảo Chấn phải vào Hội gấp. Tự thân nhạc sĩ Hồng Đăng viết rồi Bảo Chấn ký tên, hai nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn và Nguyễn Cường giới thiệu. Anh chính thức vào Hội Âm nhạc TP Hà Nội. Ngay trong tối ấy, Hội Âm nhạc TP Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Hội, đồng thời chào mừng thành viên mới là Bảo Chấn. Trong lễ mừng, Hội Âm nhạc TPHCM cũng cử nhiều đại biểu ra chúc mừng.
Sau sự cố "đạo" nhạc ấy, Bảo Chấn viết ít lại hẳn. Viết ít không phải vì anh ngại, mà là bởi “mình qua thời rồi”. Anh nói giới nhạc sĩ trẻ bây giờ giỏi và nhạy quá, không như thời của anh ngày trước. Họ kiếm tiền giỏi, viết nhạc giỏi, quảng cáo tên tuổi mình cũng giỏi.
Anh không bài xích nhạc trẻ như nhiều người cùng thời, anh cho rằng mỗi người có một thời riêng. Như cái thời trẻ của anh, nghe nhạc xưa thấy chán lắm, mà không hiểu sao có nhiều người thích đến vậy. Cuối cùng, rồi giá trị văn hóa nào cũng sẽ được thời gian kiểm chứng.
Thật ra, công bằng mà nhìn nhận thì Bảo Chấn chính là một trong những người khai sinh ra dòng nhạc trẻ (nôm na còn gọi là nhạc thị trường). Ở cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, nhạc “thị trường” nghe vẫn có cảm giác ổn về ca từ và giai điệu. Giờ thì khác hẳn, cứ như nhạc trẻ đang thử thách tính kiên nhẫn của người nghe, muốn viết gì thì viết, ca sĩ muốn biến tấu giai điệu, ca từ theo cách nào thì biến tấu.
Có thể, chẳng ai trách nếu một người nào đó nhìn nhận Bảo Chấn với con mắt xét đoán, đại loại như “Cái ông đạo nhạc ấy thì làm được gì?”. Anh cũng đâu chối chuyện đó. Cái kiểu nhận định về Bảo Chấn như vậy, hẳn anh đã quen. Nhưng, không vì thế mà có thể phủ nhận những giá trị âm nhạc có sự đóng góp của anh.
Ai mà chẳng có lỗi lầm, tuy nhiên, mấy ai dám thừa nhận lỗi lầm ấy như Bảo Chấn. Lỗi của Bảo Chấn là anh quá sốt ruột với con đường mình đã chọn đi, thay vì chầm chậm anh lại muốn bứt phá. Mà có gì đâu, chỉ cần Bảo Chấn ghi dưới tên ca khúc là: Lời - Bảo Chấn, Nhạc - Nước ngoài, vậy là xong. Cái lỗi đã được sửa sòng phẳng, “Tình thôi xót xa” đã không được đem ra “xài” từ lâu lắm.
Câu cuối hỏi Bảo Chấn là nếu so sánh tính cách của anh và nhạc sĩ Bảo Phúc, em ruột anh thì có điểm nào biệt lập. Thay vì đáp, anh kể một câu chuyện ngày trước. Có lần, anh và Bảo Phúc đi câu cá ở Huế. Để chắc ăn, Bảo Chấn chọn đoạn nước có “tăm” cá trước khi buông mồi. Còn Phúc thì cứ dặm câu dày đặc hai bên bờ sông.
Bảo Chấn thương Phúc lắm. Chắc chắn là vậy, bởi cái cách anh nói về Bảo Phúc mới hạnh phúc làm sao. Ngay cả khi anh cười nói: “Có thằng anh trai sẵn trong nhà, nhờ gì mà chẳng được”, Chấn vừa dời lại chuyến đi nước ngoài của mình để giúp Bảo Phúc thu âm.
Hôm Bảo Chấn nhận giải 10 năm của chương trình Làn Sóng Xanh do thính giả nghe đài bình chọn cách đây không lâu, nhìn anh hạnh phúc lắm. Khán giả yêu nhạc trẻ không quên Bảo Chấn, đó là điều đương nhiên. Có điều, nhìn cái ảnh chụp anh ngồi ngoảnh về phía khác có người xem vẫn thấy buồn cho anh. Biết sao được, nhạc sĩ cũng chỉ là người đưa đò. Ai nhớ thì nhớ, ai quên thì quên, không thể gượng ép. Nhưng chắc rằng, với tính cách của mình, hẳn Bảo Chấn sẽ vượt qua tất cả, để tiếp tục sáng tác, cống hiến cho đời.
Bình luận (0)