xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bao nhiêu kỷ niệm của dòng trôi

NGUYỄN TRỌNG TẠO

Ông vĩnh viễn từ biệt cuộc đời này nhưng thơ ông thì dường như cứ bảng lảng bên cạnh những người còn sống. Đó cũng là con người ông, cách sống của ông, hồn thơ ông

Tôi vừa đến Cát Bà thì nhận được tin nhà thơ Tế Hanh mất vào trưa 16-7-2009. Tin ấy đã làm tôi lặng người. Bởi không chỉ một con người ra đi, mà con người ấy lại là một nhà thơ, nhà thơ mang tên Tế Hanh.

Tôi chợt nhớ câu thơ thật thân phận của ông thuở hoa niên, câu thơ hay và lạ như vận vào chính ông những năm tháng cuối đời:


“Tôi thấy tôi thương những chuyến tàu

Ngàn đời không đủ sức đi mau”


Vâng, mười năm cuối đời sau một cơn tai biến mạch máu não trong đêm thơ kỷ niệm 40 năm đường Trường Sơn 559 lịch sử (1999), ông đã phải nằm im lặng trên giường bệnh cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng. Mười năm thật chậm chạp với ông như một chuyến đi “không đủ sức đi mau”. Tại sao vậy? Khó mà giải thích. Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng nhà thơ Tế Hanh vẫn còn nặng nợ với đời.


Mười lăm năm trước, tôi hỏi ông có còn làm nhiều thơ không, ông liền đọc cho tôi nghe bài thơ 2 câu:


“Người ta hỏi tôi làm gì?

- Tôi làm thinh”


Làm thinh với ông cũng là một hành động?


Mười năm “làm thinh” trên giường bệnh, trong bệnh viện hay trong căn phòng trên gác nhỏ ở phố Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội, ông đã nghĩ gì? Không ai biết. Nhưng những câu thơ của ông vẫn làm lay động bao thế hệ Việt cả trong và ngoài nước. Năm ngoái, khi tôi đến Canada, một anh bạn nghe bài hát Khúc hát sông quê của tôi phổ thơ Lê Huy Mậu, liền nhắc tới bài thơ Nhớ con sông quê hương của Tế Hanh và anh đọc thuộc không sai một chữ. Tế Hanh lặng lẽ sống bằng những bài thơ của mình như thế trong lòng bạn đọc.


“Chẳng biết nước có giữ ngày giữ tháng

Giữ bao nhiêu kỷ niệm của dòng trôi?”


Hồi làm báo Thơ (2003-2004) của Hội Nhà văn Việt Nam, tôi đề nghị nhà thơ Tế Hanh tự chọn trang thơ tâm đắc của ông, và ông chỉ gật gật bài nào ông đồng ý khi đưa ra danh mục cho tôi chọn trước, nhưng rồi ông cứ chưa yên, hóa ra thiếu bài Nhớ con sông quê hương. Quả là với Tế Hanh, không thể thiếu con sông quê hương được. Ông cũng có một câu thơ mà chỉ nổi tiếng khi Trần Đăng Khoa lặp lại của ông để trở thành một bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Thành: Biển một bên và em một bên. Câu thơ gốc của ông không có chữ “và”.


Có lẽ trong 4 nhà thơ từng được bình chọn trong một cuộc trưng cầu bạn yêu thơ trên tạp chí Tác Phẩm Mới sau 1975, cùng với Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên..., Tế Hanh được khá nhiều bạn đọc yêu thích là nhờ cái điệu thơ chân thành đôi khi đến “ngẩn ngơ thi sĩ” của ông.


“Nông trường ta rộng mênh mông

Trăng lên trăng lặn vẫn không  ra ngoài”

hoặc “Trời vẫn xanh một màu  xanh Quảng Trị”


Những câu thơ tưởng như ai cũng có thể làm được nhưng phải đến Tế Hanh mới có những câu thơ như thế. Những câu thơ khiến tôi liên tưởng tới thi sĩ đồng quê tuyệt diệu của nước Nga – Sergei Esenin.


Tế Hanh cũng đã từng dịch thành công nhiều bài thơ của Esenin, có một câu thơ theo tôi không thể nào dịch khác
Tế Hanh: “Nếu không thành nhà thơ/ tôi đã thành trộm cướp”. Vâng, thi sĩ chính là người có những tính cách mạnh một cách chân thành như vậy đó. Đó chính là bài thơ Esenin tâm sự với mẹ.


Tế Hanh cũng đã hơn một lần nói về mẹ trong thơ nhưng chưa lần nào làm tôi xúc động như bài thơ Bên mồ mẹ. Bài thơ chỉ mấy khổ ngắn, ông viết sau khi nước nhà thống nhất lúc  trở lại quê nhà Quảng Ngãi sau mấy chục năm xa cách.


Ông cũng như bao người thắp hương bên mồ mẹ, nhưng cũng chỉ Tế Hanh mới có cái tâm trạng chân thật đến đau buốt này:


“Quê mẹ không còn mẹ

Bao giờ con lại về”


Bây giờ, nhà thơ thương quê, thương mẹ ấy đã ra đi. Ông vĩnh viễn từ biệt cuộc đời này nhưng thơ ông thì dường như cứ bảng lảng bên cạnh những người còn sống. Đó cũng là con người ông, cách sống của ông, hồn thơ ông – một rớm lệ Tế Hanh.

Vĩnh biệt nhà thơ Tế Hanh          


Tác giả của bài thơ nổi tiếng Nhớ con sông quê hương - nhà thơ Tế Hanh - đã qua đời lúc 12 giờ trưa hôm qua, 16-7, tại Hà Nội, sau nhiều năm chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo.

img

Nhà thơ Tế Hanh tên thật là Trần Tế Hanh, sinh năm 1921, quê làng Đông Yên, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ông sáng tác thơ từ sớm và đã đứng trong phong trào Thơ mới với tập Nghẹn ngào, giành giải khuyến khích của Tự lực Văn đoàn. Ông từng giữ các chức vụ: Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam các khóa I, II; Ủy viên Thường vụ Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam (1963), Trưởng Ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam (1968), Chủ tịch Hội đồng Dịch thuật Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1983, Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1986.


Tác phẩm chính của ông, gồm: Nghẹn ngào (1939), Hoa niên (1944), Lòng miền Nam (1956), Chuyện em bé cười ra đồng tiền (1960), Hai nửa yêu thương (1967), Khúc ca mới (1967), Câu chuyện quê hương (1973), Bài ca sự sống, Con đường và dòng sông (1980), Vườn xưa (1992)...


Nhắc đến Tế Hanh, người ta nhớ đến những bài thơ tinh tế và giàu cảm xúc về tình yêu quê hương đất nước. Đặc biệt là Nhớ con sông quê hương, bài thơ đã được đưa vào sách giáo khoa chương trình phổ thông. Ngoài thơ, Tế Hanh còn dịch nhiều tác phẩm của các nhà thơ lớn trên thế giới, viết tiểu luận phê bình văn học, thơ thiếu nhi. Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.


Vào những năm 1980, Tế Hanh bị đau mắt rồi mù dần. Hơn 10 năm trước, ông ngã bệnh nặng và nằm liệt giường, vài năm gần đây, ông gần như sống đời sống thực vật. Y.Anh

Nhớ con sông quê hương 

 Quê hương tôi có con sông xanh biếc

Nước gương trong soi tóc những hàng tre

Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè

Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng

 

Chẳng biết nước có giữ ngày giữ tháng

Giữ bao nhiêu kỷ niệm của dòng trôi

Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi

Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ

Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ

Sông của miền Nam nước Việt thân yêu

 

Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu

Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy

Bạn bè tôi tụm năm tụm bẩy

Bầy chim non bơi lội trên sông

 

Tôi dang tay ôm nước vào lòng

Sông mở nước ôm tôi vào dạ

Chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả

Kẻ sớm hôm chài lưới bên sông

Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng

Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến

Nhưng lòng tôi như mưa nguồn gió biển

Vẫn trở về lưu luyến bên sông

...

Tôi sẽ lại nơi tôi hằng mơ ước

Tôi sẽ về sông nước của quê hương

Tôi sẽ về sông nước của tình thương

Tế Hanh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo