Lê Minh Trung còn có nghệ danh Minh Khánh - do ca sĩ Phi Nhung đặt khi thấy anh hát như ca sĩ Duy Khánh. Sự thành công của Lê Minh Trung trong và sau cuộc thi này trở thành nguồn động viên với nhiều thí sinh thiếu bản sắc riêng nhưng lại thừa khả năng hát bắt chước ca sĩ khác mạnh dạn bước vào showbiz qua những cuộc thi như vậy.
Thực tế, Lê Minh Trung không phải là trường hợp hiếm ở showbiz Việt hiện nay. Mai Quốc Việt cũng nổi lên bởi khả năng nhái giọng khá nhiều ca sĩ nổi tiếng. Thậm chí, có lúc Mai Quốc Việt trở thành “hiện tượng”, được công chúng thích thú và truyền thông tán dương. Nhiều chương trình truyền hình thực tế nhanh chóng nhảy vào kinh doanh loại hình giải trí mới lạ này và rất thành công về doanh thu, như “Gương mặt thân quen” (cả cho người lớn lẫn phiên bản trẻ con), “Song ca cùng thần tượng”, “Ca sĩ giấu mặt”, “Solo cùng bolero”… Nhiều gương mặt nhanh chóng thành “sao” cũng từ những chương trình này: Hoài Lâm, Lê Minh Trung, Mai Quốc Việt, Thanh Duy…
Hát giống hệt giọng người khác dù có tài nhưng đó chỉ là giỏi bắt chước, chỉ có giá trị giải trí nhất định chứ không phải sáng tạo nghệ thuật. Nếu tổ chức một cuộc thi gọi là tìm kiếm những giọng ca có khả năng nhái giọng người khác để tôn vinh thì điều đó lại trở nên đáng ngại. Bởi lẽ, sự tôn vinh này dễ gây hiểu lầm rằng nhái giỏi giọng người khác cũng sẽ trở thành ngôi sao nghệ thuật!
Dù rất thú vị với giọng hát của Lê Minh Trung nhưng ca sĩ Thái Châu bảo rằng ông mong muốn anh thể hiện nhiều hơn bản sắc riêng chứ không chỉ là hát giống ca sĩ Giang Tử hay Duy Khánh. Nhận xét của ca sĩ Thái Châu vấp phải không ít phản ứng của những người đang xem những giọng hát giỏi bắt chước này là tài năng nghệ thuật. Sự cổ xúy của đám đông khiến nhiều người nghĩ rằng chỉ cần hát cho giống một ca sĩ nổi tiếng nào đó là có thể trở thành ngôi sao. Thậm chí, ngay cả những người làm nghề như Mai Quốc Việt, Thanh Duy hay Hoài Lâm cũng đang đi theo con đường này.
Điều đáng nói là những người tổ chức chương trình không xác định rõ đây chỉ là các sân chơi thuần giải trí, mua vui và nó không có giá trị đóng góp vào việc tìm kiếm tài năng nghệ thuật. Hầu hết bạn trẻ tham gia đều không nghĩ đúng. Minh chứng là ở sân chơi “Ca sĩ giấu mặt”, người chiến thắng phải là người có giọng hát giống với ca sĩ nhất. Hầu hết thí sinh (từ người hát giống ca sĩ nhất đến người ít giống nhất) đều bày tỏ nguyện vọng “được trở thành ca sĩ chuyên nghiệp”. Cuộc thi này chính là phương tiện để họ quảng bá tài năng hát của mình.
Cũng như ở cuộc thi “Gương mặt thân quen nhí”, các bé đang được huấn luyện thành bản sao của rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác. Trong sự tung hê của nhiều người, không chỉ phụ huynh mà ngay cả các bé cũng nghĩ rằng việc mình đang làm là đúng và giấc mơ “ngôi sao” sẽ sớm thành sự thật với các em.
Thực tế cho thấy không ít trường hợp đã rơi vào tình trạng hụt hẫng vì không còn sự tung hô của công chúng truyền hình như khi họ còn đứng trên sân khấu các chương trình giải trí vừa nêu. Đến nay, dù có rất nhiều fan (người hâm mộ) và có khả năng hóa thân thành nhiều ca sĩ khác nhau nhưng Hoài Lâm ngày càng mất hút khỏi thị trường âm nhạc vì thiếu nét riêng. Mai Quốc Việt cũng cùng chung số phận, dù trước đó anh nổi ồn ào như một hiện tượng nhờ tài nhái giọng các ca sĩ nổi tiếng. Thì ra, tài bắt chước người khác dù giỏi đến đâu cũng chỉ là trò giải trí mua vui, sớm gây nhàm chán đối với công chúng. Hào quang của sự nổi tiếng dễ khiến cho nhiều người không phân biệt đâu là giá trị thật hay ảo.
Tìm ra giá trị thật của nghệ thuật không chỉ đòi hỏi người làm nghề có tâm mà ngay cả công chúng hay những người kinh doanh nghệ thuật đều phải biết chung sức, chung lòng mới đạt được.
Bình luận (0)