Dân ca, nhạc giao hưởng hiện nay có hấp dẫn người nghe không? Chắc có lẽ kể cả giới chuyên môn cũng ngập ngừng khi trả lời câu hỏi này, thế nhưng khi nghe tổ khúc Dòng chảy trong chương trình Việt Nam non nước ngàn dặm, diễn ra tối chủ nhật, 8-6, tại Nhà hát Thành phố (TP HCM) mới có câu trả lời thực tế.
Kết hợp khéo léo
Thoạt đầu, khi nghe từ “tổ khúc”, người nghe dễ liên tưởng đến khái niệm khô khan của sự kết hợp những bài hát ngắn, có sự tương phản về điệu thức, tốc độ, tiết tấu... Thế nhưng, hơn 20 bài dân ca của các dân tộc, vùng miền Việt Nam từ Nam chí Bắc, từ xuôi đến ngược đã được tác giả tuyển chọn, chắt lọc từ kho tàng dân ca phong phú của Việt Nam sao cho âm nhạc, ca từ, hình tượng phù hợp với ý nghĩa của từng chương.
Tất cả không bị lắp ghép một cách khiên cưỡng mà tác giả đã khéo léo sử dụng những đoạn chen đầy sáng tạo và màu sắc để gắn kết các bài dân ca của rất nhiều vùng miền khác nhau, tương phản về nhiều yếu tố, trở nên xuyên suốt, mượt mà. Những bài dân ca tưởng chừng quen mà lạ được phối khí rất đa dạng, khi là một khúc “solo” day dứt, khi là một “duo” trữ tình, lúc lại là một tốp ca nam nữ tươi vui, dí dỏm… và lên cao trào là những hợp xướng 4 bè, có khi cả dàn hợp xướng thiếu nhi, kết hợp với dàn nhạc giao hưởng tạo hiệu quả thật hoành tráng.
Bên cạnh phần âm nhạc là những động tác hình thể đơn giản nhưng súc tích, ấn tượng được các biên đạo Lê Nhật Quang Huy, Nguyễn Phúc Hải dàn dựng, diễn tả tâm trạng, những cảnh sinh hoạt rất dân dã, đời thường do chính những ca sĩ diễn xuất cũng góp phần cho sự thành công của tác phẩm. Tiếng muỗi bay, tiếng mưa rơi từ thưa đến nhặt đều được diễn tả bằng động tác hình thể như xoa, búng, vỗ tay, vỗ đùi với âm lượng, sắc thái, tốc độ khác nhau tạo màu sắc mới lạ và thú vị cho khán giả.
Chỉ sau mỗi đoạn chuyển giữa các chương, khán phòng đã “nóng” lên bởi những tràng pháo tay không ngớt của khán giả. Các nghệ sĩ cũng dường như càng lúc càng hưng phấn, nhạc trưởng trẻ Trần Nhật Minh càng lúc càng “bay bổng”. Khi giai điệu cuối cùng chấm dứt, cả phòng hòa nhạc như vỡ òa trong tiếng vỗ tay, reo hò đầy phấn khích, tiếc nuối, không ai muốn ra về. Khuôn mặt các nghệ sĩ thật rạng rỡ, hạnh phúc. Một đêm diễn nhạc giao hưởng dân gian thành công không ngờ.
Khơi dòng cho “giao hưởng dân ca”
Gặp gỡ sau đêm diễn, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng khiêm tốn cho rằng thành công của Dòng chảy là của nhiều người, trước tiên là Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Trần Vương Thạch đã đưa ra ý tưởng liên kết các bài dân ca thành một “vở diễn” có nội dung.
Khi mới nhận nhiệm vụ, anh cũng rất lo lắng vì dân ca Việt Nam hết sức phong phú về nội dung, hình tượng, ngôn ngữ âm nhạc… lại ra đời ở những không gian, thời gian khác nhau, làm thế nào để gắn kết trong một nội dung? Từ ý tưởng đời người như một dòng chảy, tuổi thơ êm đềm, trong trẻo như những con suối nhỏ, khi trưởng thành sôi nổi, dữ dội như những dòng sông cuộn đỏ phù sa, khi hoàng hôn xế bóng lại rộng rãi, bao dung như biển cả, anh đã viết thành kịch bản cho tổ khúc dân ca Dòng chảy. Tuy nhiên, từ kịch bản đến việc lựa chọn các bài dân ca cũng là một thách thức vì yêu cầu làm sao giao hưởng, thính phòng hóa các bài dân ca mà vẫn không làm mất đi những nét đặc trưng. Anh đã sưu tầm, nghe và chắt lọc từ cả ngàn bài dân ca, sau đó phối lại, đôi chỗ phải đặt lại lời cho phù hợp với mạch nội dung, sáng tác thêm các đoạn nhạc kết nối giữa các bài dân ca để tạo thành tổng thể thống nhất.
Qua tổ khúc Dòng chảy cho thấy khán giả không hề quay lưng với dân ca cũng như nhạc giao hưởng và chúng ta cũng không thiếu những tài năng để làm cho những thể loại âm nhạc này vừa gần gũi vừa mang tính học thuật, vấn đề là cần phải có sự đầu tư và quảng bá đúng mức.
Bình luận (0)