Ai là người mẫu thật sự, ai là người mẫu trá hình? Cơ quan nào có thể thống kê có bao nhiêu người mẫu đang hoạt động nghề ở Việt Nam? Đó là những câu hỏi chưa có câu trả lời.
Chỉ 30% là người mẫu thực thụ?
Hội thảo “Nghề người mẫu ở Việt Nam: Thực trạng và đề xuất” do Hội Người mẫu Việt Nam tổ chức ngày 23-12 tại TP HCM không tháo gỡ được “nút thắt” đang tồn tại trong hoạt động người mẫu hiện nay. Nhiều tham luận được nêu lên nhưng gần như không chạm được những vấn đề bức xúc cần mổ xẻ.
Là người gắn với thế giới người mẫu nhiều năm nay, ông Tạ Nguyên Phúc, Giám đốc sáng tạo của Công ty Đào tạo người mẫu PL, kết luận: “Không thể đếm hết những người đang mang danh người mẫu ở làng mẫu Việt nhưng tôi dám khẳng định chỉ có khoảng 30% trong số này là người mẫu thực thụ”.
Hầu hết người trong giới đều cho rằng số lượng người mẫu đang tăng theo cấp số nhân mỗi năm thông qua các công ty tuyển dụng, các lò đào tạo và qua các cuộc thi trên sóng truyền hình. Nếu ở thị trường thế giới, người mẫu được phân loại theo chuẩn mực nhất định như mẫu ảnh, mẫu quảng cáo, mẫu trình diễn,… thì ở Việt Nam, thị trường người mẫu bát nháo và không thể kiểm soát nổi. “Thậm chí, ở Việt Nam còn có người mẫu tự phong. Với tư cách là người mẫu, tôi không hiểu vì sao ở Việt Nam, việc trở thành người mẫu lại dễ đến thế. Một bộ ảnh được tung lên mạng, vài lần chụp ảnh quảng cáo,… họ nghiễm nhiên trở thành người mẫu trong khi để trở thành người mẫu thực sự, còn nhiều yếu tố và đòi hỏi khác” - hoa khôi Lan Khuê nói.
Thực tế hiện nay, tình hình trình diễn đã cải thiện nhiều hơn, tức “thu nhập từ nghề của người mẫu đã khá hơn trước nhưng với số lượng quá đông, sự cạnh tranh của giới mẫu càng trở nên khốc liệt nên số người mẫu sống bằng thu nhập thực sự từ nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay” - giới chuyên môn nhận định.
Chạy theo hào nhoáng “ảo”
So với các năm trước, thu nhập của giới mẫu đã khá hơn. Trung bình khoảng 500.000 đến 1 triệu đồng/buổi diễn. “Mức thu nhập đó chỉ đủ để có một cuộc sống ổn định, không thiếu thốn nhưng cũng không thể giàu có với siêu xe hay hàng hiệu” - ông Tạ Nguyên Phúc chia sẻ.
Dù vậy, so với các nghề khác, “bộ mặt” của nghề mẫu lung linh không thua kém bất cứ nghề nào trong showbiz. Lý giải điều này, người trong giới khẳng định có 2 lý do. Thứ nhất, đặc tính chung của nghề. Khi tham gia giới mẫu, tức là bạn cũng có nhiệm vụ đón đầu xu hướng. Một vóc dáng đẹp, một tư duy thời trang đi trước, chắc chắn hình ảnh bạn sẽ rất lung linh. Thứ hai, sự cạnh tranh của giới mẫu không chỉ đơn giản là nghề mà còn là “bộ mặt ai lung linh hơn ai”, như cách nói của giới chuyên môn. Đó là lý do ai cũng cố gắng tạo cho mình một “giao diện” hoàn hảo với “quần là áo lượt” và cao hơn là biệt thự, siêu xe, hàng hiệu như mọi người đã thấy. Chính sự ganh đua, kèn cựa này là nguyên nhân dẫn đến những hiện tượng “chân dài - đại gia” hay tiêu cực hơn là “bán thân” như nhiều vụ đã bị phơi bày trước công luận.
Hoa khôi Lan Khuê nói: “Tôi không coi những trường hợp bị bắt vì bán dâm là người mẫu do họ chưa làm gì cho nghề để chúng ta phải công nhận họ. Nhưng tôi cũng không thể phủ nhận cái nhìn thiếu thiện cảm của mọi người về nghề mẫu vì những trường hợp tiêu cực đó. Bản thân một người yêu nghề như tôi thấy bực tức vì tiếng xấu mà nghề này phải chịu nhưng tôi cũng chẳng làm được gì khi một góc sự thật quá xấu hiển nhiên của nghề lộ ra”.
Trông chờ “quy luật đào thải”
Thực tế, nghề mẫu vẫn có sức hút đặc biệt với giới trẻ và số lượng thí sinh chọn các cuộc thi người mẫu ngày càng tăng là minh chứng rõ nét. Sức hút đó bắt nguồn từ “sự hào nhoáng bên ngoài” của một vài người mẫu nổi tiếng và cả nhận thức sai lầm của giới trẻ khi họ tin rằng “nghề người mẫu có thể mang lại thu nhập cao, công việc nhàn hạ, chẳng phải tốn nhiều công sức để học” - ông Thanh Long, Giám đốc Công ty Đào tạo người mẫu PL, phân tích. Nhưng “thực tế đã chứng minh là trong cả ngàn người được cho là người mẫu hiện chỉ có vài ba gương mặt được công chúng nhớ tên” - ông Tạ Nguyên Phúc nói.
Đoàn Thu Thủy, một gương mặt đã làm mẫu 5 năm nay, cho biết: “Trở thành một người mẫu không quá khó. Từ danh xưng người mẫu, tôi dễ dàng kiếm cho mình một vai diễn ở phim điện ảnh và truyền hình hơn”. Chính điều này khiến nghề mẫu trở nên bát nháo, “vàng thau lẫn lộn” và xảy ra vô số hiện tượng tiêu cực.
Làm thế nào để quản lý nghề người mẫu? Không ít giải pháp cũ được lục lại như cấp thẻ hành nghề. Nhưng nhiều người chỉ ra rằng nếu chọn thẻ hành nghề làm giải pháp thì việc xây dựng nên những quy định để cấp thẻ cũng là bài toán nan giải. Vì vậy, ý kiến “trông chờ vào quy luật đào thải” lại nhận được sự tán đồng của người trong giới. Theo họ, chỉ người thực sự giỏi nghề mới tồn tại lâu dài, còn những người mẫu tự phong dần sẽ bị đào thải dưới sự tinh lọc khéo léo của công chúng và sự khắc nghiệt của nghề.
Nên học Hàn Quốc
Tham dự hội thảo, ông Kim Sung Pil, đại diện Hiệp hội Người mẫu châu Á , cho biết ở Hàn Quốc, mã số ngành nghề người mẫu là 940303. Mã số này có nghĩa là nghề người mẫu được công nhận trong Bộ Luật Lao động Hàn Quốc. Tại Hàn Quốc, người mẫu được phân loại theo 2 dạng: người mẫu thời trang (là người mẫu có liên quan đến nghề thời trang) và người mẫu quảng cáo. Ngành đào tạo người mẫu chính quy ở Hàn Quốc có hơn 10 trường ĐH với hạn đào tạo là 2 năm và 4 năm được Bộ Giáo dục Hàn Quốc cấp bằng chứng nhận. Sau khi tốt nghiệp cử nhân, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo sau ĐH để trở thành thạc sĩ hoặc tiến sĩ. Thường người mẫu sẽ có lợi thế hơn nếu đã tốt nghiệp ĐH chuyên ngành như ngành biểu diễn truyền hình, diễn viên. Cũng có những khóa đào tạo ngắn hạn tại viện mẫu nhưng nói chung, phải qua đào tạo bài bản mới được hành nghề.
Bình luận (0)