NSƯT Bảo Quốc chọn chủ đề cho chương trình là “Chút tình gửi lại nhân gian” vì muốn nhắc nhở các thế hệ con cháu phải sống đúng với tính nhân văn sâu sắc mà mẹ của anh - bà Nguyễn Thị Thơ (bầu Thơ) - đã để lại
Giữ đúng phong cách
Đời sống sân khấu cải lương giai đoạn sau năm 1968 - 1975 đã bắt đầu nhuốm màu ảm đạm. Khán giả thời đó chuộng phim Hồng Kông, Đài Loan, có giai đoạn chỉ còn rạp Quốc Thanh diễn cải lương. Thế nhưng, với bầu Thơ, dù các suất hát thu hẹp, Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga vẫn giữ đúng phong cách mà bà đã định. “Không chỉ trình diễn những vở tuồng xã hội, sáng tác mới của đoàn còn đề cập các vấn đề của xã hội Việt Nam cận đại. Ngoài ra, bầu Thơ còn đề nghị soạn giả phóng tác một số tiểu thuyết của các nhà văn Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, Ngọc Linh… để lôi kéo khán giả đến với cải lương. Có thể nói bầu Thơ đã góp phần mở ra trang sử mới đối với sân khấu cải lương khi chắp cánh cho môn nghệ thuật này bay vào bầu trời văn học” - tác giả Lê Duy Hạnh nhận định.
Trước đó, các soạn giả: Năm Châu, Năm Nở, Tư Trang, Tư Chơi đã từng sáng tác khoảng 10 kịch bản xã hội Việt Nam nhưng chỉ diễn được trong giai đoạn 1936 - 1942, từ đó cho đến những năm 1970 thì ngay trên sân khấu của Đoàn Việt Kịch Năm Châu cũng không hát được các vở tuồng xã hội vì không có khán giả. Sau đó, Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga đã mở đường cho việc sáng tác và trình diễn thường xuyên các kịch bản cải lương xã hội, nhờ vậy đã thay đổi được bộ mặt của môn nghệ thuật này. NSND Viễn Châu khẳng định: “Sân khấu cải lương không phải chỉ diễn những tuồng Tàu, tuồng Tây, tuồng La Mã, kiếm hiệp hoặc theo kiểu đấu súng mà còn trình diễn những kịch bản Việt Nam xây dựng theo trào lưu mới, hợp với một xã hội tiến bộ. Từ những dìu dắt của thầy Năm Châu, chị Bảy Phùng Há, cô Kim Cúc, soạn giả Duy Lân..., Thanh Nga và các diễn viên của Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga đã có những sáng tạo trong ca diễn, làm khuôn mẫu cho các thế hệ nghệ sĩ sau này noi theo”.
Trọng đức, khinh tài
Nhắc đến những huyền thoại sân khấu chung quanh cuộc đời của cố NSƯT Thanh Nga, đã có biết bao bài báo khai thác, thậm chí có cả những dự án làm thành phim, in sách về cuộc đời của bà. Còn với các bạn diễn, trong những ngày miệt mài tập trên sàn tập 4 suất hát Tiếng trống Mê Linh và Bên cầu dệt lụa, họ đã nhắc về Thanh Nga với những câu chuyện mà nói theo NSND Ngọc Giàu là “mảnh đời đầy kịch tính”.
“Tôi học ở chị rất nhiều. Đó là thần sắc trên sân khấu khi chị thâm nhập trạng thái bi kịch. Chị diễn và đặt trọn tình yêu của mình vào nhân vật, có lúc nỗi đau đó giằng xé khiến chị ngất xỉu. Tôi nhớ khi diễn vở Sân khấu về khuya, chị vào vai Giáng Hương, anh Thành Được vai Lĩnh Nam. Đến đoạn cao trào, khi biết Lĩnh Nam đã bỏ gánh hát để chạy theo Mỹ Tiên, một cô đào trẻ mới nổi, lúc đó chị diễn bằng cảm xúc dâng trào. Tôi đóng vai Mỹ Tiên, chỉ một cái nhìn, một cái siết tay khi chị nói với Lĩnh Nam: “Cậu mà yêu được cái ngữ này sao?” thì tim tôi đã muốn nổ tung” - NSND Ngọc Giàu xúc động kể.
Riêng với NSƯT Thanh Sang, Thanh Nga có rất nhiều kỷ niệm với ông. Ngày trước, khi tập vở Tiếng trống Mê Linh, Thanh Nga yêu cầu soạn giả Viễn Châu viết thêm vào kịch bản của Việt Dung - Vĩnh Điền bài Mê Linh khúc và cho đến hôm nay, hễ nhắc tuồng này thì khán giả đã nhớ đến bài ca “Trong giây phút chia tay…”. “Trước 1975, tôi được khai thác tối đa những vai lão vì các soạn giả cho rằng giọng của tôi hợp với những vai này. Cho đến sau này, khi được Thanh Nga đề nghị đóng kép thì tôi mới có những vai diễn được khán giả yêu mến, mà hai vai Thi Sách và Trần Minh là điển hình” - NSƯT Thanh Sang nói.
Theo NSƯT Thanh Sang, thời gian ở Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga là quãng đời đẹp nhất của nghiệp nghệ sĩ mà ông theo đuổi vì không có sự ganh ghét, đố kỵ. “Tôi hay nóng tính, còn Thanh Nga thì mau nước mắt. Vì vậy, trên sàn tập, có lúc tôi đã làm Thanh Nga giận nhưng rồi sau đó chúng tôi mau chóng hòa mình vào ánh đèn sân khấu để “thương lúc trời hồng, yêu vội lúc tách màn nhung”. Cái đẹp của nghề hát chính là sự nương tựa nhau trong sáng tạo. Thanh Nga chăm chút cho bạn diễn lắm, không có bạc như cái cách làm nghệ thuật chụp giựt như ngày nay” - NSƯT Thanh Sang nhớ lại.
Nghệ sĩ lão thành Kim Giác - vợ của cố NSƯT Hoàng Giang - cho rằng Thanh Nga bất hủ theo thời gian chính là nhờ có được nền tảng giáo dục nghiêm khắc của bầu Thơ. Cũng như thế hệ con cháu của bà sau này, như: Bảo Quốc, Hữu Châu, Hồng Loan, Hà Linh, Gia Bảo… vẫn một mực noi theo con đường trọng đức, khinh tài.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 1-3
Làm từ thiện
Hai tác phẩm thành công đại diện cho hàng trăm tác phẩm đỉnh cao của gia tộc bầu Thơ - Năm Nghĩa đang được tái dựng trên sân khấu Nhà hát Bến Thành, TP HCM. Vở Tiếng trống Mê Linh (tác giả Việt Dung - Vĩnh Điền, đạo diễn Ngô Y Linh) và vở Bên cầu dệt lụa (tác giả Thế Châu, đạo diễn NSND Huỳnh Nga) đã từng đem lại tiếng vang về mặt nghệ thuật và doanh thu cho Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga những năm đầu đất nước thống nhất. Hai tác phẩm này đã được NSƯT Hữu Châu tái dựng tại Nhà hát Bến Thành với sự tham gia của 3 thế hệ nghệ sĩ: Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Út Bạch Lan, Hùng Minh, Bảo Quốc, Vũ Linh, Thành Lộc, Hữu Châu, Phương Hồng Thủy, Phượng Liên, Quốc Nhĩ, Xuân Lan, Kim Hương, Hoài Linh, Hà Linh, Hồng Loan, Gia Bảo, Vũ Luân, Tú Sương… Doanh thu của 4 suất diễn sau khi trừ đi chi phí sẽ được làm công tác từ thiện, trao tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học tại tỉnh Tây Ninh - nơi bầu Thơ sinh ra và lớn lên.
Bình luận (0)