Trịnh Công Sơn và cô "Bống" Hồng Nhung, phía sau là ảnh Khánh Ly. Ảnh: Dương Minh Long.
Theo nhiếp ảnh gia Dương Minh Long, người từng sống chung nhà với Trịnh Công Sơn và đang nắm trong tay gần 7.000 bức ảnh độc về ông, có vô số bóng hồng từng đi qua cuộc đời Trịnh, nhưng người khiến ông hạnh phúc nhất và đàn ông nhất là Hồng Nhung. Có những hôm hai người giận nhau, nhạc sĩ sinh năm 1939 tìm đến nhà Hồng Nhung, thấy cô đi vắng ông buồn bã cả ngày. Dương Minh Long bèn bày kế hẹn Bống đến nhà ăn cơm không nói cho cô biết, Trịnh cũng có mặt ở đó.
Bình thường, tác giả Đóa hoa vô thường là chúa sai hẹn nhưng hôm đó, mới 9 giờ 30, ông đã gọi điện hỏi nhiếp ảnh gia chuẩn bị xong đồ ăn chưa rồi đi taxi đến chờ mấy tiếng đồng hồ. 11 giờ Hồng Nhung đến, hai người vừa gặp nhau đã bắt tay, ôm hôn quên hờn giận. Tình cảm của Trịnh Công Sơn với người con gái bé nhỏ Hà Nội từng được gói gọn trong câu hát “Ru em ngồi yên đấy, tôi tìm cuộc tình cho”. Vì thế, sự rời bỏ của Hồng Nhung làm Trịnh Công Sơn vô cùng đau đớn.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái, mẹ nuôi của Bống, người từng có công thông báo với báo giới về chuyện tình Hồng Nhung - Trịnh Công Sơn chia sẻ thêm rằng, sự chia tay này lỗi không phải ở Hồng Nhung hay Trịnh Công Sơn mà là “Hồng Nhung không thể không đi lấy chồng vào một lúc nào đó. Ngày Nhung cưới, Sơn ốm nặng không thể đi được”.
Ngày ông mất, Hồng Nhung đang dở hợp đồng biểu diễn tại Australia, bay về đưa tang rồi lại gạt nước mắt mà đi. Khi ấy, Nhung đang làm dở album “Thủa Bống làm người”. Bống những muốn ra ngay album này, nhưng cha cô khuyên nên để lại đến hai năm sau. Album sử dụng những bức ảnh của Dương Minh Long chụp, bức màu vàng tượng trưng cho dương, bức đen trắng tượng trưng cho âm, nói về sự chia lìa mãi mãi của đôi tình nhân âm nhạc.
Tuy nhiên, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái của Trịnh Công Sơn, không đồng ý với những quan điểm mà hai người bạn ông đưa ra. “Từ ngày anh Sơn mất có rất nhiều tin đồn. Ai thích nói gì thì nói nhưng tôi cho rằng, sự thật vẫn luôn là sự thật, sẽ có lúc phải được sáng tỏ. Đây không phải lần đầu tiên tôi nghe những lời phát biểu về chuyện này, nên không sốc, không ngạc nhiên. Tôi chỉ muốn những người có tâm hãy để anh tôi được yên vì sống hay chết người ta đều cần sự bình yên” - bà Trinh bày tỏ. Theo bà, nghệ sĩ thường rất mơ mộng, cảm xúc làm nên tác phẩm có thể đến từ một hình ảnh đẹp thoáng qua hay những rung động chứ không hẳn từ một tình cảm sâu đậm.
Chia sẻ thêm, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh cho biết: “Trong cuộc đời anh Sơn, một cô gái mà gia đình xác định là tình yêu sâu đậm của anh là người đẹp Dao Ánh. Anh tôi viết Hạ trắng, Mưa hồng, Còn tuổi nào cho em xuất phát từ tình cảm đó, nhưng bản thân Dao Ánh chưa bao giờ lên tiếng về điều này. Những tình yêu chân thật không nên phô bày mà cần được nâng niu. Sống trong cuộc sống, theo quan điểm của tôi, im lặng là vàng. Trong cái im lặng đó, mình sẽ hiểu nhau”.
Trịnh Công Sơn và em gái Trịnh Vĩnh Trinh. Ảnh: Xã luận.
Bản thân người trong cuộc, ca sĩ Hồng Nhung cho biết cô không có phát biểu gì. “Tôi chỉ muốn nói, tôi luôn là học trò, là người thân của Trịnh Công Sơn” - cô Bống chia sẻ.
Dù một bức màn bí ẩn nhiều tranh cãi luôn bao phủ lên mối quan hệ của Trịnh Công Sơn và Hồng Nhung, cặp nghệ sĩ này đã có rất nhiều cống hiến cho âm nhạc Việt. Nhạc sĩ quê hương Thừa Thiên đã viết ba bài hát: Bống bồng ơi, Thủa Bống làm người, Bống không là Bống là dành riêng cho cô ca sĩ ông gặp và quý mến từ những năm 90 thế kỷ 20. Trước đó, cái bóng Khánh Ly đã bao phủ quá nặng lên những tác phẩm nhạc Trịnh. Người nghe nhạc Trịnh chỉ chấp nhận cái khàn, cái thư thả, dửng dưng, nhẹ như bấc mà nặng như chì trong cách hát của giọng ca Đà Lạt mà không chịu mở lòng với bất cứ ai khác, bất cứ cách làm mới nào khác. Thế mà Hồng Nhung làm được.
Sự thành công của Bống một phần chính bởi cách ưu ái của Trịnh Công Sơn khi ông nói: “Hồng Nhung làm mới lại những ca khúc của tôi. Có người thích có người không thích. Tuy nhiên tôi thích vì đó là cách biểu hiện mới phù hợp với (...) thời hiện đại - Một sự lãng mạn mới. Nó giúp mình có được một chỗ ngồi trong hiện tại chứ không phải là kẻ nhắc tuồng từ quá khứ”.
Hồng Nhung chọn cách hát dương tính trong khi nhạc Trịnh đầy tính âm, đi vào trong chứ không ra ngoài. Cái đáng kể ở đây là cả hai đã tìm cách hòa nhập vào nhau, nói như cách nói của Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái - Hồng Nhung chín sớm và Trịnh Công Sơn xanh muộn lại. Nhung vẫn hát dương tính nhưng biết cách đi vào đáy cảm xúc của ca từ rồi mới ra ngoài, hát đầy khắc khoải. Đó có lẽ là sự kết tinh của mối quan hệ mà Trịnh tự nhận xét là “thân quá không biết nên gọi là gì”.
Suốt 62 năm trong “cõi tạm”, cuộc đời Trịnh Công Sơn bao phủ bởi rất nhiều chuyện tình huyền hoặc, ban đầu là Diễm, là Quỳnh Hương, là Nguyệt, Bích Khê, về sau có Hoàng Lan, Michiko, có V.A, Dao Ánh, Hồng Nhung... nhưng định mệnh vẫn cứ bắt ông phải đứng trước cái ngưỡng của tình yêu. Cũng có lần Trịnh hân hoan thông báo với mọi người về đám cưới, nhưng rồi ông lại ngậm ngùi bảo thôi. Đó là sự tử tế của người đàn ông không muốn người đàn bà nào vì mình mà khổ.
Người đàn bà nào yêu Trịnh cũng rất hạnh phúc bởi những giây phút thăng hoa, nhưng về khía cạnh trần tục thì bất hạnh. Ông là một tâm hồn mong manh, dễ vỡ, yêu đàn bà bằng một tình yêu mang hơi thở Phật giáo chứ không mang lại cho họ một mái ấm, một đứa con. Các giai nhân từng đi qua đời ông, người ngắn người dài nhưng không ai oán trách bởi đó đều là thứ tình yêu thần tượng chuyển thành tình yêu trai gái.
Khánh Ly không có một cuộc tình với Trịnh Công Sơn, nhưng định mệnh như đã gắn liền tên cô với tên ông. Cô yêu thương Trịnh như một người bạn, một người anh, một người thầy, và cả một người tình. Khánh Ly thường nói: “Tuy không một ca khúc nào của Trịnh Công Sơn viết riêng cho tôi, nhưng tôi vẫn có cảm tưởng hầu hết ca khúc của Trịnh Công Sơn đều được viết cho Khánh Ly”.
Trong số những bức ảnh của Trịnh Công Sơn, người ta nhắc nhiều đến bức hình ba người, Khánh Ly ngồi trên lòng Trịnh Công Sơn, đứng cạnh đó là chồng cô. Có lẽ, người đàn ông đó hiểu mình có nhiệm vụ bảo tồn thứ tình đã thành vĩnh cửu trong tâm hồn vợ. Điều này vượt qua mọi thói ghen tuông tầm thường. Đó cũng là một nét tinh hoa văn hóa.
Sau gần một thập kỷ rời bỏ “cõi tạm”, ký ức về Trịnh vẫn sống mãi trong tâm tưởng gia đình, bè bạn, công chúng yêu mến âm nhạc. Đêm nhạc với những bài hát về thân phận, về “cõi tạm” của ông: Một cõi đi về, Ở trọ, Nắng thủy tinh, Nhớ mùa thu Hà nội, Quỳnh Hương… khắc hoạ lại chân dung Trịnh Công Sơn sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn, Hà Nội, tối 28-11. Tiếc rằng cả ba ca sĩ hát thành công nhất nhạc Trịnh đều vắng mặt.
Sinh thời, Trinh Công Sơn từng viết: “Khánh Ly, một người bạn của định mệnh vĩnh viễn thương yêu nhau. Khánh Ly hát cho một thời vừa lãng mạn vừa đau thương trong chiến tranh. Hay nhất. Vĩnh Trinh, một người em ruột phải bù đắp vì không kịp thấy bố khi vừa ra đời, một người thích hát và hát hay những bài hát của anh mình. Lưỡng lự giữa đời ca hát và đời thường. Tuy nhiên cái nghiệp ca hát lại trói buộc ở chặng đời mà mọi ràng buộc khác không còn ý nghĩa nữa. Thế cũng là một điều may mắn cho đời, và cho tôi. Hồng Nhung, một người quá gần gũi không biết phải gọi là ai? Khánh Vĩnh Hồng hay Ly Trinh Nhung là điều phải có, gần như tất yếu, trong cuộc đời sáng tác của một người”.
Khánh Ly ở hải ngoại, trong khi Hồng Nhung và Trịnh Vĩnh Trinh đều cho biết vì bận việc mà không thể tham gia đêm nhạc. Thay vào đó là sự góp mặt của những ca sĩ: NSƯT Đức Long, Mỹ Linh, nhóm Con Gái, Phương Anh và Ái Vân.
Bình luận (0)