Tính từ ngày 10-3-2015, ngày dự kiến bàn giao cho đơn vị thụ hưởng, đến nay đã hơn 1 năm, công trình Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật cải lương Hưng Đạo được ngành văn hóa TP HCM tự hào là nhà hát hiện đại bậc nhất của sân khấu cải lương phía Nam (nay có tên mới là Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) xây trên nền rạp Hưng Đạo cũ vẫn trong tình trạng “trùm mền”. Đơn vị thụ hưởng là Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang chưa chịu nhận vì công trình được xây dựng không đúng chức năng nhà hát.
Nhu cầu nhà hát, đi xây trung tâm văn hóa
Thực tế, đây là công trình trung tâm văn hóa chứ không phải nhà hát cải lương vì toàn bộ thiết kế đều không phục vụ cho mục đích dàn dựng biểu diễn. Theo thiết kế, trung tâm có diện tích đất 929 m2, tổng diện tích sàn xây dựng 6.358 m2; gồm 1 hầm và 5 tầng với chiều cao 34 m, có 2 khán phòng: khán phòng biểu diễn chính với 634 chỗ ngồi và sân khấu thể nghiệm gồm 298 chỗ ngồi. Công trình còn có khu đào tạo, làm việc, thư viện và khu vực sản xuất băng đĩa.
Sàn diễn nhỏ hẹp, các hạng mục phục vụ cho sân khấu như âm thanh, ánh sáng đều không bảo đảm về yêu cầu kỹ thuật. Có quá nhiều đèn nhưng chẳng biết treo và lắp đặt thế nào, vách xây lại không có hốc giấu những hộp đèn theo tiêu chuẩn quốc tế. Loa bày đầy ra sàn diễn, trong khi sàn chỉ còn 10 m bề ngang (so với mặt bằng sàn diễn của rạp Hưng Đạo cũ là 12 m), nếu tính thêm 2 m sử dụng cho 2 cánh gà thì sàn diễn thực tế chỉ còn 8 m bề ngang. Điều khó chịu hơn là không có hố nhạc để dàn nhạc cổ ngồi.
Với lý do bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định phòng cháy chữa cháy, khán phòng bị thu hẹp chỉ còn 300 ghế dưới tầng trệt và 300 ghế trên lầu. Lan can của tầng lầu che khuất tầm mắt khán giả. Để khán giả trên lầu nhìn thấy mình, diễn viên phải lùi vào sâu trong sàn diễn...
Có quá nhiều bệ nâng trên sàn diễn. Chức năng của bệ nâng là để chuyển cảnh và phục vụ diễn xuất nhưng độ cao của sàn diễn quá thấp, khó có thể giấu cảnh trí. Diện tích bệ nâng không đáp ứng được yêu cầu nâng khối lượng cảnh cần thiết của một vở diễn. Bên trong hậu trường sàn diễn lại không có đủ diện tích để chứa cảnh.
Khi báo chí phản ánh tình trạng bất cập này (Báo Người Lao Động có bài viết “Nhà hát chưa dùng đã gây bức xúc” ngày 8-4-2015), UBND TP HCM đã chỉ đạo các đơn vị liên quan dừng bàn giao công trình, kiểm tra và báo cáo. Tháng 3-2016, UBND TP lập ban thanh tra công trình trong thời hạn 45 ngày.
45 ngày thanh tra đã qua lâu nhưng đến nay kết luận vẫn chưa được công bố. Trong khi đó, theo NSND Trần Ngọc Giàu - giám đốc nhà hát - Ban Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang liên tục bị ép phải nhận công trình dù còn quá nhiều hạng mục chưa được sửa chữa. Dư luận trong giới nghệ sĩ tiếp tục bức xúc trước cách giải quyết chậm chạp của các cấp có thẩm quyền.
Tính từ năm 2006, khi UBND TP HCM chính thức giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (nay là Sở Văn hóa - Thể thao) thành lập Ban Quản lý dự án xây dựng Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật cải lương Hưng Đạo, đến nay đã tròn 10 năm. Nghệ sĩ ở TP HCM rất phấn khởi khi được biết công trình nhà hát hiện đại có vốn đầu tư 132,29 tỉ đồng này dành cho nghệ thuật cải lương. Nhưng khi nghệ sĩ được mời tham quan để tiếp nhận nhà hát, mọi người mới vỡ lẽ.
Nhận nhưng không vui
Theo kế hoạch, trước ngày 30-4-2015, Ban Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang phải tiếp nhận Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật cải lương Hưng Đạo theo đúng tiến độ để tổ chức khánh thành với nhiều chương trình biểu diễn, trong đó có vở “Chiến binh” mà đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu đã dàn dựng. Thế nhưng theo ông Giàu: “Chúng tôi không dám nhận vì công trình chưa được sửa chữa theo đúng yêu cầu thì làm sao vận hành được”.
Cũng theo ông Giàu, hàng trăm nghệ sĩ của nhà hát đang rất lo lắng nếu phải nhận “sản phẩm” trong tình trạng không hoàn chỉnh như vậy. “Thiết kế lắp đặt lại hệ thống ánh sáng không phải chỉ di dời cái đèn từ chỗ này sang chỗ khác là xong mà phải được chuẩn hóa vị trí để đạt hiệu quả phục vụ cho diễn xuất. Kết luận thanh tra chưa có nên chưa biết sẽ sửa chữa bắt đầu từ đâu, rồi điều chỉnh hệ thống ban công, ghế ngồi thế nào cho phù hợp. Có nhà hát mới những tưởng sẽ dọn vào hoạt động ngay thì lại vướng việc chờ sửa chữa, điều chỉnh. Hàng trăm nghệ sĩ, nhân viên hậu đài của 3 đoàn nghệ thuật của nhà hát không thể gọi là an cư lạc nghiệp được” - ông Giàu nói.
Cũng theo NSND Trần Ngọc Giàu, hiện ban giám đốc nhà hát đang bị đặt trong tư thế phải nhận, dù công trình không hoàn chỉnh như mong muốn ban đầu. “Tuy sân khấu nhỏ nhưng không đến mức không dựng vở được mà chỉ là không dựng được vở lớn. Chúng tôi chỉ tiếc là xây mới nhà hát mà không phục vụ được cho sáng tạo nghệ thuật” - NSND Trần Ngọc Giàu nói.
Bình luận (0)