Biên kịch chờ đạo diễn
Một trong những biên kịch 7X có nghề là nhà văn Nguyễn Thu Phương. chị tốt nghiệp đạo diễn chính quy, đã viết kịch bản phim: Ngoại tình (đạo điễn NSƯT Lê Dân); Công ty thời trang (đạo diễn Đinh Đức Liêm); Nhà có ba chị em (đạo diễn Đỗ Thanh Hải) và gần đây nhất là phim Thám tử tư (đạo diễn Mỹ Hà)... cùng nhiều kịch bản sân khấu khác. Chị cho biết “Tôi rất tin các bạn biên kịch 8X bây giờ có thể làm tốt hơn, vì họ giỏi, thông minh, năng động và cập nhật hơn chúng tôi. Như thời gian gần đây, làm việc với những nhóm trẻ, tôi nhận thấy phương pháp làm việc của họ rất mạnh dạn và chuyên nghiệp”.
Nguyễn Thu Phương nhìn rất thoáng về vai trò của nhà biên kịch trong toàn cảnh làm nên bộ phim hay vở kịch, đơn giản là việc ai nấy làm. Song, chị cũng thừa nhận là rất may mắn khi kịch bản của mình được các đạo diễn giỏi dàn dựng. Tất nhiên, không phải ai cũng “gặp may” như chị và mối bất hòa giữa nhà biên kịch và đạo diễn vẫn tiếp diễn...
Chỉ là dạo chơi
Đầu năm nay, trên HTV đã trình chiếu 30 tập phim Ván cờ tình yêu (đạo diễn Trần Cảnh Đôn) do hai nhà văn thế hệ 7X là Phan Hồn Nhiên và Vũ Đình Giang cùng viết kịch bản. Hai nhà văn này chấp bút theo lời mời của hãng MT làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, nhà văn Phan Hồn Nhiên cho hay: “Chúng tôi viết kịch bản như một cuộc thử sức và khám phá một công việc khác lạ chứ chưa mong muốn trở thành các nhà biên kịch chuyên nghiệp”. Lý do theo hai nhà văn là một khi ai làm công việc gì cũng muốn đạt đến tầm chuyên nghiệp chứ không muốn làng nhàng.
![]() |
Nhà văn Vũ Đình Giang và Phan Hồn Nhiên |
Hiện tại, Phan Hồn Nhiên công tác ở Báo Sinh Viên Việt Nam, còn Vũ Đình Giang làm việc ở NXB Kim Đồng. Cả hai đều xác định công việc hiện tại là trên hết. Để hoàn tất kịch bản phim Ván bài tình yêu từ khâu đề cương cho đến khi hoàn tất giao nộp kịch bản cho nhà sản xuất, hai tác giả Phan Hồn Nhiên và Vũ Đình Giang mất gần 8 tháng. Tuy nhiên, khi lên phim, họ không thể nhận ra “đứa con” của mình đã bị đạo diễn biến đổi quá sai lệch. Hai tác giả Phan Hồn Nhiên và Vũ Đình Giang thống nhất cho rằng nếu muốn từ một kịch bản hay đi đến một bộ phim hay, đòi hỏi rất nhiều ở việc phối hợp giữa các khâu của bộ phim ngay từ những bước đầu tiên của kịch bản. Có như vậy mới tránh được tình trạng sau khi phim lên sóng, các nhà văn “kinh hoàng” bỏ chạy, không muốn gắn bó với địa hạt viết kịch bản truyền hình.
Đa phần các nhà biên kịch trẻ muốn sống lâu lên lão làng với nghề thì trước hết họ phải có môi trường để học nghề và thể hiện mình trước tiên. Hai nhà biên kịch Nguyễn Thị Thu Huệ và Phạm Ngọc Tiến đều công tác ở các hãng phim, và nhờ vị trí công việc đã giúp hai nhà văn này có cơ hội phát huy thế mạnh và các ý tưởng của mình. Nhà thơ Phan Huyền Thư cũng là một biên kịch trẻ với mảng phim tài liệu vì chị đang làm việc ở hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương. Thế nhưng không phải người trẻ nào cũng có điều kiện làm việc như vậy để thỏa ước mơ trở thành nhà biên kịch.
Ê-kíp chuyên nghiệp ?
Đa phần các nhà biên kịch ở ta đều xuất thân từ giới sáng tác văn chương mà các nhà văn thì quý trọng, chăm chút từng câu từng chữ. Nhưng một nghịch lý là phim thì của đạo diễn, luật bất thành văn. Nên dù kịch bản có được nhà biên kịch đầu tư kỹ đến đâu vẫn khó tránh khỏi “lệch lạc” khi được đạo diễn sử dụng theo ý mình. Thế mạnh của biên kịch trẻ tất nhiên nằm ở sự trẻ, trẻ từ ý tưởng đến chi tiết và ngôn ngữ thoại. Còn thế mạnh ấy có được phát huy hay không lại do nhà sản xuất vì họ toàn quyền mời đạo diễn và diễn viên để “câu” người xem. Nếu kịch bản trẻ được đạo diễn trẻ dàn dựng thì có thể tác giả kịch bản và đạo diễn gặp nhau ở nhiều điểm.
Kịch bản thôi chưa làm nên một bộ phim hay, nhưng đó là “bột” để đạo diễn “gột nên hồ”. Và các tác giả kịch bản trẻ biết đâu sẽ là bước đột phá trong vấn đề này vì năng lượng sáng tạo trong họ luôn tràn đầy, chỉ cần biết khơi dòng thì sẽ phun trào. Hy vọng một ngày không xa, khi mở tivi hay đến rạp, người Việt sẽ đón nhận phim ta thật nồng nhiệt thay vì liên tục “đụng đầu” hết phim Tàu, Tây rồi Hàn Quốc...
Bình luận (0)