xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Biết bao giờ liên hoan dứt tiếng oán than!

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Giám khảo tự chấm giải cho mình, còn nghệ sĩ cho rằng nỗ lực sáng tạo của họ bị chà đạp

Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015 diễn ra tại Nhà hát Cao Văn Lầu (Bạc Liêu) đã khép lại sau những màn thi thố của 27 đơn vị nghệ thuật với 33 vở. Một cơn mưa huy chương lại được tưới tắm tốt tươi cho mong ước của nhiều nghệ sĩ muốn có huy chương để được xét danh hiệu NSƯT, NSND. Còn dư luận trong giới cứ bức xúc khi liên hoan được nhìn nhận như “một cuộc chơi của những người có quyền lực trong ngành”.

Vở của giám khảo được HCV

Dư luận bàn tán nhiều khi 2 đạo diễn ngồi ghế giám khảo có vở dự thi đều đoạt HCV vở diễn, đó là NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu (vở “Chiến binh” - Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) và NSND - đạo diễn Giang Mạnh Hà (vở “Tình sử hai vương triều” - Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai); chưa kể nhà văn Chu Lai cũng là tác giả kịch bản vở “Chiến binh”. Trên thực tế, từ nhiều năm qua, mỗi khi Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức cuộc thi, hội diễn, liên hoan sân khấu thì đều bị chỉ trích nặng nề vì không dứt khoát trong việc quy định cấm thành viên ban tổ chức, ban giám khảo có tác phẩm dự thi. Tự chấm tác phẩm của mình thì làm gì còn khách quan và kết quả thực tế qua các mùa liên hoan đã cho thấy rõ điều đó.

Nghệ sĩ Điền Trung và Lê Thanh Thảo trong vở “Trung thần” - 2 diễn viên đều bức xúc sau khi tham dự cuộc thi
Nghệ sĩ Điền Trung và Lê Thanh Thảo trong vở “Trung thần” - 2 diễn viên đều bức xúc sau khi tham dự cuộc thi

Chưa kể một số thành viên ban giám khảo nhận dàn dựng vở diễn cho một số đơn vị, núp bóng sau một cái tên đạo diễn trẻ nào đó để tránh mang tiếng. Vở diễn loại này chắc chắn có huy chương để còn được các đoàn tìm đến đặt hàng lần liên hoan sau.

Nghệ sĩ làm nghề nghiêm túc cảm thấy bị tổn thương sau mỗi mùa liên hoan sân khấu vì những nỗ lực sáng tạo của họ được cho là bị xem nhẹ, lòng tin bị xói mòn.

Nghệ sĩ Điền Trung, người tham gia vai Lê Chất trong vở “Trung thần”, đã bày tỏ trên trang mạng cá nhân về sự chán nản của mình khi vai diễn của anh chỉ được HCB. Nghệ sĩ Lam Tuyền cũng tương tự, cô không buồn lên sân khấu nhận HCB khi vai diễn của cô được đồng nghiệp đánh giá cao, trong vở “Lâu đài cát” của Đoàn 2 Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Cô đã viết: “Kết thúc hội diễn…, buồn cho những công sức đổ biển”.

Tâm sự sau khi rời Bạc Liêu, nghệ sĩ Lam Tuyền nói: “Không khí cuộc thi năm nào cũng vậy, không còn để anh chị em nghệ sĩ học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, diễn xong thì ra về, ngày tổng kết nhiều người chẳng muốn đến dự vì nghe kết quả sẽ thêm tổn thương. Khát vọng làm nghề không còn trong sáng khi chạy theo những HCV, HCB”.

Hơn 150 huy chương các thể loại được trao rải đều nhưng người vui thì ít, người buồn lên diễn đàn xã hội than vãn, chửi rủa, thậm chí bày tỏ sự chán nản muốn bỏ nghề thì quá nhiều.

Nên thay đổi cách làm

Một hệ lụy mà mùa thi nào cũng vướng đó là các đơn vị dự thi bằng mọi giá mời cho được đạo diễn có chân trong ban giám khảo mà họ tin chắc sẽ “binh” được giải để mang về càng nhiều HCV, HCB càng tốt. Với các đơn vị công lập, ngân sách sẽ được cấp nhiều hơn vào năm sau, nghệ sĩ được giải sẽ chạm tay tới danh hiệu NSND, NSƯT. Đạo diễn Ca Lê Hồng bình luận: “Tinh thần làm nghề gian manh thì không thể có những sáng tạo trong sáng”.

Theo bà, phải đổi cách làm thay vì trao huy chương, vở nào được hội đồng nghệ thuật đánh giá cao, ban tổ chức cấp kinh phí cho vở diễn đó mang đi phục vụ số đông công chúng ở các địa phương. “Việc làm này sẽ tích cực tạo cho sàn diễn sáng đèn, công chúng được tiếp cận tác phẩm có chất lượng cao với giá vé rất mềm vì đã có tiền hỗ trợ từ nhà nước. Việc đến với số đông công chúng chính là niềm vinh dự của nghệ sĩ, hơn cả HCV trong giai đoạn làm nghề khó khăn như hiện nay” - NSƯT, đạo diễn Ca Lê Hồng nói.

Kịch bản cải lương thiếu và yếu đang là vấn đề báo động. 2/3 kịch bản dựng vở dự thi đều lấy từ kịch nói để chuyển thể. Điều này cho thấy yêu cầu cần có những kịch bản cải lương chất lượng đang rất cấp bách.

Trông chờ từng suất diễn

Rời cuộc thi, 33 vở diễn của 27 đơn vị nghệ thuật (20 đơn vị công lập và 7 đơn vị xã hội hóa), lại “ai về nhà nấy”, vẫn chịu chung số phận mang vở diễn cất kho. Một số đơn vị nỗ lực tìm khán giả cho vở diễn của mình nhưng để gọi là được thăng hoa sáng tạo với sự trải nghiệm dày dạn qua từng đêm diễn, để nâng cao vai diễn hơn thì họ ngao ngán. “Về lại TP HCM, tính đến việc tổ chức biểu diễn, bán vé để đưa vở “Trung thần” đến với khán giả là một việc làm nan giải hiện nay. Tiền thuê rạp quá cao, chi phí cho một suất diễn có khi vé bán không đủ bù thì phải chịu lỗ vốn, đắp tiền túi vào là đương nhiên. Nhưng rồi vừa mới đầu tư số tiền lớn để dựng vở dự thi theo mô hình xã hội hóa, nay chịu lỗ tiếp để đưa đến khán giả là điều quá sức đối với tôi” - nghệ sĩ Lê Trung Thảo tâm sự.

Có những vở diễn được trao HCV, HCB nhưng tin chắc một điều khán giả không mua vé vào xem. Nghệ sĩ ngồi đếm từng suất diễn phục vụ miễn phí khán giả “thụ hưởng” những tác phẩm đỉnh cao vừa đoạt HCV tại cuộc thi cải lương chuyên nghiệp toàn quốc.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo