Xét tổng thể bộ ảnh, hình ảnh thiếu nữ gợi cảm trong khung cảnh làng quê yên bình có vẻ hợp lý. Sự tương phản giữa cái đẹp của người mẫu với sự bình lặng, yên ả của làng quê lôi cuốn người xem. Và điều đó khiến cho vài nhận xét dễ tính cảm thấy khá thú vị. Nhưng sẽ không cần phải bàn nếu bộ ảnh này không lấy cái tên quá sốc: Chị Dậu phiên bản 2014.
Đặt tên cho bộ ảnh là Chị Dậu phiên bản 2014, rõ ràng tác giả bộ ảnh đã xuyên tạc giá trị nhân văn của nhân vật chị Dậu cũng như tác phẩm văn học Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố thuộc dòng văn học hiện thực phê phán thời kỳ 1930-1945 bằng chân dung chị Dậu nhạt nhẽo dưới góc nhìn, tư duy hồ đồ của tác giả ảnh. Mảnh áo yếm buông lơi, khoe da thịt thô thiển, vô nghĩa trong từng khung cảnh rất nát được áp đặt. Bộ ảnh Chị Dậu phiên bản 2014 có gì ngoài mục đích duy nhất phô bày vẻ đẹp thân thể phụ nữ một cách trần trụi bằng lối tả thực. Có lẽ ê-kíp thực hiện cũng chẳng cần gì ngoài sự thu hút trực diện một bộ phận công chúng thích ngắm ảnh “nóng” như thường thấy.
Có những giá trị cần được tôn trọng tuyệt đối, nhất là khi nhân vật chị Dậu đã trở thành biểu tượng nhân văn và Tắt đèn trở thành tuyệt phẩm trong văn học Việt Nam thì sự xuyên tạc như cách làm của Italy Photo đáng bị phê phán.
Sáng tạo là điều cần thiết của những người theo đuổi nghệ thuật nhưng có lẽ sáng tạo nào cũng có những giới hạn nhất định. Không có cái gọi là sáng tạo kiểu muốn làm gì thì làm. Tác giả bộ ảnh Chị Dậu phiên bản 2014 không quên ghi chú: “Cuộc đời là những trải nghiệm. Kinh nghiệm hơn sẽ cho bạn cuộc đời tốt hơn”, đó hẳn là bài học dành cho chính tác giả bộ ảnh này.
Bình luận (0)