Ông Nghĩa nói con mình có năng khiếu với trống nhưng cũng phải trải qua quá trình luyện tập hằng ngày, được các thầy chỉ dạy mới có được thành công hôm nay. Theo ông, năng khiếu của Trọng Nhân phát lộ từ năm 4 tuổi, khi đó gia đình ở Đơn Dương (Lâm Đồng), cách TP Đà Lạt 30 km, có mở quán hát với nhau. Một hôm, Trọng Nhân đứng cạnh người đánh trống của quán, nhìn một cách thích thú, anh nhạc công này quyết định chỉ cho bé đánh. Anh mở bài “Jingle bells” và hướng dẫn rồi để Nhân đánh thử, không ngờ Nhân đánh rất đúng nhịp. Một bài thiếu nhi Nhân chỉ tập vài lần là đánh được.
Thích âm nhạc từ nhỏ nhưng ở quê không có điều kiện học, dù vậy, ông Trọng Nghĩa vẫn nuôi giữ đam mê. Ông nghe nhạc rất nhiều nên cũng biết khi nào đánh trống đúng nhịp, trật nhịp để sửa cho con. Khi thấy con có khiếu, ông lên YouTube xem các clip dạy đánh trống rồi tự học, sau đó hướng dẫn cho con các bài mới. Những lúc hăng say, cậu bé tập suốt 2 giờ mà không mệt. Ông Nghĩa nhờ bạn bè tìm một tay trống giỏi để cho con theo học. Và Trọng Nhân học với nhạc công Lê Đình Chương tại Đà Lạt. Mỗi cuối tuần, Trọng Tín - anh trai Trọng Nhân - lại bắt xe buýt đưa em đến nhà thầy để học nhưng việc này chỉ kéo dài được 8 tháng.
Năm 2014, Trọng Nhân ra Hà Nội tham gia tranh tài chương trình “Young hit young beat - Nhí tài năng” và đăng quang quán quân lúc mới 7 tuổi. Ngoài các giải thưởng, Nhân còn được tặng một bộ trống (đến nay, Trọng Nhân vẫn sử dụng bộ trống này để tập luyện tại nhà). Năm lên lớp 3, lịch học văn hóa trên lớp rồi học thêm dày hơn nên việc luyện tập của em ít dần. Hiện gia đình Trọng Nhân đã chuyển đến Đà Lạt sinh sống bằng kinh doanh quán ăn, còn Trọng Tín vừa làm vừa học sư phạm nhạc ở TP HCM.
Do cơ duyên và mối quan hệ bạn bè của cha, Trọng Nhân từng được anh Đôn, chủ Doremi shop tại TP HCM, quan tâm hỗ trợ chỗ ăn ở và học trống với một người thầy cũng tên Chương vào dịp hè, trước khi đến với “Tìm kiếm tài năng Việt 2016”. Việc luyện tập hằng ngày dù thời gian không nhiều cùng với được các thầy chỉ dẫn, Trọng Nhân tiếp tục phát huy năng khiếu của mình.
Vì Trọng Nhân còn nhỏ, vô tư, việc học văn hóa vẫn quan trọng nhất nên dù có nhiều lời mời biểu diễn sau khi em đăng quang nhưng gia đình chưa nhận lời. Gia đình cho biết sẽ chọn lựa cho Nhân tham gia biểu diễn vài buổi giao lưu để rèn nghề, tiếp tục phát triển năng khiếu về trống...
“Tôi cũng có lo ngại nếu không tiếp tục học tập trống chuyên nghiệp, tập trung hết vào học văn hóa thì Nhân sẽ dần mất đi đam mê. Năng khiếu vẫn còn nhưng đam mê có thể giảm dần rồi mất đi mà lĩnh vực văn nghệ luôn luôn cần đam mê” - ông Nghĩa băn khoăn.
Bình luận (0)