Hàng loạt đầu sách văn học trinh thám, kỳ ảo được các đơn vị làm sách đua nhau mua bản quyền chuyển ngữ và phát hành, trong khi đó văn học Việt, thời gian qua, chỉ lẻ loi một vài tác phẩm thuộc thể loại này xuất hiện trên thị trường.
Hiếm hoi người viết
Mới đây, nhà văn Bùi Chí Vinh đã trở lại văn đàn với bộ truyện viễn tưởng Những hiệp sĩ Zmen, viết theo đơn đặt hàng của NXB Trẻ. Chỉ mới ra mắt đến tập thứ 2 nhưng Những hiệp sĩ Zmen đã nhận được nhiều đánh giá khả quan từ những người trong nghề. Tác giả của các bộ truyện phiêu lưu ăn khách của cả thập kỷ trước với những bộ Tứ quái TTKG phóng tác, 5 Sài Gòn giờ vẫn giữ nguyên “phong độ” khi khai thác chuyện về những người trẻ tuổi “giang hồ hành hiệp”.
Bằng sự tưởng tượng phong phú và vốn kiến thức sâu rộng của nhà văn, Những hiệp sĩ Zmen không phải chỉ là chuyện phiêu lưu trên trời mà đó còn là những vấn đề thời sự ở dưới đất.
Và một điều lớn lao hơn mà Bùi Chí Vinh đã làm được cho bộ truyện này chính là tính quốc tế, các nhân vật đến từ nhiều quốc gia, mang nét đặc trưng mỗi vùng đất và những sự kiện xảy ra trên thế giới cũng được tác giả khéo léo đưa vào. Những hiệp sĩ Zmen có thể được xem là một dấu son cho thể loại văn học kỳ ảo, nhà văn Bùi Chí Vinh cho biết ông sẽ đều đặn cho ra mắt các tập truyện tiếp theo.
Một số tác phẩm văn học thể loại trinh thám, phiêu lưu kỳ ảo hiếm hoi trên thị trường sách Việt
Cho đến khi nhà văn-nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh thử nghiệm viết đề tài tiên – ma, văn học Việt những năm gần đây mới có một tựa sách được gọi là văn học kỳ ảo. Tuy nhiên, các tác phẩm Hồ Ly Tiên, Sao Chi và Chiến thuật vòng tròn ma quái chưa thật sự làm nên một sức hút đặc biệt. Vì vậy, tầm ảnh hưởng của những tác phẩm này chưa thật sự sâu rộng.
Nhưng sự xuất hiện hiếm hoi của những đầu sách văn học thuộc các thể loại “bị lãng quên” này xem ra không đủ sức khỏa lấp nổi một khoảng trống mênh mông của dòng văn học thể loại này. Nhà văn Bùi Chí Vinh cũng nhìn nhận rằng viết truyện phiêu lưu kỳ ảo đòi hỏi người viết phải có một sự tưởng tượng phong phú và sáng tạo không ngừng. Đây là một thách thức rất lớn với những ai muốn theo đuổi đề tài này.
Đường đã mở, ai đi?
Sự xuất hiện Trại hoa đỏ của nhà văn nữ Di Li một dạo làm dấy lên những tranh luận sôi nổi về thể loại văn học trinh thám. Với cách viết thuyết phục và tạo được những điểm thắt mở quan trọng, đầy kịch tính và sức thu hút, tác giả Trại hoa đỏ đã hoàn toàn chinh phục được người đọc.
Dấu ấn thành công từ tác phẩm này cũng đã phần nào chứng minh rằng văn học Việt hoàn toàn có thể có những tác phẩm thuộc thể loại trinh thám đủ sức thu hút người đọc và tạo được sự quan tâm của dư luận. Có thể nói, nhà văn trẻ Di Li đã dám thử thách với văn chương và vượt qua được những rào cản khó khăn để mở lại con đường cho văn học trinh thám. Tuy nhiên, đường đi đó rất hiếm người dám đặt chân vào.
Khi bàn đến vấn đề văn học thuộc các thể loại này, nhiều nhà văn đều có cùng ý kiến rằng không thể đòi hỏi cao hơn ở văn học Việt khi các thể loại đề cập trên vốn không dễ viết, có viết cũng rất khó thu hút, thuyết phục nếu như người viết không có nền tảng kiến thức bền vững và một niềm đam mê theo đuổi đến cùng. Đã có nhiều hội thảo về văn học trinh thám, phiêu lưu kỳ ảo nhưng những tranh luận cũng chỉ gần như đưa về điểm bắt đầu.
Thật vậy, người viết trẻ chưa đủ sức, đủ tầm để đi theo thể loại văn chương không dễ dàng này. Nhiều nhà văn mang xu hướng chung là khai thác tâm trạng, đời sống nội tâm của con người. Nhà văn Lê Văn Thảo - nguyên chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM - nói có lần một tạp chí mời ông làm giám khảo cuộc thi truyện ngắn thể loại trinh thám nhưng suốt thời gian gần 2 năm trời không hề có một bản thảo nào gửi đến dự thi. Kết quả là cuộc thi bị... phá sản ngoài dự kiến. Điều đó cho thấy người viết trẻ rất ngại viết thể loại này.
“Viết truyện trinh thám hay viễn tưởng, kỳ ảo đều rất cần có vốn kiến thức sâu rộng về lĩnh vực khoa học. Nhưng khó đòi hỏi điều này ở những cây bút trẻ, bởi thực tế người viết nào cũng chỉ xem văn chương là nghề tay trái, khó bắt họ phải bỏ công đầu tư nghiên cứu 2, 3 năm để cho ra đời một tác phẩm khi họ hoàn toàn không thể sống chỉ bằng viết văn. Mọi mong muốn cho một sự phát triển trở lại của những dòng văn học này đều phải... chờ. Và sự mất cân bằng ở các thể loại văn học trong dòng văn học Việt là điều không thể tránh khỏi”- ông Lê Văn Thảo bày tỏ.
Thỏa sức đọc sách ngoại
Khá nhiều đầu sách văn học nước ngoài thuộc thể loại trinh thám, phiêu lưu kỳ ảo có mặt trên thị trường sách Việt.
Mức độ đón nhận của độc giả cho mỗi đầu sách khác nhau nhưng sự xuất hiện ào ạt của nhiều tác phẩm văn học dạng này đã “khoanh vùng thị trường” và thu hút được số đông độc giả.
Không đình đám như bộ Harry Potter hay Chạng vạng, những tựa sách như Eragon-Kỵ sĩ rồng, Penragon, Malice, Âm phủ, Pháp thuật, Nhà giả kim, Những câu chuyện của Darenshan..., mới đây là cuốn Bị đánh dấu của NXB Trẻ cũng tạo nên những sức hút riêng.
Nhã Nam có Vật chủ, Truy tìm Dracula, Ma thổi đèn, Việc máu... Trong khi đó, NXB Kim Đồng “chiếm lĩnh gian hàng” sách kỳ ảo dành cho thiếu nhi khi phát hành hàng loạt tác phẩm phiêu lưu kỳ ảo của văn học các nước trên thế giới... |
Bình luận (0)