Khán giả “bội thực” là thực tế đang diễn ra ở các chương trình thi hát trên truyền hình hiện nay. Nếu tính cả cũ và mới, trên đài truyền hình quốc gia không thôi hiện có gần cả chục chương trình thi hát. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu mỗi cuộc thi có thể đem lại sự thú vị nhất định cho người chơi và công chúng.
Giẫm lên chân nhau
Sao Mai, Sao Mai Điểm hẹn, Ngôi sao Tiếng hát truyền hình, Vietnam Idol, The voice - Giọng hát Việt, The voice kids Việt, The winner is - Tôi là người chiến thắng… và nay đang có thêm: Ngôi sao Việt, Học viện ngôi sao, The X Factor - Nhân tố bí ẩn. Không khó để nhận ra sự trùng lắp về nội dung của các chương trình thi hát trên sóng truyền hình dù được mua bản quyền từ những chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng của thế giới hay chương trình “made in Việt Nam”. Dù theo định dạng nào, mỗi cuộc thi cũng nhằm tìm kiếm và tạo ra một gương mặt cuốn hút khán giả (người chiến thắng do khán giả quyết định thông qua hình thức nhắn tin bình chọn).
Vì vậy, dù tiêu chí có khác nhau, người chiến thắng ở những cuộc thi này vẫn có chuẩn giống với khuôn mẫu chung của thị trường giải trí Việt. Chính điều này làm cho các cuộc thi diễn ra rất giống nhau về hình thức. Và khi diễn ra trong cùng một thời điểm, các chương trình cùng nhạt nhòa vì không có những điểm khác biệt nổi bật.
Chính các chương trình gốc cũng phải phá sản, mà The X Factor của Anh là bằng chứng. Trong khi đó, hiệu ứng của The voice hoàn toàn không như mong đợi dù chương trình đã phải mượn đến những tên tuổi lớn của thị trường âm nhạc, như: Shakira, Adam Levine, Usher và Blake Shelton để níu kéo khán giả. Rating (chỉ số người xem) chương trình ngày càng giảm cũng vì thí sinh không đủ “chất”. Nhưng vẫn đỡ hơn American Idol vì diễn tiến chương trình không còn được nhắc đến trên mặt báo rôm rả như trước nữa.
Nhạt dần
Điều không thể phủ nhận là các chương trình truyền hình thi ca hát với danh nghĩa tìm kiếm tài năng như kể trên đã mang lại cho đời sống âm nhạc một không khí sôi nổi, giúp thị trường ca nhạc có được một số gương mặt nổi bật. Phương Vy, Uyên Linh, Văn Mai Hương, Đinh Hương… là những giọng ca bước ra từ các chương trình truyền hình thực tế, trở thành ca sĩ và đang được công chúng mến mộ.
Hiện nay, sự háo hức của công chúng dành cho các chương trình này thực sự đã không còn như trước khi quá nhiều cuộc thi diễn ra cùng lúc, chất lượng cũng không có gì khác biệt. Thường những chương trình mới mùa đầu có sức hút khán giả cao hơn những chương trình đã ở mùa sau.
Ở mùa giải mới của Vietnam Idol, công chúng khó nhớ nổi thí sinh đang tranh tài dù cuộc thi đang đi đến hồi kết. The voice - Giọng hát Việt năm rồi kết thúc, quán quân cũng “mất dấu” . Cuộc thi là phải có quán quân, dù chất lượng thí sinh cao hay thấp. Vì vậy, nhiều quán quân không còn trong trí nhớ của khán giả cũng không có gì lạ. Đây cũng là số phận chung của nhiều quán quân trong những cuộc thi hát gần đây bởi càng về những mùa sau, các chương trình hiếm có được thí sinh chất lượng, nhất là khi các cuộc thi hát cứ tổ chức dày đặc như hiện nay.
Hâm nóng bằng giám khảo
Thực tế, chính các đơn vị sản xuất cũng nhận ra sự giảm nhiệt ở chương trình của mình. Một trong những giải pháp hâm nóng chính là dựa vào thành phần ban giám khảo của chương trình. Những tên tuổi “hot” được mời vào vị trí ghế nóng để công chúng quan tâm. Vì vậy, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vừa kết thúc vai trò ở “ghế nóng” The voice - Giọng hát Việt thì đã có mặt ở vị trí giám khảo chương trình The X Factor- Nhân tố bí ẩn mùa giải đầu tiên. Ca sĩ Hồ Ngọc Hà cũng trở nên đắt sô vai trò giám khảo, sau Giọng hát Việt nay lại Nhân tố bí ẩn. Mỹ Tâm và Nguyễn Quang Dũng nhiều năm làm giám khảo của Vietnam Idol. Tuy nhiên, khi xuất hiện quá nhiều, họ dễ khiến công chúng không thấy mới. Đây chính là lý do khi The X Factor - Nhân tố bí ẩn chuẩn bị lên sóng, mọi quan tâm của khán giả đều đổ dồn về ca sĩ Hồ Quỳnh Hương, người đầu tiên xuất hiện trong vai trò giám khảo.
Kỳ tới: Thiếu thí sinh, ca sĩ đi thi
Bình luận (0)