Sau những bức xúc của giới âm nhạc về cấp phép phổ biến ca khúc, mới đây, giới sân khấu cũng lên tiếng đầy trăn trở khi vở diễn của họ chỉ được cấp phép công diễn trong thời hạn 1 năm. Sau đó, muốn tiếp tục công diễn, đơn vị tổ chức phải xin phép và phải đóng phí như lần cấp phép công diễn ban đầu.
Vì sao là 1 năm?
Nhiều nghệ sĩ tỏ ra bức xúc vì một tác phẩm sân khấu nếu được cấp phép công diễn đồng nghĩa đã được nhà nước công nhận giá trị nội dung và nghệ thuật trước khi đến với công chúng. Vì sao thời hạn giấy phép cấp cho vở diễn chỉ có giá trị trong 1 năm, người trong giới không ai lý giải được. Quy định này điều chỉnh cả với những vở diễn được trao huy chương vàng, huy chương bạc trong các đợt liên hoan, hội diễn sân khấu quốc gia do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tổ chức.
Theo ông Tôn Thất Cần, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý nghệ thuật Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) TP HCM, trước khi trình Chính phủ ký ban hành Nghị định 15/2016, Bộ VH-TT-DL đã lấy ý kiến của sở nhưng không đề cập vấn đề thời hạn hiệu lực của giấy phép biểu diễn cho một vở diễn sân khấu. Do đó, khi nghị định được ban hành, các sân khấu mới biết có sự thay đổi này. Điều đó gây phiền phức cho các đơn vị nghệ thuật. Tuy nhiên, cấp sở là đơn vị thực hiện nên vẫn phải làm theo đúng quy định của nhà nước. Ông Cần cho biết Sở VH-TT TP HCM sẽ kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi nghị định cho phù hợp hơn.
Chương trình "Ngày xửa, ngày xưa" của Sân khấu Kịch IDECAF từng lưu diễn tại Đà Nẵng sẽ khó có điều kiện để lưu diễn các tỉnh, thành khác vì "giấy phép con"
Cấp phép lại đồng nghĩa đơn vị tổ chức phải tốn khoản phí không nhỏ. Mức phí thẩm định chương trình nghệ thuật biểu diễn quy định tại Thông tư 288/2016-TT-BTC của Bộ Tài chính là 1,5 triệu đồng (thời lượng đến 50 phút), 2 triệu đồng (51-100 phút), 3 triệu đồng (101-150 phút), 3,5 triệu đồng (151-200 phút) và 5 triệu đồng (201 phút trở lên). Như vậy, tùy theo thời lượng vở diễn, đơn vị nghệ thuật phải nộp cho cơ quan cấp phép khoản tiền tương ứng.
Quy định thời hạn giấy phép công diễn cho vở diễn trong 1 năm là hạn chế việc phổ biến rộng rãi tác phẩm sân khấu đến với công chúng, nhất là những người ở các tỉnh, thành ngoài Hà Nội và
TP HCM. Nếu giấy phép hết hạn, các địa phương có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc phải duyệt lại vở diễn mới chịu cấp phép cho công diễn tại địa phương.
"Sở VH-TT TP HCM luôn tạo mọi điều kiện để các đơn vị nghệ thuật được đưa tác phẩm, vở diễn, chương trình đến biểu diễn tại các tỉnh, thành khác. Cụ thể, vở "Người vợ ma" của kịch Phú Nhuận hoặc chương trình "Ngày xửa, ngày xưa" của Sân khấu IDECAF khi ra khỏi TP HCM đều được hướng dẫn làm thủ tục và không phải đóng thêm khoản chi phí nào. Việc các địa phương thu thêm phí theo quy định mới của Bộ Tài chính là ngoài ý muốn của sở" - ông Tôn Thất Cần giải thích.
Khó khăn chồng chất
NSƯT Kim Tử Long cho rằng khó khăn thêm chồng chất vì có địa phương còn quy định phải phúc khảo vở diễn, trong khi giấy phép có hiệu lực trên toàn quốc.
"Việc đóng thêm phí đã khiến chương trình "Ngôi sao phương Nam" của tôi đưa ra Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa lưu diễn gặp thêm nhiều khó khăn. Chi phí đưa nghệ sĩ ra trước 1-2 ngày để duyệt phúc khảo rồi thuê rạp, thuê khách sạn và những khâu khác như một đêm biểu diễn chính thức đã đẻ thêm quá nhiều chi phí cho chuyến lưu diễn" - NSƯT Kim Tử Long dẫn chứng.
Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật (ban hành kèm theo Quyết định số 47/2004/QĐ-BVHTT ngày 2-7-2004 của bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin) quy định: Sở văn hóa - thông tin cấp giấy tiếp nhận biểu diễn, giấy phép quảng cáo cho đơn vị nghệ thuật biểu diễn, đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc sở văn hóa - thông tin tỉnh, thành phố khác cấp giấy phép công diễn đến biểu diễn tại địa phương. Tuy nhiên, không ít trường hợp chương trình, vở diễn đã được cấp giấy phép ở địa phương này nhưng đến địa phương khác lại không được tiếp nhận hoặc bị yêu cầu duyệt cấp phép lại. Điều gây bức xúc hơn hết cho nghệ sĩ và đơn vị nghệ thuật là họ phải đóng thêm số tiền tương tự lần phúc khảo ban đầu của chương trình, vở diễn.
"Vé bán tại các tỉnh không phải dễ, nhiều lúc phải hạ giá, trong khi chi phí vận chuyển âm thanh, ánh sáng, phục trang, cảnh trí, đạo cụ, diễn viên, thuê nhà nghỉ, khách sạn, sân khấu, chi phí quảng cáo… hàng trăm thứ lại còn phát sinh những chi phí từ quản lý. Chính điều này mà sân khấu chúng tôi rất ngại đi lưu diễn tỉnh" - ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Giải trí Thái Dương (Sân khấu Kịch IDECAF), cho biết.
NSND Hồng Vân lo ngại: "Ngay cả với những sân khấu đang nuôi quân để bám trụ, giúp cho sân khấu kịch sáng đèn, tạo điểm vui chơi giải trí lành mạnh tại TP HCM, chúng tôi cũng đã rất mong được điều chỉnh mức thuế khác với các doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề khác. Nay lại thêm chi phí phát sinh từ việc lưu diễn, quả là gây khó và tạo thêm gánh nặng cho chúng tôi".
Quan trọng là hậu kiểm
Nhiều nghệ sĩ đặt vấn đề liệu việc cấp phép có quản được nội dung vở diễn như khi duyệt lần đầu không, nếu cơ quan chức năng không làm tốt khâu hậu kiểm?
NSƯT Kim Tử Long và NSND Hồng Vân đều cho rằng cơ quan quản lý muốn quản chặt nội dung thì phải có người thường xuyên kiểm tra. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nghệ thuật địa phương phải có thông tin, tài liệu liên quan đến việc cấp phép của cơ quan duyệt phúc khảo trước đó để đối chiếu, vừa có cơ sở giám sát vừa điều chỉnh kịp thời. Còn cách làm như Nghị định 15/2016 không kiểm soát được gì, chỉ mang tính hình thức và khiến mọi thứ trở nên phức tạp.
"Thật ra, vở kịch, chương trình đã tập, duyệt, diễn rồi, thay đổi nội dung chỉ mất thời gian, tốn thêm tiền bạc cho đơn vị tổ chức biểu diễn. Trong tình hình sân khấu khó khăn như hiện nay, chúng tôi cảm thấy thật sự mất lửa nghề khi bị hành bởi nhiều thủ tục hành chánh như thế" - NSƯT Kim Tử Long than thở.
Theo NSND Đoàn Dũng, tổ chức lưu diễn tỉnh để quảng bá, giới thiệu và phục vụ công chúng ở địa phương khác, tạo điều kiện giao lưu văn hóa nghệ thuật, mang những món ăn tinh thần và người dân được thụ hưởng những tác phẩm mới của tỉnh bạn là điều cần thiết trong thời buổi hiện nay. "Thế nhưng, nếu cứ bị làm khó bởi những thủ tục hành chính không cần thiết, gây tốn kém bởi "giấy phép con" thì tâm huyết của người làm nghệ thuật không còn" - NSND Đoàn Dũng băn khoăn.
Điểm d, khoản 6, điều 9 Nghị định 15/2016/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu) nêu rõ: "Giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang có hiệu lực trên phạm vi toàn quốc, trừ trường hợp hạn chế về địa điểm biểu diễn quy định trong giấy phép. Thời hạn có hiệu lực của giấy phép cấp cho chương trình ca, múa, nhạc tối đa 6 tháng và giấy phép cấp cho chương trình sân khấu tối đa 12 tháng".
Bình luận (0)