Khán giả không thiết tha Thực ra, từ bao năm nay, sân khấu kịch Hà Nội phải đối mặt với một thực tế là khán giả không muốn đến rạp xem kịch nữa. Dù có cố gắng nâng cao chất lượng vở diễn đến mấy cũng không thể nào tạo được bước đột phá. Theo nghệ sĩ Hoàng Dũng, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, khán giả đã mất thói quen mua vé vào rạp. Có thể họ tiếc mấy chục ngàn phải bỏ ra (trong khi bỏ tiền đi nhậu thì không tiếc) vì nếu diễn chiêu đãi thì rạp không còn một chỗ trống. Một nguyên nhân nữa là sân khấu ngày nay không theo kịp cuộc sống, không thể cạnh tranh được với truyền hình trong khi đa phần nhu cầu của khán giả muốn đến rạp là để xả stress, giải trí chứ ít ai thích xem những vở kịch chính luận. Thật khó đưa sân khấu trở lại thời hoàng kim – thời đất nước đang đổi mới, các vở kịch đi trước cả báo chí và khán giả nóng lòng thưởng thức những vở mới. Còn theo nghệ sĩ Anh Dũng, Giám đốc Nhà hát Kịch VN, 70% số người không mua vé vào rạp là họ thực sự thờ ơ với sân khấu. Ông Anh Dũng cũng cho biết thêm, điều trớ trêu nhất của Nhà hát Kịch VN hiện nay là không có rạp để diễn. Sân khấu của nhà hát hiện tại chỉ có 150 chỗ ngồi “chỉ thích hợp với các vở diễn nhỏ trong khi chúng tôi chuyên về vở lớn”. Đấy là chưa kể các trang thiết bị đã xuống cấp, không còn đủ tiêu chuẩn cho sân khấu hiện đại nữa. Vì thế, các vở do nhà hát dựng đều diễn nhờ trên các sân khấu khác hoặc đi tỉnh. “Chẳng biết bao giờ mới có được sân khấu tử tế” – nghệ sĩ Anh Dũng thở dài. Mấy tháng nay, trên sàn tập Nhà hát Tuổi Trẻ, đạo diễn Lê Hùng miệt mài cùng các diễn viên trẻ trong đoàn kịch hình thể mới thành lập, chăm chút cho từng chi tiết của vở 100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử. Lê Hùng biết mình “mạo hiểm” khi dựng thể loại kịch này. Có lẽ, khán giả đang ở cái ngưỡng: đã chán nếp sân khấu cũ mòn nhưng chưa hứng thú đón nhận cái mới. Khán giả trong nước chắc chắn là không “ khoái” hình thể rồi, hình thể Việt Nam cũng không dễ “hợp gu” với người nước ngoài nhưng vì “thích sự mới mẻ nên phải cố gắng” - đạo diễn Lê Hùng thổ lộ. Tuy được báo chí khen ngợi và đã có chút “tiếng vang” trước khi ra mắt nhưng quả thật, người tự tin như Lê Hùng cũng không dám hy vọng khán giả sẽ “ ngồi kín rạp” hoặc ít hơn thế. Do vậy, để thận trọng, giá vé từ 50 đô giảm xuống còn 100.000 đồng/vé.
Mình chẳng thua kém ai Tuy nhiên, không vì thế mà các nghệ sĩ tự cho phép mình giậm chân tại chỗ, ngược lại, phải hết sức năng động, sáng tạo. Vở diễn mới nhất của Nhà hát Kịch VN là Tội lỗi (tác giả Nguyễn Anh Dũng, đạo diễn Doãn Hoàng Giang) đi vào đề tài nóng của xã hội là tham nhũng và sự băng hoại đạo đức của những người trí thức. Các nghệ sĩ đặt rất nhiều hy vọng vào vở kịch này nhưng sau khi công diễn được 7 buổi ở Hà Nội dù tín hiệu rất khả quan (đều diễn theo hợp đồng), mọi người cũng phải ngừng lại để tập vở Nghêu sò ốc hến mang đi tranh tài với 14 nước trong festival sân khấu thế giới tại Cộng hòa Czech từ 30-6. “ Có đi mới biết mình cũng chẳng thua kém gì ai” – nghệ sĩ Anh Dũng nói. Hầu hết các nghệ sĩ nước ngoài đều rất thích thú vở diễn này (vở cũng được chọn diễn khai mạc) vì cách thể hiện truyền thống dân tộc đặc sắc: áo the, khăn xếp, mõ và lần đầu tiên trong một vở kịch: âm nhạc chỉ toàn là trống do chính các diễn viên thay nhau đánh. Chính sự độc đáo này đã mang lại cho vở diễn giải thưởng và bó hoa duy nhất của festival: giải đặc biệt. Trở về từ cuộc thi tài này, nghệ sĩ Anh Dũng rất vui bởi không những vở thành công mà các nghệ sĩ còn có cơ hội học hỏi rất nhiều. Sau chương trình biểu diễn xuyên Việt vở Tội lỗi, từ Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quy Nhơn... vào đến TPHCM (khoảng cuối tháng 8), nhà hát sẽ đồng thời diễn thêm vở Nghêu sò ốc hến. khán giả Hà Nội sẽ thưởng thức vở kịch này sau khi đoàn quay về. “Du Nam” cũng đã thành thông lệ hằng năm của một số nhà hát phía Bắc dù cạnh tranh với các đồng nghiệp ở đây thật chẳng dễ chút nào. “ Hiện tại, chúng tôi đã có 15 hợp đồng biểu diễn ở thành phố” , nghệ sĩ Anh Dũng cho biết. Đó cũng là tín hiệu vui. “Sân khấu kịch Sài Gòn mỗi năm một khác.

Các nghệ sĩ trong đó có cách hoạt động riêng để thu hút khán giả và khán giả đến xem kịch miền Bắc cũng theo một kiểu khác”, nghệ sĩ Hoàng Dũng nhận xét. Sau những đợt lưu diễn dài ngày, trở về “ngôi nhà” của mình, mọi người lại nỗ lực tiếp thị để có thêm những hợp đồng mới nhằm duy trì ánh đèn sân khấu.

Thu Huyền