Trong ảnh là cặp người mẫu nam - nữ khỏa thân, tạo dáng quằn quại, đau đớn để thể hiện điều mà theo Roy Vũ chú thích cho loạt ảnh là: "Hóa thân thành cá. Sống - kêu cứu - bị chết tức tưởi! Bộ hình cho thảm họa môi trường tại Miền Trung hiện nay!".
Bộ ảnh này nhận được hơn 723 bình luận với phần nhiều là những lời chỉ trích, chê bai và có cả góp ý, chỉ có số ít là khen ngợi sự sáng tạo, tự tin của nhiếp ảnh lẫn người mẫu. Các cư dân mạng cho rằng bộ ảnh khỏa thân này không nghệ thuật, chẳng lột tả được mục đích cảnh báo về môi trường. "Ý tưởng tôi thấy bắt kịp thời thế mà về tạo hình tôi vẫn thấy chưa mãn nhãn. Tôi vẫn thấy nó có một cái gì đó chưa ổn lắm" - một cư dân mạng bình luận. "Nhìn đi nhìn lại (nhìn chứ không dám ngắm), vẫn không thấy nghệ thuật, hay thông điệp chỗ nào!" - cư dân mạng khác viết. "Chủ đề và ảnh không có liên quan!" - một người khác nhận định. "Đúng là thảm họa của nghệ thuật nude, trừ 2 tấm hình cuối ra còn gọi là tạm tạm có chút nghệ thuật, các hình còn lại chỉ có sự trần trụi thô thiển...!" - cư dân mạng khác viết. "Tôi chẳng thấy nghệ thuật ở đâu trong những bức ảnh này!"...
Sự phản ứng này của cộng đồng mạng cho thấy rõ dù mục đích ban đầu của loạt ảnh rất tích cực, kêu gọi bảo vệ môi trường nhân sự kiện "nóng" đang thu hút công luận. Tuy nhiên, nếu không đủ tầm để lột tả được mục đích ban đầu đó, nhiếp ảnh thực hiện sẽ phải chịu sự chỉ trích. Việc sử dụng ảnh khỏa thân trong kêu gọi bảo vệ môi trường, bảo vệ cá, bảo vệ động vật hoang dã... không hiếm trên thế giới nhưng lúc nào cũng gây tranh cãi dù họ đã nỗ lực "nghệ thuật hóa" ảnh. Nhiều câu hỏi được đặt ra là "Bảo vệ đại dương là phải khỏa thân sao?”.
Rõ ràng, lằn ranh giữa yếu tố thanh – tục trong các ảnh khỏa thân vốn rất mong manh và nếu không làm khéo, thuyết phục thì những mục đích tốt đẹp ban đầu sẽ “đổ sông, đổ biển”. Đó là chưa kể, vì các chiến dịch bảo vệ môi trường đều chọn giải pháp vận động bằng ảnh khỏa thân nên không ít những cô gái trẻ cũng mượn cớ bảo vệ môi trường để “cởi” một cách phản cảm nhằm tạo sự chú ý của dư luận cho bản thân. Ở Việt Nam cũng từng có không ít tranh cãi xung quanh vấn đề khỏa thân vì môi trường này mà điển hình là vụ người mẫu Ngọc Quyên. Sau đó, một số người mẫu trẻ cũng cố tình “cởi” với đủ mục đích: bảo vệ biển, bảo vệ môi trường sống… để mong được nhắc tên trên các phương tiện truyền thông và được công chúng biết đến . Nhưng dần dần, những hành động này chẳng còn thu hút sự chú ý của công luận, chẳng ai khen cũng chẳng ai thèm chỉ trích nên tự thoái trào.
Hẳn đến lúc phải có sự thay đổi quan điểm trong các chiến dịch vận động vì môi trường, trở về thiên nhiên đúng nghĩa hơn là “khỏa thân”.
Bình luận (0)