Gặp Bạch Vân ngoài đời, ít người nghĩ chị là một nghệ sĩ, một ca nương. Quần áo không chải chuốt, nước da bánh mật, khuôn mặt không son phấn, trông ca nương nổi danh đất Hà thành giống một người thuần nội trợ hơn là theo nghiệp đàn hát. Nếu có điểm gì giống với một ca nương, thì đó là sự say mê hiện ra trong ánh mắt, trên khuôn mặt tươi rói khi nói hàng giờ về ca trù, về những chuyến đi khắp các tỉnh, thành để tìm các nghệ nhân ẩn khuất.
Ca nương Bạch Vân trong một tiết mục biểu diễn tại Trung tâm Văn hóa Ca trù Thăng Long. Ảnh: V.Hà
Đã mang lấy nghiệp vào thân...
Chị kể, hơn ba mươi năm trước, chỉ một lần nghe nghệ nhân Quách Thị Hồ hát ả đào (hồi ấy không gọi là ca trù), vậy mà chị thấy những câu hát như đã quen lắm, đã thân thuộc lắm. Tiếng hát của cụ Quách Thị Hồ hay đến run người và ngay sau đêm đó, Bạch Vân bỏ tất cả những gì đã có để đi trên con đường cô độc của mình. Với một sức mạnh tinh thần tưởng như không gì có thể lay chuyển, chị bỏ thời gian, công việc đi tìm những tài liệu cũ, những nghệ nhân xưa với quyết tâm học lại những ngón nghề thất truyền.
Nhiều người nói Bạch Vân “điên” vì ca trù, điên vì đi trên con đường mà phía trước mịt mù. |
Bốn năm chỉ được học 4 câu
Cảm tấm lòng của cô gái trẻ, cụ Quách Thị Hồ đồng ý dạy cho chị, nhưng suốt hai năm theo cụ, Bạch Vân chỉ được học cách gõ phách và hát được có... hai câu. Qua hai năm, cụ buông một câu “cô này là người có đức”, rồi lại dạy tiếp hai năm nữa. Nhưng mất bốn năm theo học cụ Quách Thị Hồ, Bạch Vân chỉ học được bốn câu mưỡu. Trước tấm lòng của chị, cụ Chu Văn Phúc, Chu Văn Đức, Nguyễn Kim Đức lại mở lòng nhận chị là học trò. Chị được học, được giảng giải những ngón nghề riêng của từng cụ, rồi chị lại bươn bả khắp nơi tìm những tay đàn đáy cự phách ngày xưa để đưa các cụ về lại với nhau. Trên chiếc xe cà tàng, Bạch Vân rong ruổi khắp các vùng Hà Tây, Bắc Ninh, Nam Định, Thanh Hóa... Có ngày chị phóng từ Hà Nội về Thanh Hóa thăm nghệ nhân, thuyết phục bà về Hà Nội, 21 giờ, chị lại một thân một mình, vừa đi vừa ngủ gật trên đường trở về. Về đến nhà là hai giờ sáng, mệt lả người.
Đòi tự tử để giữ câu lạc bộ
Năm 1991, khi đã được công nhận là ca nương, vất vả lắm Bích Vân mới thành lập được CLB Ca trù Hà Nội trên phố Bích Câu và để duy trì được CLB, tiền nong tiết kiệm được bao nhiêu, chị đổ hết vào đây. Thời gian đầu, Bạch Vân tự bỏ tiền túi ra để tổ chức các buổi biểu diễn miễn phí, chị đích thân đến mời và đưa đón các nghệ nhân tới biểu diễn. Các cụ ở xa chị phải lo đưa rước, ăn ở, tiền tàu xe cho các cụ. Bạn bè và gia đình mỗi lần thấy chị đến vay tiền đều mắng chị điên, nhưng cũng cảm phục chị. Tiền nhà mang đi chưa đủ, chị còn có lần suýt phải tự tử để giữ CLB này. Chị bảo, hồi ấy đã có người nói thẳng, không chồng, không con, không đảng viên, đang làm nhà nước thì không thể làm chủ nhiệm CLB ca trù được. Nếu chị không liều, không tuyên bố nhảy từ tầng hai xuống tự tử thì có khi CLB đã đóng cửa.
Hạnh phúc cùng chồng trên chiếu hát
Ca trù đã đem đến cho Bạch Vân những nỗi buồn nhưng cũng đưa lại cho chị nhiều niềm vui. Có lẽ, một trong những niềm vui lớn của chị là được ngồi chung với chồng chị trên một chiếu hát. Sống chết với ca trù, Bạch Vân đã nếm trải tất cả những đắng cay, đến nỗi không có cả thời gian nghĩ đến mình, nghĩ đến hạnh phúc. Thế rồi run rủi thế nào chị gặp anh, khi ấy là một người tu hành. Cảm chị, mến chị mà anh hoàn tục. Chị đưa anh đến nhà các nghệ nhân, tìm thầy dạy đàn cho anh để hai người có thể ngồi chung một chiếu hát. Khách đến Bích Câu đạo quán vẫn còn nhớ như in hình ảnh chị buông lời hát, giọng ngọt và mềm, còn anh buông đàn kề bên, đôi uyên ương say trong âm nhạc. Anh chị lấy nhau sau khi chị kỷ niệm đúng 10 năm thành lập CLB ca trù Hà Nội, nhưng rồi ngày vui ngắn chẳng tày gang. Chị có gia đình rồi nhưng vẫn mê mải với ca trù, vẫn mang tiền nhà đầu tư cho sự say mê của mình, vẫn rong ruổi trên những nẻo đường của chị. Anh trách “ trên đời này chẳng có ai không nghĩ đến mình như Vân”, và sau ấy là sự tan vỡ, anh không còn luyến lưu cây đàn nữa. Hỏi chị, có tiếc không? Trong sâu thẳm đôi mắt người đàn bà đã năm mươi là có. Nhưng chị bảo “chắc duyên phận rồi, cái gì đến sẽ đến”. Có lẽ các “cụ” cảm tấm lòng của chị, đã không nỡ để chị cô đơn suốt cuộc đời. Những ngày này, anh đã quay trở lại với cây đàn, đã lại cùng ngồi với chị trên chiếu hát, đệm đàn cho chị hằng ngày trong những suất diễn của Trung tâm Văn hóa ca trù Thăng Long.
Đã tìm được người kế nghiệp Nhờ chị mà cách gọi “ca trù”, “đào nương” được công nhận trở lại. Cũng nhờ những đóng góp, tư liệu của chị mà hồ sơ về di sản ca trù đã được Cục Di sản và Viện Âm nhạc hoàn thiện, chuyển tới UNESCO. Hoàn thành luận văn thạc sĩ Đào nương và nghệ thuật hát trong ca trù, chị lại bắt tay vào luận án tiến sĩ cũng về ca trù, dự kiến sang năm sẽ bảo vệ. Điều chị băn khoăn là tìm được một học trò toàn tâm toàn ý như chị để truyền nghề. Trong một đêm hát ở phố cổ, Bạch Vân đã phát hiện một học sinh lớp 8 quê Bắc Ninh có giọng rất chuẩn đến tầm sư học đạo. Nghe giọng cô bé, Bạch Vân đã quyết định sau khi em học hết lớp 8 sẽ đón em lên Hà Nội nuôi và dạy học. Tìm được một người để truyền nghề, với chị, thế là đã tạm mãn nguyện. |
Bình luận (0)