Phóng viên: Đức Tuấn đang chuẩn bị cho live show cá nhân bằng một chương trình nhạc truyền thống cách mạng vào đầu tháng 4 tới. Tại sao lại là một live show “nhạc đỏ” khi dòng nhạc này được xem là kén khán giả?
- Ca sĩ Đức Tuấn: Tôi khẳng định dòng nhạc truyền thống cách mạng không hề kén khán giả, chỉ là khán giả của nhạc truyền thống cách mạng không ồn ào như khán giả nhạc trẻ. Trên thị trường băng đĩa, album nhạc truyền thống cách mạng vẫn bán rất tốt và dòng nhạc này có lẽ chỉ không thịnh hành ở... phòng trà mà thôi.
Sau khi nhận Giải Mai Vàng 2014 Ca sĩ hát nhạc truyền thống cách mạng được yêu thích nhất, tôi tự tin hơn nên quyết định thực hiện live show nhạc truyền thống cách mạng cho sự nghiệp của mình.
Anh có nghĩ live show này sẽ tạo nên sự mới mẻ cho tên tuổi Đức Tuấn?
- Đối với Đức Tuấn, có những giá trị vẫn sẽ là mới trong cái tưởng đã cũ. Đây cũng là xu hướng trên thế giới, nếu chúng ta theo dõi giải Grammy vừa qua sẽ thấy điều này. Có những giá trị âm nhạc đã trở thành kinh điển, chuyện cũ - mới chỉ có tính thời gian, thậm chí càng lâu, dòng nhạc ấy lại càng trở nên giá trị hơn. Lần này, nghe tôi làm live show nhạc truyền thống cách mạng, mọi người có vẻ hơi ngạc nhiên vì dường như chưa có ca sĩ nhạc nhẹ nào lại chọn làm một live show như vậy; kể cả ca sĩ vốn nổi tiếng ở dòng nhạc truyền thống cách mạng, khi làm live show, họ vẫn kết hợp trình diễn nhiều dòng nhạc khác nhau.
Định hình ở phong cách bán cổ điển nhiều khác biệt nhưng mọi người có cảm giác anh đang muốn đổi hướng đi cho mình?
- Thực ra, các ca sĩ dù theo dòng nhạc nào cũng muốn một lúc nào đó mình thử chinh phục những thể loại, dòng nhạc khác nhau, có khi chỉ đơn giản là sở thích, muốn làm những gì tưởng như không thể hoặc có người muốn mở rộng thêm khán giả cho mình. Thực ra, những gì tôi làm đều ít nhiều liên quan tới dòng bán cổ điển mình theo đuổi, chỉ là làm khác đi, để khán giả thấy sự mới mẻ và bản thân mình không cảm thấy nhàm chán.
Anh đã rơi vào tình trạng nhàm chán lần nào chưa?
- Chán thì không! Tôi có nhiều dự định, rất nhiều thứ muốn làm cho âm nhạc của mình và lúc nào cũng cảm thấy không đủ thời gian, tiền bạc để thực hiện hết những gì mình nghĩ ra cho nên làm sao có thể chán được!
Anh có thấy con đường mình đi mất nhiều hơn được không?
- Bản thân tôi không quan trọng chuyện được hay mất mà hài lòng với sự lựa chọn của mình và sẽ tiếp tục theo đuổi. Nhưng nhiều người quan tâm tỏ ra băn khoăn chuyện ấy hơn tôi. Họ cảm thấy tiếc và cho rằng tôi có thể đã nổi tiếng hơn nếu chọn lựa dòng nhạc khác ngay từ đầu. Chúng ta không thể nói về điều không hoặc chưa xảy ra, cho nên đến nay, cái tên Đức Tuấn được nhớ đến là nhờ vào những gì tôi đã làm với sự khác biệt ngay thời điểm mình bắt đầu khởi nghiệp.
Có người nói anh không “khéo nói”, có người lại bảo anh cá tính và thông minh đến mức sắc sảo trong cách sống. Nhưng với anh, Đức Tuấn là người thế nào?
- Tôi không bao giờ phải cố để tỏ ra mình cá tính hay sắc sảo, con người tôi có sao thể hiện vậy, chỉ là đối với truyền thông, tôi luôn có sự cẩn trọng khi phát ngôn. Điều này là để tôn trọng độc giả, tôn trọng công chúng của mình và tôn trọng chính mình. Tôi không thích gây sốc bằng lời nói, cái đó ai cũng có thể làm được, người ta gọi là “nổ”. Tôi không phải người thích “cưa bom”. Tôi là ca sĩ nên chỉ nói về những gì liên quan tới nghề nghiệp của mình. Nếu vì vậy mà mọi người cho rằng tôi thông minh, sắc sảo thì tôi nghĩ là mình đã làm đúng.
Ngày nay, người ta hay chuộng những cái màu mè nên nhiều lúc con người trở nên sống giả tạo, đối xử không thật lòng với nhau. Người nào thẳng thắn là bị chê không khéo hoặc được khen cá tính. Tôi thì không quá khéo léo nhưng cũng không vụng về. Nói chung, tôi cư xử như một người luôn biết phải làm gì cho đúng lúc, đúng chỗ.
Đích đến của một giọng ca thông minh như anh sẽ là gì trên thị trường âm nhạc?
- Là làm được những gì mình thích và được khán giả đón nhận những cái đó. Đơn giản vậy thôi.
Nghe tin đến nay anh còn chưa có nhà riêng, mặc dù đã là ca sĩ hàng “sao”?
- Đó đơn giản là sự lựa chọn thôi! Tôi không quan trọng việc sắm nhà cao cửa rộng vì vẫn thích ở chung với gia đình và cảm thấy không có gì phiền toái cả. Tôi có nhiều việc khác để làm với những đồng tiền mình kiếm được và hiểu rất rõ mình cần tiêu tiền vào việc gì. Với tôi, chỉ cần cuộc sống không nghèo để có thể theo đuổi và làm những gì mình thích là tốt rồi; còn giàu, biết tới đâu là giới hạn?
Tài sản lớn, địa vị xã hội… là thứ gần như mặc định khi đánh giá sự thành đạt của một người đàn ông. Anh không nghĩ đến điều này?
- Tôi lại nghĩ sự “mặc định” ấy cũng chỉ giới hạn trong nhóm đối tượng nào đó thôi, có thể ít hay nhiều nhưng không phải tất cả. Tài sản lớn hay địa vị để làm gì nếu tâm hồn mình không được thanh thản? Vật chất thừa mứa có cứu vãn được một đời sống tinh thần nghèo nàn, buồn tẻ? Bây giờ, người ta rất hay đi chùa, tìm đến tâm linh để mong được thanh thản trong lòng. Tôi thấy con người sướng hay khổ là do mình tạo ra. Biết hài lòng với bản thân để có cuộc sống cảm thấy thoải mái là được rồi. Tôi có lẽ chưa có được cái gọi là “thành đạt” ấy nhưng tôi có được một công việc mình yêu thích, thỏa mãn đam mê, cùng với đời sống vật chất không đến nỗi nào. Vậy tôi cũng có quyền nghĩ mình đã thành công rồi chứ.
Đây có phải là cách anh chọn để đối diện với bản thân mình?
- Hãy cứ sống thật với những gì mình muốn, đừng mất thời gian lo lắng xem người ta nghĩ gì về mình. Bài hát của ban nhạc Bức Tường có câu: Hãy xứng đáng là người đàn ông. Hãy vững sống và thật hiên ngang... tôi rất thích. Đó cũng là tâm niệm của tôi.
Bình luận (0)