. Phóng viên: Ý tưởng của Portrait 17 bắt đầu từ đâu?
- Ca sĩ Hiền Thục: Người ta vẫn thường nhắc đến việc tôi phát hành album một cách liên tục không ngừng nghỉ, nhưng đó chỉ là với dự án Ngũ Hành, tôi muốn nó hoàn tất đầy đủ để khẳng định vị trí của mình. Nói thì nhanh chứ thật ra tôi phải mất gần 3 năm để hoàn thành bộ đĩa ấy. Chắc do tính xuyên suốt của Ngũ Hành mà mọi người liên tưởng tôi phát hành album liên tục. Năm 2007, tôi chỉ có duy nhất Diamond Cd và năm 2008 chỉ có Sunflower. Cũng có thể album Portrait17 cũng là album duy nhất của 2009. Tôi mất khoảng 2 năm cho dự án này, lại vẫn quá trình bay đi bay về TPHCM – Hà Nội để thực hiện album. Album này bắt nguồn từ việc tôi sẽ làm một dự án nào đó về nhạc Trịnh – loại âm nhạc mà cả đời mẹ tôi ngưỡng mộ và mong muốn được nghe con gái mình hát.
. Với Portrait 17, có phải chị đang nhìn về dấu son 17 tuổi của mình trước đây?
- Đúng là tuổi 17 của tôi có lắm kỷ niệm. Đó cũng là năm tôi từ giã nhà thiếu nhi để bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp bằng cách xưng hô ca sĩ trẻ tuổi mà trước đây mẹ vẫn hay chở tôi đi diễn ở các phòng trà ca nhạc. Tại đó tôi đã gặp, đã quen nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi vẫn hay hát Mưa hồng hay Hai mươi mùa nắng lạ bằng cảm nhận của đứa con gái mới lớn. Lúc ấy nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã vẽ tặng tôi bức Chân Dung 17, có thể đó là bức chân dung thứ 17 của ông, cũng có thể đó là tuổi 17 của tôi.
. Chị có nghĩ mình quá ôm đồm khi khán giả yêu mến chị vẫn thích chị hát những bản tình ca đơn giản hơn những ca khúc mang đậm tính triết lý và phức tạp như nhạc Trịnh?
- Làm nghệ thuật mà, tư duy của ca sĩ thường hay thay đổi liên tục, họ chẳng bao giờ muốn gò bó bản thân. Tôi cũng vậy, Sunflower mà Tú Trung sản xuất cho tôi có 27 bản tình ca đơn giản mà mọi người cần rồi, thì cớ gì bây giờ mình không thử một vài ca khúc theo kiểu khác mà theo như chị nói là mang đậm tính triết lý như nhạc Trịnh chẳng hạn. Thế là tôi làm. Có người chấp nhận, có người không. Nhưng tâm lý của ca sĩ là chỉ cần còn một người nghe thì mình vẫn hát.
. Chị bảo rằng ở thời điểm hiện tại chị đã hiểu và có thể hát tốt nhạc Trịnh. Cái nhìn của riêng chị về nhạc Trịnh?
- Tôi nghe nhạc Trịnh từ bé, lúc còn trong đội thiếu nhi tôi cũng đã hát không ít bài của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhưng con người mỗi lúc lớn lên thì tư duy lại khác đi, tôi cũng không ngoại lệ. Tôi không biết mình hiểu đúng hay hiểu sai nhưng đó sẽ là cách hiểu của riêng tôi, của một người đàn bà 27 tuổi, có một đứa con gái và không có chồng. Nhạc Trịnh có phải tuyên ngôn hay không thì còn tùy, nhưng tôi thích những cái tứ yêu đời, yêu người căng đầy nhựa sống trong đó.
. Chị sẽ hát nhạc Trịnh như thế nào để chinh phục khán giả của riêng chị và khán giả yêu nhạc Trịnh?
- Tôi nghĩ nhạc Trịnh Công Sơn gắn liền với sự mộc mạc, giản đơn như lột tả, bày tỏ tâm sự ẩn chứa bên trong. Có lẽ tôi cũng đã hát theo cách đó. Sẽ có những khác lạ như khi tôi hát Cuối cùng cho một tình yêu hay Đoản khúc thu Hà Nội nhưng chỉ trong cách xử lý bài hát mà thôi. Giọng hát trong trẻo nhưng đầy tâm sự, như đang muốn vẽ lên một câu chuyện bằng âm nhạc là điều tôi hướng tới trong album Portrait 17.
Bình luận (0)