Live show của ca sĩ Quang Dũng với chủ đề “Giấc mơ mang tên mình” diễn ra vào tối 18-3 tại Nhà hát Hòa Bình (TP HCM) chật kín khán giả, trong đó khoảng 2/3 là những người mua vé. Theo nhận định của giới tổ chức, đây là một trong những live show thành công nhất về mặt doanh thu trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, thực tế dù khán phòng có đầy khán giả, toàn bộ vé có bán hết thì chủ nhân sự kiện vẫn chịu lỗ khi mức đầu tư quá cao.
Chất lượng tăng, khán giả giảm
“Giấc mơ mang tên mình” kỷ niệm 20 năm ca hát của Quang Dũng để lại nhiều ấn tượng với khán giả yêu nhạc, đặc biệt là những người trung thành với tiếng hát của anh suốt 20 năm qua.
Không tốn nhiều công sức dàn dựng hay thực hiện kỹ xảo ánh sáng, live show của Quang Dũng đơn giản là một đêm nhạc để nghe với danh sách ca khúc rất quen thuộc. Khán giả có thể thỏa mãn với phần âm nhạc được đầu tư hoành tráng qua dàn nhạc dây, dàn nhạc nhẹ và sự góp sức của những nhạc sĩ tên tuổi như Việt Anh, Anh Khoa trong phần làm mới nhiều bản tình ca. Một Quang Dũng không hẳn mới mẻ hay khác lạ sau 20 năm ca hát nhưng vẫn là ca sĩ có tâm và yêu nghề sau biết bao thăng trầm. Một đêm nhạc đáng nghe dù có đôi chút lọng cọng trong giao lưu, trong cách kể chuyện để dẫn dắt khán giả thăng hoa cùng âm nhạc.
Trước đó, live show “Cung đàn xưa” với cuộc đối thoại âm nhạc Văn Cao - Phạm Duy diễn ra vào ngày 25-2 tại Nhà hát Hòa Bình cũng thực sự ấn tượng với không gian âm nhạc độc đáo. Sau mỗi đoạn hội thoại (bằng tư liệu) của 2 nhạc sĩ đại thụ trong làng nhạc Việt, các nghệ sĩ làm tăng thêm cảm xúc nồng nàn của khán giả bằng những ca khúc bất hủ trong gia tài âm nhạc đồ sộ của họ hoặc tìm sợi dây gắn kết giữa những nhạc phẩm ấy một cách tinh tế như “Thiên thai” - “Tiếng sáo thiên thai”, “Trương Chi” - “Khối tình Trương Chi”… Khán giả như bị cuốn vào không gian nửa hư nửa thực, thấm đẫm trong âm hưởng êm ái, mơ hồ chỉ có ở cõi thiên thai. Đêm nhạc “Cung đàn xưa” đã thực sự thành công trong việc dẫn dắt xúc cảm, tâm tư của người xem.
Linh hồn của “Cung đàn xưa”, làm nên thành công của đêm nhạc Văn Cao - Phạm Duy là những nghệ sĩ: Tuấn Ngọc, Đức Tuấn, Nguyên Thảo, Uyên Linh, Tấn Minh, Hồ Trung Dũng… cùng 4 nhạc sĩ hàng đầu của làng nhạc Việt: Đức Trí, Hoài Sa, Việt Anh và Võ Thiện Thanh. Không ai là không thăng hoa trong đêm nhạc, trong chính bản ngã của mình. Khi đêm nhạc kết thúc, khán giả vẫn còn mang trong lòng một cảm xúc lẫn lộn đến khó tả: Sự nhẹ nhàng nhưng cũng rất hùng vĩ bởi những bản tình ca của Văn Cao - Phạm Duy mà họ đã trót yêu từ thuở nào.
Thế nhưng, đêm nhạc này đã không đầy khán giả như mong đợi. Dù khán phòng vẫn chật kín khán giả nhưng phần lớn là vé tặng, mời. Thực tế này là hiện trạng chung của tất cả live show ca nhạc hiện nay.
“Ngay cả với các ngôi sao lớn nhất hiện nay, khi tổ chức live show mà hai cánh nhà hát cũng vắng hoe. Với người kỹ tính thì chất lượng đêm diễn là điều không cần bàn cãi. Vậy mà, ê-kíp tổ chức đành phải phát vé ra ngoài cho “fan” để lấp chỗ trống khán phòng và phục vụ mục đích ghi hình” - một đạo diễn tên tuổi nêu thực trạng.
Tín hiệu đáng mừng
Theo đạo diễn Tất My Long, đừng đổ hết lỗi cho game show, truyền hình thực tế vì sự chi phối của những hình thức giải trí này chỉ chiếm một phần. “Internet giúp khán giả kết nối với bên ngoài rất nhanh và họ có mọi thứ mà mình muốn. Thế nên, dành thời gian để thưởng thức cả một live show dường như quá tốn thời gian và công sức với họ” - ông nhìn nhận.
Điều khiến nhiều người ít quan tâm đến các live show ca nhạc chính là “tiền”. Điều đó cũng dễ hiểu bởi mức vé xem live show hiện nay thường dao động từ 1,5 triệu đến 6 triệu đồng. Mức giá này hoàn toàn hợp lý khi chi phí đầu tư cho một live show hiện quá cao. Trước đây, ca sĩ luôn phải tổ chức live show từ 2 đến 3 đêm diễn để thu hồi vốn thì nay, không bao giờ có chuyện diễn đêm thứ 2 vì chắc chắn không có người xem.
Hy vọng gỡ vốn duy nhất của ca sĩ khi làm live show hiện nay là ghi hình và bán DVD sau đó. Thế nhưng, ngay cả với giải pháp này thì giới ca sĩ cũng thừa hiểu hy vọng thu hồi vốn đầu tư khá mong manh. “Bởi lẽ, ít ai còn dành thời gian để xem nguyên một DVD. Vậy thì không có lý do gì để họ phải mua nguyên album. Nếu thực sự thích, họ có thể lên YouTube tìm kiếm đúng thứ mình cần” - một ca sĩ giải thích.
Ca sĩ Quang Dũng cho rằng đây chính là lý do không ai còn muốn tổ chức live show nếu bản thân họ không có một mục đích thực sự đặc biệt. Những live show mà ca sĩ thực hiện thời gian qua thực chất là sự đầu tư của các nhãn hàng cho chiến dịch quảng bá sản phẩm.
Điều này khiến nhiều người lo ngại live show sẽ bị “xóa sổ” khỏi showbiz Việt. “Thực ra, việc khan hiếm live show ca sĩ như hiện nay là một dấu hiệu đáng mừng. Tình trạng tổ chức live show tràn lan như trước đây mới bất bình thường” - một người trong giới chuyên môn nhận định.
Thực tế, trước đây, ai cũng có thể làm live show dù chỉ diễn ở tụ điểm giải trí không bảo đảm chất lượng kỹ thuật. “Giọng ca nào cũng cũng có thể tuyên bố làm live show riêng. Mọi thứ đang trở về đúng chức năng của nó và đây mới là một nền công nghiệp âm nhạc thực sự. Chỉ có những ca sĩ thực sự mới dám tổ chức live show và live show thì phải diễn ra trong nhà hát. Live show là việc ca sĩ phải hát thực sự với dàn nhạc. Đây mới là điều công chúng cần” - một ca sĩ nhận xét.
Khi đã có những live show thực thụ, việc kéo khán giả đến nhà hát không phải quá khó. Sự phát triển của công nghệ tạo nên những khán giả cực kỳ khó tính. Vậy nên, chỉ có những gì thật sự chất lượng mới đủ sức thu hút khán giả. “Chúng ta nên vui vì một tín hiệu đáng mừng của thị trường biểu diễn mà chúng ta đang có” - đạo diễn Phạm Hoàng Nam bày tỏ.
Ném tiền qua cửa sổ
Hiện nay, không có nhiều ca sĩ, đặc biệt là ca sĩ trẻ, nghĩ đến việc thực hiện live show. “Live show không đem lại lợi ích cụ thể cho tên tuổi ca sĩ trong khi việc đầu tư lại quá lớn, giống như ném tiền qua cửa sổ vậy” - ca sĩ Kasim Hoàng Vũ băn khoăn.
Bình luận (0)