Tôi gặp ông giữa cái nóng nồng của một chiều Sài Gòn. Ông khỏe khoắn và trẻ trung trong áo thun màu mạ và quần jean xanh. Ông hồn nhiên nói cười như một đứa trẻ, khác xa với khuôn mặt trầm tư và lặng lẽ trên sân khấu
. Phóng viên: Thưa ông, khán giả mê giọng hát ông thấy ông có vẻ khó tính khi chọn bài hát biểu diễn. Hầu như chỉ thấy ông hát nhạc Phú Quang, Phan Huỳnh Điểu, Trần Tiến... Vì sao vậy?
- Ca sĩ Quang Lý: Ở đó tôi tìm được sự đồng cảm nhiều hơn. Tôi rung cảm ngay với những ca khúc của họ. Đối với một ca sĩ phải có sự rung cảm mới hát được. Nhạc Phú Quang gần gũi, nỗi niềm nhiều, tự sự nhiều, khát khao nhiều trong tình yêu cũng như trong cuộc sống. Nhạc Phan Huỳnh Điểu đầy chất trữ tình, sâu lắng, giai điệu đẹp như nàng công chúa. Nhạc Trần Tiến cập nhật nóng hổi nhất những vấn đề thời sự đi sát cuộc sống... Ngoài ra tôi còn hát nhạc của Văn Cao, Trần Long Ẩn, Phó Đức Phương, Hoàng Vân... ở đó tôi tìm được tiếng nói của mình, nỗi lòng của mình.
. Còn nhạc của các nhạc sĩ trẻ thời thượng, thưa ông? Ông có cảm tình với ca khúc của nhạc sĩ trẻ nào không?
- Có lẽ tại tôi không hợp chất. Nhưng tôi cảm tình với các ca khúc của nhạc sĩ trẻ Ngọc Châu. Tôi thích cái chất của anh trẻ trung, tinh tế, tồn tại bên trong giai điệu trữ tình, ngôn ngữ riêng phong phú.
. Trước đây chỉ có một nhạc sĩ nữ Trương Tuyết Mai, bây giờ xuất hiện rất nhiều nhạc sĩ nữ. Ông muốn các nhạc sĩ nữ thể hiện chất nữ tính trong âm nhạc thế nào, để có sự khác biệt với các nhạc sĩ phái nam?
- Tôi không nghĩ nữ tính hay nam tính. Khi viết họ gửi gắm tình cảm, họ viết bằng sự rung cảm thì người nghe không kể nam hay nữ cũng sẽ tìm thấy nỗi lòng của mình trong đó.
. Có một thời cùng với ông còn có hai giọng nam được mếm mộ nồng nhiệt đó là Ngọc Tân và Trung Đức. Là ca sĩ, ông nhận định gì về hai giọng ca ấy?
- Họ là bạn đồng nghiệp thân thiết của tôi. Họ đã cống hiến rất lớn cho nền âm nhạc nước nhà. Là hai nghệ sĩ gạo cội đầy chất lãng mạn. Tôi đã thật sự rung cảm khi nghe họ hát.
. Ngọc Tân đã ra đi, Trung Đức có vẻ chựng lại vì quá nặng cân và có lẽ vì... rượu. Còn ông vẫn cường tráng trên sân khấu...
- Trung Đức vẫn đều đặng tham gia những chương trình trong đoàn của anh ở Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Trung ương. Bây giờ chúng tôi đã có tuổi nên chỉ tham gia một số chương trình lớn thôi!
. Thưa ông, mọi người nói ông có giọng hát “trẻ mãi không già”. Ông nghĩ gì? Bí quyết?
- (Cười lớn). Hãy hát thật nỗi lòng của mình và hồn nhiên như trẻ thơ khi hát.
. Nhìn lại Quang Lý thời trai trẻ với Quang Lý bây giờ, ông thấy có gì khác, có gì làm ông vững tâm, có gì làm ông nuối tiếc?
- Ngày trẻ đầy sôi động, say mê công việc, ham đọc, ham học, ham... yêu.
. Còn bây giờ, thưa ông?
- Ham đi nhiều
. Và vẫn còn ham yêu...
- Tôi đã bình lặng trong tình yêu. Tôi hạnh phúc khi có người vợ đứng đằng sau những thành công của mình, chăm lo gia đình để tôi được vững tâm trong công việc. Tôi rất biết ơn vợ tôi.
. Ông là người có những trải trong cuộc đời, trong âm nhạc, liệu trong tình yêu có sự trải nghiệm nào không, thưa ông?
- Đối với tôi tình yêu là đẹp đẽ nhất trên đời, con người không thế tồn tại nếu thiếu tình yêu. Theo tôi người không yêu là người ngớ ngẩn.
. Hình như cái vòng nguyệt quế mang tên “Nghệ sĩ ưu tú” ngự trên cổ ông khá lâu rồi. Ông có hy vọng nó sẽ được đổi tên là “Nghệ sĩ nhân dân”? Hay ông sợ vì nó là minh chứng gọi là “tuổi già”?
- Đời của người nghệ sĩ gắn cuộc sống của mình với tiếng hát. Tôi cũng như bất cứ người nghệ sĩ nào đều mong muốn vươn tới danh hiệu NSND. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình già, nhưng đôi khi lại thấy mình... già. Đó là những lúc ngồi một mình.
. Kỷ niệm nào trong suốt cuộc đời đi hát mà ông không thể quên?
- Đó là khi tôi biểu diễn cho hàng ngàn cựu chiến binh ca khúc Kỷ niệm của tôi. Ca khúc viết về đề tài chiến tranh, nói đến những chiến sĩ trẻ rời ghế nhà trường ra đi bảo vệ quê hương, chiến đấu vì lý tưởng lớn, đến phút cuối cùng họ đã ngã xuống (vừa kể mắt ông vừa thản ra xa, miệng ngân nga theo giai điệu bài hát: “Kỷ niệm của tôi dòng sông thành phố, bạn bè tôi gục ngã dưới chân cầu, tuổi 20 chưa một lần hò hẹn, tuổi 20 chưa một vòng tay yêu thương, chỉ có nỗi nhớ quê hương xanh màu lính và ước mơ một lần về trên con đường nhỏ để nghe tiếng ru xao động trưa hè...". Khi hát tôi đã trút hết nỗi lòng mình vào đó. Hình ảnh những người bạn thân thuở nào chợt hiện về nguyên vẹn trong tôi, họ cũng đã ra đi như thế đấy! Phía dưới những cựu chiến binh đã khóc theo từng giai điệu của bài hát ấy...
. Còn ông?
Tôi cũng khóc!
Bình luận (0)