Vào bệnh viện, thấy Đại nằm bất tỉnh trên giường. Đại, 65 tuổi, nhà thơ, chẳng có vợ con. Tôi thầm trách định mệnh rằng hắn đã chịu đựng sự cô đơn 65 năm chưa đủ sao, còn bắt hắn phải bị tai nạn giao thông nữa? Tôi lên Facebook thông báo về tai nạn của Đại.
Ngày thứ Hai, ca sĩ Ái Khanh vào thăm. Tôi nghe Ái Khanh kể về đời mình. Khanh đã 60 tuổi, Khanh và Đại biết nhau đã 30 năm, sau ngày chồng Khanh mất 5 năm. Chồng và 2 đứa con Khanh đã mất trong một tai nạn. Khanh thấm thía khổ đau đến tột độ. Cô hiểu được giá trị của sự mất mát. Nó giúp cô biết trân trọng những gì Khanh đang có. Mỗi tuần Đại gặp Khanh một lần vào thứ Hai. Khanh thèm gặp Đại như một thói quen, thói quen được sống, được ca ngợi và chê bai, được thấu hiểu và cảm thông, được đi đến tận cùng sự thăng hoa của thân xác. Gặp Đại, Khanh như ở một thế giới khác, thế giới đầy suy tưởng, lung linh màu sắc, nhiều giai điệu lạ và lắm đớn đau. Đại phân tích những điều quen thuộc bằng những nhận định sâu sắc và không phiến diện.
Thứ Ba là Bích Trà, 50 tuổi. Trà quen Đại ở tuổi ba mươi. Mỗi tối thứ Ba, Trà và bè bạn tập trung ở nhà Đại để ca hát, đọc thơ, bình luận văn chương. Trà thường hát các ca khúc của Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Vũ Thành An… và của Bích Trà. Bích Trà đã phổ nhạc nhiều bài thơ của Phan Đại. Đại thường có những nhận xét về các tác phẩm văn học cũng như ý tưởng của các ngôn từ trong ca khúc với cách phân tích khá lạ. Với đoạn “người con gái cũng cần dĩ vãng, mà em tôi chỉ còn tương lai”, Đại nhận xét “người con gái đi lấy chồng không phải là người yêu cũ nên không dám nhắc về quá khứ, chỉ còn hiện tại và tương lai”. Đại phán rằng khi còn trẻ, Vũ Thành An viết “Con đường em đi đó đúng hay sai em? Mưa bên chồng có làm em khóc, có làm em nhớ những khi mình mặn nồng…” có nghĩa là Vũ Thành An cứ tưởng cuộc tình của mình là số một và cuộc tình người khác là không đáng kể. Khi đủ lớn, An đã viết khác “Con đường em đi đó, đúng đấy em…, nếu ngày xưa mình thành đôi lứa, có chắc gì mình đã thoát khỏi đời khổ đau…”. Khi lớn hơn, An đã hiểu tình và đời chính xác hơn.
Thứ Tư là Minh Thu, 40 tuổi. Thu quen Đại ở tuổi 20. Thu yêu Đại và thù ghét Đại. Thu thấy anh thật ích kỷ và gian dối. Rất nhiều lần Thu quyết chia tay anh nhưng không thể. Thu nhớ anh điên cuồng. Nỗi nhớ làm Thu đau đớn hơn là phải chịu đựng những cơn ghen. Mỗi khi thấy anh nhìn một người đàn bà nào đó là máu Thu sôi lên. Thu bực tức khó chịu và vô cùng đau đớn. Thu muốn anh là của riêng. Thật ra không phải Thu yêu anh, Thu yêu chính bản thân cô và cảm giác của riêng cô. Anh đã thỏa mãn nhiều cung bậc cảm xúc của Thu. Bên anh, Thu ngập tràn hạnh phúc. Bình yên chen lẫn với khổ đau và dằn vặt. Anh biết cách làm cho Thu thăng hoa. Anh như ma túy đối với Thu, Thu ghiền anh và căm thù anh, anh chưa bao giờ thực sự là của cô.
Thứ Năm là My Dung, 30 tuổi. Dung có khuôn mặt thanh tú, đượm nỗi u buồn, đôi mắt đen to và sâu, ẩn chứa nhiều u uất. Dung là ca sĩ của một phòng trà ở Vũng Tàu. Mỗi thứ Năm, Đại xuống Vũng Tàu thăm Dung. Đại thương Dung, chăm sóc, chia sẻ và dạy dỗ Dung như một đứa con gái. Mười năm trôi qua, Dung thương Đại như một người bạn, một người anh, một người cha. Dung không bao giờ gọi điện hay nhắn tin cho Đại. Khi Đại xuống Vũng Tàu, Dung lẽo đẽo theo như một tín đồ. Dung thường chỉ lặng lẽ mỉm cười và gật đầu khi nghe Đại nói. Đại ít nói, Dung càng ít nói hơn. Vậy mà, đôi khi Dung còn bị Đại chê là nói nhiều. Dung im lặng như con mèo con chờ được Đại vỗ về. Gặp Đại, Dung quên hết những chuyện cơm áo gạo tiền. Dung hạnh phúc với từng cái nắm tay nhẹ nhàng và từng cái nhìn yêu thương từ Đại. Đôi khi Đại và Dung ngồi im lặng hàng giờ bên nhau. Nhưng Dung vẫn cảm thấy thời gian qua mau.
Thứ Sáu là Dương An, 20 tuổi. An quen Đại trong đêm Bích Trà ra mắt album nhạc phổ thơ Phan Đại. Cô bị thu hút bởi vẻ tuyệt vọng và điềm nhiên đến tận cùng của Đại. Cô lao vào Đại như một duyên nợ. An nói, chính khoảng cách tuổi tác và búa rìu dư luận là một ngăn trở lớn lao. Nhưng chính những ngăn trở đó chứng minh rằng tình yêu của cô dành cho Đại là có thật. Cô biết đây chỉ là tình yêu đơn phương.
Tôi chơi với Đại từ thời mẫu giáo. Tôi vẫn không hiểu nhiều về Đại. Đại là người tài năng nhưng lạ kỳ trong tính cách. Đại có một trí tuệ sắc sảo, một tâm hồn phong phú. Đại biết cách diễn đạt ý nghĩ, cảm xúc một cách cô đọng bằng ngôn từ ngắn gọn và gợi cảm. Đại nói “ngày xưa còn trẻ, tôi biết rất ít nhưng lại viết nhiều, bây giờ tôi biết nhiều hơn nhưng lại viết rất ít”. Đại sống như một thiền sư. Anh luôn có thái độ bình thản và tự tin trong mọi tình huống. Đại luôn mỉm cười một cách trịch thượng trước những lời khen chê và xỉa xói của người khác; sẵn sàng mỉm cười và lắng nghe những điều mà Đại rất am tường còn người nói thì biết rất ít.
Ngày thứ Bảy, Đại tỉnh dậy. Tôi không nói chuyện nhiều, sợ Đại mệt. Sang chủ nhật, tôi kể về sự viếng thăm của 5 cô ca sĩ.
Đại đưa ra nhận xét đầy phản cảm: “Thân phận đàn bà buồn như chiến tranh. Nhưng bên cạnh những đáng thương đó, tất cả 5 cô ca sĩ đó đều ích kỷ, ghen tuông, nói nhiều và rên giống nhau”. Tôi hỏi: “Rên giống nhau là thế nào?”. Đại nói: “Đại đã có dịp chăm sóc các cô trong bệnh viện. Khi bệnh, các cô rên rất giống nhau dù giọng ca mỗi cô mỗi khác”.
Bình luận (0)