Lượng “fan” (người hâm mộ) và quyền lực của “fan” đã trở thành tiêu chuẩn đánh giá độ ăn khách của một ngôi sao, thậm chí cả chất lượng chuyên môn. Đây là một thực tế đang xảy ra ở thị trường giải trí. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi hầu hết nghệ sĩ, kể cả người mới vào nghề, đều có lượng “fan” đáng kể lận lưng.
Mua like để có “fan”
Chạy đua về lượng like (thích) và follow (theo dõi) trên thế giới ảo (trang cá nhân hoặc fanpage), với nhiều người là cách để khẳng định vị trí ngôi sao ở thế giới thật. Nhiều người vẫn nghĩ rằng lượng like, theo dõi ở trang cá nhân nghệ sĩ tỉ lệ thuận với lượng “fan” mà họ có ở ngoài đời.
Thật khó tin khi ca sĩ Khởi My được đặt ngang hàng Hoài Linh với lượng người tham gia và theo dõi trên fanpage đạt mức gần 13 triệu (cho 2 fanpage). Vị trí trong thế giới ảo không chỉ tạo nên vị trí thật cho nghệ sĩ trong cuộc sống - được mặc định trong suy nghĩ của nhiều người dù khá vô lý - mà còn tạo nên nguồn thu nhập đáng nể cho họ. Fanpage Hoài Linh đứng thứ hai tại Việt Nam sau Khởi My nhưng chi phí cho một post quảng cáo trên trang cá nhân của anh có giá cao nhất - ước tính theo thống kê của SocialOne (công cụ quy đổi lượng “fan”) khoảng 7.472 USD/post.
Ngoài Hoài Linh thì Trấn Thành, Sơn Tùng M-TP, Đông Nhi, Khởi My, Minh Hằng là những cái tên kiếm được bộn tiền từ lượng “fan” đông đảo trên fanpage. Những cái tên kém hấp dẫn hơn như Chi Pu hay Hồ Quang Hiếu... cũng nằm trong tốp kiếm được nhiều tiền nhờ lượng “fan” rất đông ở thế giới ảo.
Điều đó đã hình thành nên vô số thủ thuật tạo cách “làm giàu fan” ở thế giới ảo. Dịch vụ mua bán đã hình thành từ nhu cầu có thật này. Đã có những tin nhắn rao bán like công khai cho nghệ sĩ và nhiều người không ngần ngại gạ gẫm bán like (1 like tương đương một “fan”) giá rẻ từ các công ty dịch vụ. Nhiều người trong thế giới giải trí không thể từ chối sức hút like - cái mà họ tin rằng sẽ tạo nên “vương quyền” ở thế giới ảo.
Hiện tượng “fan” ảo ở thế giới ảo là sự thật. Nhiều đơn vị tổ chức chương trình biểu diễn phải trả giá khi định lượng “fan” để khai thác nghệ sĩ. Những đêm diễn của Bi Rain, Super Junior, Backstreet Boys hay gần đây là T-ara... đều thất bại thảm hại về mặt doanh thu khiến nhiều công ty tổ chức các chương trình này phải giải thể hoặc lỗ nặng, thậm chí vướng vào nợ nần - như lời của người tổ chức buổi “fan meeting” của T-ara tại TP HCM.
Điều đó cho thấy sự hưởng ứng mang tính “bầy đàn” của một bộ phận công chúng là chính. Vì thế, khi đòi hỏi thể hiện tình yêu bằng việc mua sản phẩm hay vé xem thần tượng biểu diễn thì “fan” lại thờ ơ, ngó lơ.
Quyền lực “fan” đến đâu?
Fanclub (hội người hâm mộ) và antifan (hội người bài xích) luôn tồn tại song hành. Hôm nay, họ là “fan” nhưng có thể ngày mai lại là “antifan”. Không ít chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra khi những thương hiệu chọn nghệ sĩ làm gương mặt quảng cáo cho mình phải đối mặt với khó khăn vì “fan” và “antifan”.
Mấy ngày qua, “hội những người tẩy chay ca sĩ Hồ Ngọc Hà” dậy sóng trên mạng vì nghi án cô ngoại tình. Không ít người lên tiếng hăm dọa, kêu gọi tẩy chay các nhãn hàng mà Hồ Ngọc Hà làm gương mặt quảng cáo. Đến nỗi, đại diện một thương hiệu đã hoảng hốt trả lời báo chí rằng “chúng tôi đang xem xét có thay đổi gương mặt đại diện hay không, rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc”.
Với những thương hiệu nhận diện được thực chất quyền lực của “fan” hay “antifan” trên thế giới ảo chẳng lớn như người ta tưởng, họ xem dư luận trên mạng chỉ là thông tin tham khảo. Ông Nguyễn Ngọc Thụy, quản lý truyền thông tại Công ty Diageo Vietnam, nhìn nhận: “Trong một số trường hợp, lượng “fan” đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển tải thông điệp truyền thông cho các thương hiệu một cách miễn phí. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, sức ảnh hưởng của các nhân vật đại diện chỉ nằm ở mức trung bình chứ chưa tác động mạnh đến nhu cầu tiêu dùng. Lượng “fan” chủ yếu chỉ nhằm tạo nên sự ồn ào và xây dựng sự nhận biết của thương hiệu mà thôi, chứ chưa thật sự mang lại hiệu quả về chi tiêu làm tăng lượng bán hàng”.
Vì vậy, việc fanclub hay antifan cho rằng mình có quyền lực chi phối các nhãn hàng là sự ảo tưởng. Dù vậy, không phải thương hiệu nào cũng đủ thông minh để nhận ra “fan” là rất ảo. Không ít thương hiệu đã chọn gương mặt quảng cáo căn cứ vào số lượt người theo dõi người đó trên mạng.
Đây chính là điều kiện làm nảy sinh tâm lý ảo tưởng của những người có tư duy sai lầm trong làng giải trí. Thay vì tập trung vào chuyên môn, họ chú trọng xây dựng hệ thống “fan” trước. Bởi lẽ, họ tin rằng có lượng “fan” lớn sẽ giúp mình dễ dàng xây dựng sự nghiệp, nhanh chóng thành công. Vì vậy, trong các chiến dịch truyền thông của nghệ sĩ, không ít trường hợp xây dựng hình ảnh bằng xì-căng-đan...
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-6
Giá trị không ở lượng “fan”
Thực tế thì không ai biết được số “fan” chính xác, kể cả nghệ sĩ, bởi “fan” trên mạng phần lớn được tạo nên nhờ công nghệ thông tin. Nhiều nhà quảng cáo cho biết hình ảnh và lý lịch sạch của người nổi tiếng là tiêu chí hàng đầu để lựa chọn gương mặt đại diện cho một nhãn hàng chứ không phải là lượng “fan” của họ. Chẳng thương hiệu nào muốn người tiêu dùng có cái nhìn thiếu thiện cảm với người đại diện của mình. Do vậy, các thương hiệu thường kiểm tra rất kỹ hình ảnh của ngôi sao.
“Thời buổi công nghệ thông tin nên nhiều khi sự lựa chọn không tính toán cẩn thận sẽ như chơi dao 2 lưỡi... Bởi vậy, đừng thắc mắc vì sao Tăng Thanh Hà luôn có những hợp đồng béo bở” - giới truyền thông và quảng cáo lý giải.
Bình luận (0)