Lập trình trái tim, phim truyền hình VN đang hấp dẫn khán giả. Ảnh: C.T.V
Ông Đỗ Thanh Hải (Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình VN- VFC):
Chỉ mất thêm thời gian chờ duyệt
Theo Luật Báo chí, tổng giám đốc đài truyền hình cũng giống như tổng biên tập một tờ báo, phải chịu trách nhiệm toàn bộ nội dung phát sóng hay đăng tải trên báo nên không cần thêm một cơ quan khác chịu trách nhiệm. Hơn nữa, những lĩnh vực đặc thù như phim ảnh thì cần phải nhìn nhận mọi vấn đề theo khía cạnh đặc thù của nó, giả dụ như nếu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) duyệt phim truyền hình thì hội đồng duyệt của bộ sẽ duyệt kịch bản hay duyệt phim? Nếu phim có vấn đề, ai là người chỉ đạo cắt sửa, hội đồng duyệt của Bộ VH-TT-DL hay lãnh đạo các đài? Tính trung bình, mỗi năm VFC sản xuất phục vụ cho VTV khoảng 250 tập phim, nếu phải mất thời gian chờ hội đồng duyệt từ kịch bản đến nghiệm thu phim thì chắc chẳng có được mấy tập phim để chiếu.
Ông Trần Bình Trọng (Giám đốc sản xuất hãng M&T Pictures):
Lấn cấn, thiếu khả thi!
Theo chúng tôi, đề xuất phim truyền hình phải qua khâu kiểm duyệt của Bộ VH-TT-DL là rất lấn cấn và thiếu khả thi, bởi đài truyền hình hoạt động theo Luật Báo chí nên đài quyết định và chịu trách nhiệm về nội dung các phim lên sóng là đủ rồi. Nếu đưa sang Bộ VH-TT-DL kiểm duyệt nữa thì chỉ hành thêm nhà sản xuất. Hiện nay, phim truyền hình sản xuất với số lượng mỗi năm là rất lớn. Bộ làm thế nào có đủ nhân lực để ngồi xem hết các đề cương kịch bản của các hãng gửi lên và xem hết hàng trăm ngàn tập phim để duyệt. Hơn nữa, đặc điểm của việc sản xuất phim truyền hình bây giờ là vừa quay vừa phát thì làm sao Bộ VH-TT-DL có thể xem trước hết nội dung để chấp thuận phát sóng hay không. Hiện nay, mỗi đề cương chi tiết kịch bản hãng M&T Pictures gửi sang đài truyền hình cũng phải mất khoảng một tháng mới được duyệt xong. Nay nếu phải đưa sang Bộ VH-TT-DL thì không biết mất thời gian thêm bao lâu. Ngày nay, chúng ta đang cố gắng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, không hiểu sao trong lĩnh vực sản xuất phim truyền hình này, người ta lại muốn làm cho mọi thứ phức tạp thêm.
NSND Khải Hưng (Giám đốc Hãng phim Khải Hưng):
Phải qua hai cửa duyệt
Giả sử, có tồn tại song song hai hội đồng duyệt phim truyền hình, một của đài và một của bộ thì một bộ phim chiếu trên truyền hình lại phải qua hai hội đồng này. Nếu đài truyền hình duyệt kịch bản đồng ý sản xuất nhưng hội đồng thẩm định của Bộ VH-TT-DL không duyệt phim thì hàng tỉ đồng đầu tư vào sản xuất phim phải nằm đấy, doanh nghiệp làm phim chỉ có nước phá sản. Ngược lại, các đài truyền hình không đồng ý chiếu, dù Bộ VH-TT-DL đã duyệt và cấp phép, nếu đài chưa duyệt thì người sản xuất chỉ biết khóc.
Đạo diễn Phan Hoàng (Giám đốc Hãng phim Cửu Long):
Sẽ ảnh hưởng tiến độ sản xuất phim
Tôi thấy việc đề nghị quy định Bộ VH-TT-DL kiểm duyệt phim truyền hình là đi ngược lại với xu thế chung của thế giới. Tôi đã đi nhiều nước, người ta không hề có luật kiểm duyệt phim truyền hình mà để cho các hãng phim tự sản xuất, phát hành phim nhưng sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu nội dung phim phản cảm hay vi phạm pháp luật. Nếu quy định Bộ VH-TT-DL kiểm duyệt phim truyền hình, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ sản xuất của các đơn vị sản xuất phim truyền hình xã hội hóa. Đồng thời cũng ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng sáng tạo của ê-kíp thực hiện phim. Các hãng phim tư nhân cũng sẽ rất ngại nếu như phải qua thêm một lộ trình kiểm duyệt đầy nhiêu khê nữa.
Ông Trần Minh Tiến (Giám đốc Hãng phim Lasta):
Chỉ cần quy định tiêu chí rõ ràng
Theo tôi, chỉ nên đưa vào luật những tiêu chí quy định rõ ràng về những điều nghiêm cấm đối với việc sản xuất phim truyền hình. Ở nhiều nước trên thế giới người ta cũng chỉ áp dụng việc đưa ra những tiêu chí về văn hóa, chính trị để đưa vào luật trong công tác quản lý phim truyền hình. Ví dụ như cấm làm phim chống lại nhà nước, không tuyên truyền văn hóa đồi trụy... Thậm chí quy định cả hình ảnh thể hiện trên phim như không cho phép ghi hình nhân vật hút thuốc, phơi bày hình ảnh gợi cảm... Đơn vị sản xuất nào vi phạm thì họ tự chịu trách nhiệm. Nếu quy định kiểm duyệt phim ở Bộ VH-TT-DL có nghĩa là chúng ta đang trở về quá khứ chứ không mang tính phát triển. Chưa kể, Bộ VH-TT-DL sẽ phải thành lập cả một bộ phận kiểm duyệt lên đến hàng trăm người, mà điều này thì không dễ dàng chút nào. Làm như thế vừa mất công sức vừa mất thời gian, tiền bạc vì mỗi năm có rất nhiều tập phim truyền hình được sản xuất.
Nhiêu khê cũng là kìm hãm
|
Bình luận (0)