icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cách nhìn biện chứng về một nhân vật lịch sử

Dương Trung Quốc (Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam)

Thoát ra khỏi định kiến, người ta nhận ra một Nguyễn Văn Tường không những không cách biệt mà gắn bó làm một với những người lâu nay được xếp sang một chiến tuyến riêng - chủ chiến

Tôi nhận lời giới thiệu mà lòng vẫn băn khoăn, không biết bộ sách này có được nhiều người đọc hay không, và có nhiều người mua hay không.

Nói lên nỗi băn khoăn đó, để tôi muốn giới thiệu với bạn đọc rằng, đây là một bộ sách được viết rất công phu, và việc đầu tư để in bộ sách dày dặn như thế này, vốn liếng thật không nhỏ.

Công phu của người viết sách trước hết là đã chọn một đề tài không dễ: về một nhân vật mà tính phức tạp ở sự đánh giá đã kéo dài nhiều thập kỷ trong giới sử học và trong xã hội nói chung.

Người chịu án truyền kiếp.- Với một vị quan to, đầu triều, như phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường, vào thời triều chính và đất nước đứng trước họa xâm lăng của chủ nghĩa thực dân, thì thái độ giữa chiến hay hòa luôn là cái thước đo quan trọng nhất để phân định đúng sai, chính tà, chân ngụy... đối với mỗi một nhân vật lịch sử cùng thời (một bên là Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn, Trương Văn Đễ, Hàm Nghi...; một bên là Trần Tiễn Thành, Dục Đức, Hiệp Hòa, Hồng Hưu...).

Thế mà, chỉ một dòng nhận định rằng, trong khi cả nước đánh Tây, thậm chí đã có một ông vua xuất bôn lập chiến khu chống giặc mà quan phụ chính Nguyễn Văn Tường lại chủ hòa, ở lại kinh đô, đi lại với giặc, là đủ để cho một vài thế hệ người Việt Nam, những người phải trải qua hơn nửa thế kỷ của một cuộc cách mạng “phản đế - phản phong”, rồi cầm súng đánh mọi thứ giặc ngoại xâm, chẳng tốn nhiều giấy mực cũng gạt viên quan đầu triều này sang hàng ngũ những kẻ đi ngược lại lợi ích cũng như truyền thống dân tộc, để chịu sự lên án truyền kiếp...

Những năm đổi mới đã tạo ra một không khí cởi mở và một nhu cầu nhìn nhận lại lịch sử một cách công bằng, biện chứng hơn. Công bằng là thoát ra khỏi những định kiến, và biện chứng là làm cho những nhân vật của lịch sử được nhìn nhận như những con người mà không phải là các biểu tượng.

Cách nhìn nhận này nhờ vào những phát hiện về sử liệu cũng như những phân tích mà nhiều cuộc hội thảo sử học đã được tiến hành trong một thập kỷ vừa qua. Nhìn nhận nhân vật lịch sử một cách biện chứng, làm cho nhân vật Nguyễn Văn Tường trở nên sống động trong cái không gian và thời gian của một tấn bi kịch lớn - tấn bi kịch của cả một dân tộc và một triều đại đang phải đối diện với họa xâm lăng giày xéo.

Cái kết cục bi thương, chấm dứt cuộc đời nơi chốn lưu đày ở đất khách quê người, một hòn đảo xa tít mù khơi, cùng gương mặt khắc khổ, đau đớn về tinh thần, héo hắt về thể xác trong tấm ảnh di thể Nguyễn Văn Tường, khiến người ta không thể nghi ngờ vào những kết luận của giới sử học về vị trí chủ chiến của nhân vật này trong pho sử chống Pháp bi hùng của dân tộc ta cuối thế kỷ XIX.

Tính khách quan qua việc khảo cứu sử liệu.- Tác giả bộ sách Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường không chỉ nương theo những kết luận của giới sử học, mà còn bằng một thể loại ông tự phát kiến là “truyện - sử ký - khảo cứu tư liệu lịch sử”, để chứng minh với người đọc rằng, cuộc đời của Nguyễn Văn Tường như ông thuật lại trong bộ sách là một cuộc đời thực như thế. Tác giả lại quả quyết: Phần hư cấu chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ. Khó ai định lượng được là bao nhiêu, nhưng dễ nhận ra công sức của tác giả khi ông dành thêm phần khảo cứu sử liệu gồm rất nhiều chú thích, viết kèm theo phần sáng tác. Phần khảo cứu - chú thích sử liệu ấy không phải chỉ để dẫn chứng, trưng dẫn xuất xứ sử liệu, thẩm định tư liệu, trình bày thêm một cách minh xác nhằm tiện cho việc đối chiếu với phần sáng tác, mà còn để minh chứng: hư cấu nghệ thuật có khả năng tiếp cận với sự thật lịch sử.

Nếu ai đó đã từng ví rằng, với thể loại tiểu thuyết lịch sử, lịch sử chỉ là một cái đinh để móc cái áo, thì với tác giả bộ sách này, cái áo tiểu thuyết (phần kết cấu truyện) được đem giăng trên một cái mắc (phần sử ký, tư liệu lịch sử) - cái mắc ấy vốn được thiết kế để người ta có thể nhận ra từng chi tiết, từ đường kim mũi chỉ... đến cái vóc dáng hoàn chỉnh của cả tấm áo. Nói cách khác, tác giả (nguyên là một nhà giáo) muốn thể hiện một quan niệm cổ điển (chuẩn mực) về sự “bất phân” của hai ngành, văn và sử, hai phương thức tư duy, khoa học và sáng tác, trong một bộ sách viết về một nhân vật lịch sử gắn với một thời đại lịch sử.

Tôi muốn nhấn mạnh tính độc đáo của bộ sách, cái công phu của người viết, để giới thiệu với bạn đọc một bộ sách đáng xem, đồng thời cũng để biểu dương sự cần cù, quả cảm của tác giả, là đã làm một việc có ích cho cả sử học lẫn văn chương, trong tình hình có sự giảm sút số lượng người đọc nên rất khó khăn trong việc phát hành này.

Xin được nói thêm rằng, tác giả có một ý định về bổn phận riêng tư bên cạnh những mục đích chung, như ông đã có lời đề từ ở trang đầu sách, là tác phẩm được viết để “Kính dâng lên bàn thờ cao tổ phụ Nguyễn Văn Tường” với lòng thành của tác giả (một người thuộc hậu duệ thế hệ thứ 5). Điều đó có làm cho người đọc nghi ngờ về tính khách quan của bộ sách hay không? Chính cách viết xem trọng việc khảo cứu sử liệu của tác giả đã giải tỏa điều đó. Hơn thế nữa, người viết bộ sách này cũng muốn thể hiện cái đạo hiếu nghĩa của người đời nay đối với người xưa. Đó là một việc đang rất cần cho đời nay, để chúng ta có được một tấm gương lịch sử trong trẻo mà soi lại việc xưa, nhằm làm sáng rõ cho cuộc sống đời nay. Giữ bổn phận chính đáng với tổ tiên của mình cũng là một cách góp phần hun đúc cho tình yêu Tổ quốc.

Như thế thì bộ sách này đáng mua và đáng đọc lắm.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo