Trong một chương trình tiếng Tây Ban Nha ăn khách của kênh Univision, MC Rodner Figueroa đã ví bà Michelle Obama “giống dàn diễn viên trong phim Hành tinh khỉ”. Dù ngay sau đó, Rodner Figueroa đã gửi thư xin lỗi đến bà Michelle và cũng phủ nhận cáo buộc anh phân biệt chủng tộc nhưng mọi thứ đã quá muộn.
“Những lời bình luận khiếm nhã về đệ nhất phu nhân Michelle Obama của Rodner Figueroa trong chương trình El Gordo y La Flaca không phản ánh đúng giá trị, quan điểm của Univision. Vì vậy, chúng tôi đã quyết định sa thải MC ngay lập tức” - đại diện phát ngôn của Univision tuyên bố.
Univision là kênh tiếng Tây Ban Nha lớn nhất tại Mỹ và El Gordo y La Flaca là chương trình đang ăn khách của Univision. Rodner cũng là MC sáng giá và từng đoạt giải thưởng Emmy về người dẫn chương trình.
Việc những MC bị sa thải vì phát ngôn không chuẩn của mình chẳng phải là chuyện hiếm. MC chương trình Breakfast của đài truyền hình New Zealand TVNZ Paul Henry đã phải trả giá cho thái độ thiếu tôn trọng của mình đối với nữ Bộ trưởng Bộ Giao thông Ấn Độ khi phát âm sai nhiều lần tên bà là Sheila Dikshit thành Sheila Dixit. Không những thế, MC này còn cố tình nói với khán giả rằng đó là cái tên rất hợp với bà bộ trưởng vì bà là người Ấn Độ. Trò đùa của Paul Henry khiến các quan chức New Zealand và Ấn Độ phẫn nộ. Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã triệu tập các ủy viên cao cấp của New Zealand để bày tỏ sự phản đối chính thức. Chính phủ New Zealand đã phải lên tiếng xin lỗi và Paul Henry đã phải về vườn ngay sau đó.
MC đài truyền hình Ý, Beppe Bigazzi, đã bị sa thải khỏi chương trình La Prova del Cuoco, phiên bản của Ý về Ready Steady Cook của BBC sau khi khen thịt mèo “ngon hơn thịt gà, thịt thỏ và thịt bồ câu”. Câu nói hớ của Bigazzi được phát ra trong cuộc thảo luận về cách người ta ăn thịt mèo thế nào vào thời điểm khó khăn sau chiến tranh thế giới thứ hai.
Ở Việt Nam, cho đến nay chưa có MC nào rơi vào tình trạng có phát ngôn “dậy sóng” như những trường hợp nói trên. Tuy nhiên, thỉnh thoảng trong nhiều chương trình, MC gây ra “thảm họa” trong lời ăn tiếng nói cũng không phải ít. Câu nói “dành một tràng pháo tay cho các thí sinh và chia sẻ với đồng bào bị cơn bão Hải Yến đi qua” của MC Yumi Dương trong chương trình Giọng hát Việt 2013 là một ví dụ.
Ở những quốc gia phương Tây, nơi luôn đề cao sự tự do cá nhân, trong đó có tự do ngôn luận thì việc phát ngôn của mỗi cá nhân cũng đòi hỏi phải lựa lời. Đặc biệt khi họ là người của công chúng. Trong khi ở Việt Nam, phát ngôn gây sốc của giới showbiz lại trở thành mục đính quảng bá bản thân.
Những phát ngôn ngông cuồng luôn gặp phải phản ứng gay gắt từ công chúng. Thế nhưng, phản ứng ấy chẳng đủ răn đe những người luôn theo đuổi mục đích nổi tiếng không bằng tài năng. Nếu hành vi sai phạm như ăn mặc hở hang trong biểu diễn bị phạt thì có lẽ những phát ngôn thiếu đứng đắn, tri thức và không phù hợp văn hóa cũng cần bị răn đe bởi có những câu nói vô thưởng vô phạt nhưng có những câu nói có tác hại lâu dài.
Bình luận (0)