*Phóng viên: Chọn kịch bản Chiến binh (tác giả: nhà văn Chu Lai) để dàn dựng vở cải lương diễn khai trương nhà hát mới mang tên Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang mà đơn vị ông sẽ tiếp nhận. Sức hấp dẫn gì ở kịch bản Chiến binh khiến ông đi đến quyết định như vậy?
- Đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu: Tác phẩm được dàn dựng theo chỉ đạo của UBND TP HCM nhằm chào mừng sự kiện trọng đại là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong không khí hào hùng của những ngày cuối tháng 4 lịch sử, tác phẩm này dù đã từng được dàn dựng kịch và chèo nhưng khi soạn giả Hoàng Song Việt chuyển thể sang kịch bản cải lương, sự mượt mà, mềm mại trong cách chuyển hóa tính cách, tâm lý nhân vật là những người sinh ra và lớn lên trên quê hương Nam Bộ đã tạo cảm xúc cho tôi. Có nhiều kịch bản để lựa chọn khi dựng về người lính nhưng tôi bắt gặp ở kịch bản của nhà văn Chu Lai một điểm nhấn độc đáo, đó là bóc trần những trạng thái tâm lý của người lính một thời là chiến binh, vào sinh ra tử, không sợ chết, chỉ sợ mất nước thì khi sống trong thời bình lại có người yếu hèn trước đồng tiền. Nhà văn Chu Lai viết về sự tha hóa của người lính, của đảng viên ngay khi họ còn là chiến binh, sự tha hóa đó nếu không dập tắt từ trong bom đạn, nó sẽ phun trào, tiếp tục hại nước, hại dân. Tuy nhiên, đồng đội của những chiến binh trong thời bình đã không đầu hàng những kẻ tha hóa đó, có thể họ giỏi ngụy trang để mưu cầu danh lợi nhưng cái giá phải trả rất lớn: Không xứng đáng được gọi chiến binh của một dân tộc anh hùng.
*Vở diễn dự kiến dàn dựng thể nghiệm trên sân khấu hiện đại của nhà hát mới nhưng giới nghệ sĩ quan ngại rạp Hưng Đạo sau khi được xây mới chính thức mang tên Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đến nay vẫn chưa khánh thành vì còn nhiều hạn chế?
- Chính vì thế mà 3 suất diễn sắp tới của Chiến binh sẽ dời lại và diễn tại Nhà hát TP vào các ngày 8, 9 và 10-5 (kế hoạch cũ là các ngày 29, 30-4 và 1-5). Còn Sân khấu Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, chúng tôi phải rà soát lại các hạng mục của công trình, sau đó báo cáo, kiến nghị sửa chữa như thế nào cho phù hợp. Ban dự án xây dựng công trình này đã rất thiện chí cùng chúng tôi tìm cách khắc phục.
*Làm sao để hấp dẫn khán giả đến nhà hát sau khi vở diễn này đã hoàn thành 3 suất diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị?
- Đó là điều nan giải mà tôi phải đối mặt. Tôi và các đạo diễn có tâm huyết với nghề như: NSƯT Hoa Hạ, NSƯT Thanh Điền...luôn đặt mình vào vị trí một “chiến binh” trên mặt trận văn hóa nghệ thuật hiện nay. Bởi, chung quanh chúng tôi đều là áp lực, khó khăn trăm bề. Với kịch bản này, thủ pháp dàn dựng của chúng tôi là giảm tối đa những hiệu triệu vốn làm cho kịch bản đề tài cách mạng bị xem là khô khan; từng lời ca, câu thoại phải bám sát hơi thở cuộc sống và sự cảm nhận của khán giả về người lính. Hình thức thể hiện không gian với màn ảnh 3D, ánh sáng khắc họa những cánh rừng sâu thẳm, những con suối, dòng sông in dấu những chiến binh oai hùng đã hiên ngang xông pha bảo vệ từng tấc đất, chủ quyền dân tộc. Tuyến nhân vật thiện ác, tốt xấu đối nghịch nhau và người xem được đặt vào vị trí phán xét để tìm sự đồng cảm. May cho tôi là dàn diễn viên trẻ rất năng động. NSƯT Trọng Phúc vào vai Sáu Thành ghi dấu ấn tượng mới mẻ, vai chiến binh của anh hiên ngang, chất chứa nhiều nỗi niềm về phẩm chất người lính, về sự tha hóa mà chính người lính không nhìn thấy để dừng lại. NSƯT Quế Trân đóng vai Út Vân duyên dáng; Kim Luận sau khi lãnh giải Chuông vàng vọng cổ 2013, đầu quân về Nhà hát Trần Hữu Trang đã tỏa sáng qua vai Diệu Hương; Lê Tứ lần đầu đóng vai phản diện, khác hẳn với các số phận mà anh đã từng trải nghiệm; NSƯT Tấn Giao và nghệ sĩ Điền Trung đã diễn rất tốt vai của mình.
*Sau vở Chiến binh, ông có kế hoạch biểu diễn hướng tới công chúng?
- Vở Chiến binh dàn dựng cũng hướng đến công chúng bằng cách chúng tôi hạn chế phát vé mời và có chiến lược quảng bá tốt để bán vé cho khán giả thực sự yêu thích cải lương đến với tác phẩm của nhà hát. Ba đoàn trực thuộc nhà hát đã hợp nhất nguồn diễn viên, không còn chia cách nhân sự, tài sản đoàn nào thì đoàn nấy giữ như trước đây. Cách làm này giúp tôi cơ động nguồn diễn viên và đội ngũ nhân viên kỹ thuật. Kế hoạch dàn dựng vở diễn hướng đến công chúng sẽ tập trung vào việc tạo đất diễn cho dàn diễn viên trẻ. Bên cạnh đó, mời các ngôi sao sân khấu, ngay cả các nghệ sĩ hải ngoại tham gia biểu diễn. Rất mừng là thế hệ “nghệ sĩ vàng” của sân khấu cải lương đã vào cuộc với chúng tôi. Sàn diễn mang tính thể nghiệm của khán phòng thứ hai sẽ đi vào khai thác những kịch bản cải lương được dàn dựng bằng hình thức mới. Nhà hát cũng đã làm đề án xin khôi phục lại Trung tâm Nghiên cứu nghệ thuật cải lương, qua đó định hướng chuẩn mực cho bộ môn này để công tác đào tạo của nhà hát đi vào khả thi. Lâu nay, đào tạo đại trà khiến chất lượng không cao. Cải lương cần có những “chiến binh”, đối mặt với khó khăn nhưng không nản lòng.
Để khai thác tốt nhà hát mới, theo đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu, câu trả lời cần cả tập thể “chiến binh”, chứ mình ông cũng khó có thể trả lời thấu đáo. “Duy trì hai sàn diễn sáng đèn đã khó, tìm kịch bản đúng tầm lại càng nan giải. Tuy nhiên, chúng tôi từng bước khắc phục với ý chí quyết tâm cao. Tôi đã kiến nghị nhà nước cấp kinh phí để duy trì hoạt động trong thời gian đầu vì để khán giả có thể đến với cải lương, giá vé không thể quá cao” - Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cho biết. Đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu cho rằng trước hết, cần dàn dựng mới những tác phẩm của tác giả Trần Hữu Trang bởi nhà hát mang tên ông mà lâu nay kịch bản của ông đều do các đơn vị xã hội hóa dựng. “Tôi có nhiều học trò là đạo diễn trẻ, họ cũng hăm hở lao vào khai thác kịch bản cải lương, chọn những vở kịch để chuyển thể và đặt hàng tác giả hướng đến những vấn đề công chúng quan tâm. Nghĩa là cải lương phải đi theo khuynh hướng của NSND Năm Châu, diễn xuất Thật và Đẹp. Các chuyên đề sân khấu, live show mini của những nghệ sĩ tài danh trong và ngoài nước sẽ được dàn dựng. Các vở diễn khai thác cải lương hài, thể loại mà kho tàng kịch bản từ dân gian đến hiện đại rất nhiều nhưng bị quên lãng” - ông Giàu nói.
Bình luận (0)