xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cải lương chi bảo Bạch Tuyết

Theo Lê Huyền Ái Mỹ (Phụ Nữ TPHCM)

Đêm xuống. Trăng lên. Nến thắp đầy. Đoàn cung nữ lặng lẽ men theo con đường trúc. Trong tiếng trống chầu, vang đâu đó là thanh âm của sáo, tiêu, phủ một màu u tịch, cổ kính, bà Thái hậu được cung nghinh để tiến về đình thủy tạ...

"Đã ngàn năm trôi qua, sao dời vật đổi mà ta vẫn không thể nào quên tiếng chuông báo tử của buổi chiều hôm đó..." (Hoàng hậu của hai vua - Lê Duy Hạnh). Tiếng của ngàn xưa vọng về, lặn vào sóng nước, tỏa khắp trời mây... Phút chốc, đất - trời - người như chỉ còn là một. Vô cùng. Thinh không.

Sĩ Hoàng đứng một góc sau tàng tre, như thu hết cái khung cảnh, cái âm thanh huyền diệu kia vào trong cảm xúc ngất ngây không phải chỉ của một chàng họa sĩ tài hoa mà còn bằng trái âm mẫn cảm, tha thiết của một khán giả.

Sáu năm về trước, cũng hình ảnh này, cũng giai điệu này, ngay tại hậu cung Diên Thọ (Huế), Sĩ Hoàng như mê say bởi lần diện kiến hai mươi phút "thiết triều" của Thái hậu Dương Vân Nga. Sáu năm sau, ngày 12-11-2011, xúc cảm đó đã được anh nâng niu, thăng hoa ngay trên mảnh đất nhà vườn Long Thuận (Q.9 - TPHCM) của mình.

Tiếng vỗ tay kéo dài, lan tỏa khắp mặt hồ. Thái hậu Dương Vân Nga "bãi triều”, lui về "hậu cung”. Trút bỏ xiêm y, một vệt băng trắng bó chặt bờ vai còn nặng mùi thuốc nam. Quên cả đau, "bà Thái hậu" rạng rỡ, lâu lắm rồi mới được một đêm như thế này...

Nghiệp ca cầm

Với nghề, Bạch Tuyết được xem là Tổ đãi. Chạm ngõ năm mười sáu tuổi. Hai năm sau, được đệ nhất danh ca  Út Trà Ôn mời về đoàn Thống Nhất để rồi cuối năm 1963, đoạt ngay giải Thanh Tâm triển vọng. Hai năm sau, đoạt giai Thanh Tâm xuất sắc.
Một đêm tại rạp Quốc Thanh, sau khi xem Bạch Tuyết diễn Xe cát biển Đông, soạn giả Hoa Phượng đã nói với soạn giả Kiên Giang: "Bạch Tuyết là cải lương chi bảo, cô này có biệt tài sáng tạo và thông minh, còn tiến xa nữa nếu diễn những vai khó hơn".
Tước hiệu cao quý đó đã ấn chứng một vị trí Bạch Tuyết trong làng nghệ thuật cải lương từ đó mãi về sau.
img
Cải lương chi bảo Bạch Tuyết trong vai Thái hậu Dương Vân Nga. Tranh: Đào Quang Huy
Không sắc nước hương trời như Thanh Nga tiểu chủ; chẳng là giọng ca nhung căng lụa trải như quái kiệt Ngọc Giàu, Bạch Tuyết vốn có làn hơi không dài nhưng sang cả và... quyến rũ. Cái vóc dáng ngũ đoản lại biết tạo nên những đường nét - hình thể chuẩn mực trên sân khấu.
Sinh thời, trong một buổi lên lớp tại Trường Nghệ thuật Sân khấu 2, NSND Phùng Há đã nhận xét nếu để xem và nghe thì đó là Thanh Nga, nếu để học dứt khoát là Bạch Tuyết.
Khi Nhịp đã nằm trong máu, Điệu (thức) trở thành hơi thở, Trình thức (vũ đạo) thiết kế cho mọi sự chuyển động và vận động thì cái còn lại - nghệ thuật diễn xuất - chứng minh một nội lực sáng tạo, một năng lượng phát kiến dồi dào, bất tận của Bạch Tuyết.
Trong “thế hệ Vàng" của mình, cùng với NSND Diệp Lang, Bạch Tuyết đã đạt được giá trị nghệ thuật bậc thầy của sự Diễn trong Ca và Ca trong Diễn. Cái khoảng cách từ thoại đến nói lối gối bài ca được xử lý tinh tế, điêu luyện.

Đặc biệt, sự chủ ý khai thác các dấu huyền - nặng trong ca lòng bản cộng với chất giọng quãng tám đã mặc sức lên cao - xuống thấp, tạo nên những dấu nhấn trong ca rất... Bạch Tuyết. Chính điều này đã giúp Cải lương chi bảo độc tôn bài Xế xảng - thuộc Bản Oán - với những độ thăng giáng bậc cao.

Gia sản nghệ thuật của Bạch Tuyết không nhiều về số lượng mà là chất lượng. Những vai diễn, những vở diễn đã trở thành “di sản sống" của nghệ thuật ca kịch cải lương. Một Lê Thị Trường An, một cô Tần rồi đến Kiều Nguyệt Nga, Dương Vân Nga, Thúy Kiều, cô Lựu, Hàn Ni... Có thể nói, cho đến nay, nhiều vai diễn trong số vừa kể đã trở thành những "chuẩn mực" cho các nghệ sĩ kế thừa.
img
Thầy và trò trong giờ thị phạm. Ảnh: Phùng Huy
Một trong những điểm son tạo nên cái chuẩn mực ấy chính là nghệ thuật xử lý thân đoạn tuyệt vời của Bạch Tuyết.
Trong Thái hậu Dương Vân Nga, cảnh độc thoại cùng hàng gươm giáo là một minh chứng. Các thủ pháp biểu diễn đều có sự kết nối, liền lạc và mang tính biểu tượng cao. "Chém núi. Bạt rừng. Khơi sông. Ngăn lũ Đá chuyển mình thành dao rựa thô sơ. Kỷ Văn Lang lớn mạnh đến không ngờ. Đời thịnh trị hai ngàn năm phẳng lặng” (Thái hậu Dương Vân Nga - Hoa Phượng - Trúc Đường).
Cái thần toát lên từ dáng đứng, bước đi chính là vì trong mỗi động tác di chuyển là sự kết hợp giữa trình thức ước lệ và tâm lý nhân vật một cách nhuần nhuyễn, tài hoa. Về sau, khi tiếp tục khai thác hình tượng nhân vật lịch sử này trong Hoàng hậu của hai vua, lợi thế độc diễn đã cho phép Bạch Tuyết mặc sức "vẫy vùng" trong thế giới "diễn kịch một mình".

Và ngay khi người ta tưởng Bạch Tuyết (và nhiều nghệ sĩ cùng thế hệ) đã an vị trong lâu đài nghệ thuật của mình thì bất ngờ, Cải lương chi bảo thoát khỏi những cung điện, thành quách lộng lẫy kia, phiêu lưu và thách đố trên sân khấu cải lương thử nghiệm.

Không lâu trước ngày đi xa, trong một dịp trò chuyện thân tình, soạn giả Hoa Phượng đã nhắn gửi mấy lời với tác giả Lê Duy Hạnh, cả tôi và ông, xem chừng phải viết hay làm một điều gì đó để có chỗ cho Bạch Tuyết vẫy vùng chứ không thì...
Cặp kính cận ấy nửa đăm chiêu nửa ưu tư. Những nhân vật mà ông trao tặng cho Bạch Tuyết đã sừng sững trong lòng công chúng, há chưa đủ để ông thỏa mãn khi nhìn nhận một tài năng?
Và Lê Duy Hạnh đã giữ lời với bạn. Những tác phẩm Hoàng hậu của hai vua, Diễn kịch một mình, Độc thoại đêm, Trần Nhân Tông... liên tục ra đời. Cũng từ dạo ấy, Lê Duy Hạnh không còn cô độc trên hành trình thử nghiệm. Cũng từ khởi nguồn đó, Bạch Tuyết - một cõi đi về - thỏa sức vẫy vùng trong thế giới độc diễn. Một giờ mười lăm phút - Hoàng hậu của hai vua. Một tiếng mười phút - Diễn kịch một mình... sàn diễn chỉ là mặt nạ, lồng sắt, sân khấu là  hai đỉnh đồng và một dải lụa trắng.
Không cực đoan bài xích thế giới vật chất như những nhà sân khấu phản kịch (Anti - theater), nhưng sự tiết chế, giản lược các đạo cụ, đưa không gian tả thực về không gian tả ý với việc khai thác ưu thế ngôn ngữ ước lệ đã thật sự vẽ nên một xu thế biểu diễn hiện đại mà truyền thống.
Trên nền tảng của sân khấu ca kịch  dân tộc, tính chất tâm lý trữ tình của hệ Stanhilapski và tính gián cách của B.Brech đã thật sự hài hòa và uyển chuyển trong thế giới kịch nghệ mang tên Bạch Tuyết - Lê Duy Hạnh.
“Một dấu son trong đời làm nghề của bà, đó sẽ là...?”.  Bạch Tuyết khoát tay, bật dậy, thần thái toát lên từ dáng đi, giọng nói: “Ta đứng đây đã thấy ngã ba sông. Chảy trong óc trong tim trong trang sử tiên rồng. Thuyền xã tắc phân vân bề tiến thoái. Đất nước hỏi ai xứng là gạch nối đế gắn liền hãnh diện giữa xưa - sau. Để cho ta trang trọng khoác long bào. Ngôi cửu ngũ từ nay đà có chủ..." (Thái hậu Dương Vân Nga).
Phút chốc, không gian nhỏ bé này như tan đi, thời gian đang tất bật này bỗng vỡ ra, còn lại một thể phách, một tinh anh luôn thao thức, luôn mãnh liệt vì nghề, hơn thế là nghiệp và cao nhất, ấy là đạo.

Nghề truyền nghề

Năm 2011, ở tuổi sáu mươi sáu, NSƯT - tiến sĩ nghệ thuật Bạch Tuyết chính thức làm thầy, bà nhận lời giảng  dạy cho lớp Cải lương K30, hệ trung cấp, Trường Cao đẳng Văn hóa TPHCM. Nhiều năm qua, xen kẽ giữa lịch biểu diễn là những chuyến tập huấn, nâng cao nghề nghiệp cho các diễn viên chuyên nghiệp trên toàn quốc.

Họ tíu tít gọi bà là thầy nhưng bà không chịu nhận. “Hồi trước, người ta sắp xếp thời gian thuận tiện nhất cho mình để mình đến nói đôi điều ba chuyện về nghề. Vậy thôi! Bây giờ thì, ngoại trừ hè và nghỉ Tết, còn lại thầy trò miệt mài ba buổi trong tuần. Rất công chức. Thiệt tình thì tôi cũng... bắt chước má Bảy Phùng Há thôi, dạy là học, với nghệ thuật thì biết thế nào là đủ!".

img
Diễn kịch một mình cho cả cõi nhân sinh. Ảnh: M. Châu

img
NSƯT Bạch Tuyết và NS Tấn Tài. Ảnh: Huỳnh Công Minh
Còn nhớ, ngày đầu tiên nhận lớp, bà được giáo viên chủ nhiệm “đặt hàng" phải nghiêm khắc với học trò, cấm nghe điện thoại trong lớp, cấm trễ giờ, cấm đi sô... Bà cũng được yêu cầu trình giáo án giảng dạy cho nhà trường.
Giờ học đầu tiên, bà để học trò viết về bản thân, về nguyện vọng học nghề, theo nghề, viết về những nghệ sĩ tiền bối mà bà gọi là những Tổ nghề.
Đêm đầu tiên làm thầy, bà mất ngủ. Những nét chữ nguệch ngoạc, đầy lỗi chính tả nhưng lại cố gắng nắn nót viết hoa những cái tên Năm Châu, Tư Trang, Phùng Há, Kim Cúc, Ba Vân, Tám Danh, Tám Vân, Thanh Nga... Những trang giấy học trò chở theo bao nỗi nhọc nhằn, cơ cực lại luôn lóe lên tia sáng mê nghề, quyết tâm học để được ca, được diễn.
Thế là gác hết những chuyến lưu diễn, du lịch dài ngày, bỏ luôn cả cái thói quen ngủ trễ để dậy sớm và chen chân giữa dòng xe cộ mỗi sáng, mỗi chiều. Những buổi trưa, bà đặt luôn hai mươi phần cơm cho học trò, dặn thêm cá, thêm thịt, trò ăn xong còn tranh thủ ngủ trưa tại lớp để có sức mà giữ trường lực trong ca trong diễn. Tiền lương dạy học của thầy cũng vừa đủ cho bữa ăn tập thể của trò.
Bà đưa ra một loạt “yêu sách” với Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, đơn vị phối hợp đào tạo: Lắp đặt một "bức tường" bằng kính để sinh viên được thấy mình, thấy bạn trong giờ học vũ đạo mà kịp thời uốn nắn, điều chỉnh; sắm một dàn âm thanh để sinh viên "nghe" được tiếng mình trong tiếng đờn, dàn đờn mà đếm nhịp, giữ nhịp làm chủ nhịp và hơi; mọi suất hát, biểu diễn của nhà hát nên dành một vài vị trí cho sinh viên để các bạn cọ xát sàn diễn, làm quen với công chúng...
Thời may, ông giám đốc nhà hát gật đầu cái rụp. "Dạy làm sao để các em quên nghe điện thoại, nhắn tin; dạy làm sao mà các em háo hức đến lớp, đó là công việc của các thầy cô chúng tôi. Còn chạy sô ngoài giờ học hay một vài buổi trong giờ học vì sự chẳng đặng đừng thì cũng phải chấp nhận, vì đó là nguồn nuôi sống của các em. Không có tiền thì mọi ước mơ, đam mê đều khốn khổ!”. Câu trả lời ngay trong ngày đầu nhận lớp, Bạch Tuyết đã thực hiện được.
img
Và đó là những buổi học không nhẹ nhàng. Chẳng có những lời ngọt ngào, những câu ve vuốt. Mọi sáng tạo nghệ thuật đều được dưỡng nuôi từ một trái tim mẫn cảm, chân thành và... tỉnh táo.
Nghệ thuật ca kịch cải lương - qua Bạch Tuyết đã mang theo cái hiểu biết lịch lãm của NSND Nguyễn Thành Châu; nét tài hoa quyến rũ của NSND Phùng Há; vẻ nghiêm cẩn, mô phạm của NSƯT Kim Cúc; tính mực thước mà bay bổng của nghệ sĩ Tám Vân và những người thầy đã “chinh chiến" cùng  bà qua mỗi giai đoạn học  nghề - làm nghề từ soạn giả Hoa Phượng, đạo diễn Lưu Chi Lăng đến tác giả Lê Duy Hạnh, họa sĩ - NSND Lương Đống, nhạc sĩ - NSƯT Thanh Hải... để mỗi ngày, mỗi buổi thấm vào hồn vía, cốt cách của lớp nghệ sĩ hậu sinh.
Cộng thêm những tri thức góp nhặt qua bốn năm dùi mài ở Học viện Kịch nghệ Hoàng gia London (nơi NSƯT Bạch Tuyết bảo vệ luận án tiến sĩ), kết hợp thành một phương pháp truyền nghề - sư phạm giá trị, hiệu quả.
Chưa kể, bà ôm trọn những câu chuyện nghề của một thời vàng son với Thanh Hương, Thanh Nga, Ngọc Giàu, Thành Được, Hùng Cường, Diệp Lang, Thanh Sang, Diệu Hiền, Lệ Thủy, Minh Vương, Thanh Tuấn... mà thị phạm trên sàn tập. Thị phạm ca, thị phạm diễn, thị phạm trình thức, một buổi dạy bằng ba buổi diễn bởi nói, hát, múa, (chưa kể la mắng đập bàn!) và đào sâu thế giới nội tâm, tính cách nhân vật để học trò nắm bắt đường dây, tuyến kịch...
Giáo trình đứng lớp của bà chính là năm mươi năm trên sàn diễn với bao tâm huyết, bao nỗi niềm, bao vinh quang lẫn nhọc nhằn; bà truyền lửa, tiếp sức cho hai mươi gương mặt tươi trẻ, háo hức...
Đi qua bấy nhiêu thăng trầm, chìm nổi của chuyện đời, chuyện người là những câu chuyện nghề với đầy đủ cung bậc hỉ - nộ - ái - ố. Họ - những nữ nghệ sĩ tài năng tiêu biểu của bốn loại hình tuồng – chèo – kịch nói – cải lương – đã góp phần tạo nên cái hồn cốt tinh túy của nền nghệ thuật truyền thống – văn hóa dân tộc.

Trong căn phòng rộng 40 m², trước tấm kiếng lớn, NSƯT Bạch Tuyết soi từng động tác vũ đạo, ca để “nghe” lại từng câu thoại, nói lối, bài ca. Mỗi cái đưa tay lên cao, nghiêng vai qua phải, bước chân lên phía trước... đều được lặp lại một cách chính xác, nghiêm cẩn. Bà là thế, những vai đã diễn cả ngàn suất nhưng trước mỗi giờ hát, luôn hồi hộp, luôn phấn khích...

Sáu giờ chiều, bà lại ngồi vào bàn trang điểm, cái thói quen của hơn năm mươi năm để tô son điểm phấn. Xiêm áo chỉnh tề, bà khẽ gõ một hồi chuông, thắp một nén nhang lên bàn thờ Phật, thờ tổ tiên, tổ nghề trước khi rời nhà... Hôm nay là ngày giỗ Tổ nghề Sân khấu.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo