Không bằng sân khấu kịch nói nhưng so với năm trước, sàn diễn cải lương năm nay có thể cho khán giả vài lựa chọn khi đề cử Giải Mai Vàng 2012.
Nhiều vở diễn đáng xem
Chương trình Ngân mãi chuông vàng của HTV đã dựng nhiều vở. Trong số đó, Tìm lại cuộc đời do NSND Trần Ngọc Giàu đạo diễn có bố cục chắc gọn, tạo nhiều đất diễn cho các diễn viên trẻ. Trung tâm Tổ chức Biểu diễn và Điện ảnh TPHCM với vở Ký ức mùa Xuân (tác giả: Quốc Khánh, đạo diễn: Diệu Đức) được dàn dựng trên một tứ thơ rất lãng mạn với hình ảnh đảo mai vàng rực, chở nặng hồn quê khi máu của những người tử tù thấm sâu vào từng thớ đất. Bố cục vở chắc gọn, giàu biểu cảm. Các tình huống vở diễn đẩy khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác qua tài năng ca diễn của các nghệ sĩ.
Hai vở lịch sử tạo được uy tín với khán giả là Má hồng soi kiếm bạc (tác giả: NSND Thanh Tòng, đạo diễn: NSƯT Kim Tử Long) và Chất ngọc không tan (tác giả: Trương Huyền, đạo diễn: NSƯT Ca Lê Hồng), mang lại những gam màu rực rỡ, đúng hương vị của cải lương xưa. Hai vở diễn này còn đáng nhớ bởi các tình huống từ chuyển cảnh cho đến phục hiện đều được đạo diễn khai thác vũ đạo và võ thuật.
Nghệ sĩ Bạch Long dựng 3 vở sử do anh sáng tác: Tiểu anh hùng Nam quốc, Nam quốc sơn hà, Nữ tướng Bùi Thị Xuân. Trong đó, vở Nam quốc sơn hà tạo ấn tượng bởi các tình huống lôi cuốn khán giả, vũ đạo của các diễn viên được phối hợp nhuần nhuyễn. Ngoài ra, 2 vở cải lương hài pha bi: Cưới vợ năm rồng (tác giả - đạo diễn: Nguyên Đạt) diễn tại rạp Nam Quang và Mối tình Lương Chúc (tác giả và đạo diễn: Trương Văn Trí) diễn tại rạp Công Nhân cũng đã thu hút không ít khán giả.
Cơ hội của đào, kép trẻ
Chính vì có nhiều vở diễn nên các nghệ sĩ trẻ đều có đất diễn. NSƯT Quế Trân và Kim Tử Long có 2 vai hay (Triệu Thị Trinh và Đinh Vạn Ứng) trong vở Má hồng soi kiếm bạc. Lê Văn Gàn diễn vai người gù trong vở Khi rừng mới sang thu gây xúc động cho khán giả nhờ hóa thân tốt vào số phận bi thảm của nhân vật. Võ Minh Lâm có vai thái tử Ngũ Châu trong vở Đường gươm Nguyên Bá mới mẻ, dũng mãnh. Bùi Trung Đẳng có thêm một dấu ấn mới khi diễn vai Huy Bình bên cạnh Hương đằm thắm, dịu dàng của Như Huỳnh trong vở Tìm lại cuộc đời.
Với đề tài xã hội, nghệ sĩ Quỳnh Hương gieo nhiều cảm xúc khi diễn vai bà mẹ trong vở Tiếng vạc sành, nội tâm nhân vật giằng xé đến tột cùng. Lê Tứ có đến 2 vai diễn hay, đó là Đức (vở Sám hối) và Hiền (vở Ký ức mùa xuân). Hai số phận, 2 tính cách khác nhau là sự thăng hoa trong cảm xúc khiến khán giả say mê. Mỹ Hằng có thêm vai Phương trong vở Sám hối, một cô gái bị mù, gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống. Điền Trung diễn vai Hậu nghiện ma túy, là tác nhân gây nên bi kịch cho mẹ mình trong vở Tiếng vạc sành, đã cho thấy một bước chuyển bản lĩnh của anh trong 2 năm qua.
Điều đáng ghi nhận là sự nỗ lực hết mình trong việc tìm lại sự chuẩn mực trong ca diễn của các nghệ sĩ trẻ. Họ đã nói không với nạn hát nhép trên sân khấu cải lương và chính vì thế, vai diễn của họ trở nên sinh động, lung linh đầy cảm xúc.
Một số vai diễn cải lương tiêu biểu khác
NSƯT Phương Hồng Thủy vai Phi Yến (vở Chất ngọc không tan)
Nghệ sĩ Kiều Phượng Loan vai hoàng hậu (Khi rừng mới sang thu)
Nghệ sĩ Hồ Ngọc Trinh vai nữ chúa (Khi rừng mới sang thu)
Nghệ sĩ Võ Thành Phê vai Trần Hoàng Sơn (Ký ức mùa Xuân)
Nghệ sĩ Vũ Luân vai người cha (Cội nguồn)
Nghệ sĩ Tú Sương vai cô gái (Cội nguồn)
Nghệ sĩ Bạch Vân Thanh vai Trần Quốc Toản (Tiểu anh hùng Nam quốc)... |
Bình luận (0)