Tối 20-5, trời mưa tầm tã, rất nhiều tuyến đường bị ngập nước nhưng khán giả trẻ vẫn kéo đến đông đảo tại Nhà hát kịch TP HCM để thưởng thức vở diễn "Cô gái Đan Mạch" do các bạn sinh viên Đại học Mở TP HCM trình diễn hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Chàng họa sĩ bỗng nhiên biến đổi sau một sự nhờ vả của chính người vợ? Cái tên LiLy cũng chỉ do cô bạn người mẫu tình cờ nghĩ ra.
Họa sĩ tài năng Einar Wegener rất ngần ngại khi cô vợ Gerda nhờ mặc quần áo nữ để làm mẫu cho bức chân dung mà cô vẽ dở, nhưng anh rốt cuộc vẫn chiều theo ý vợ. Trong áo quần phụ nữ quả thật Einar có vóc dáng rất phù hợp. Từ đó, Einar tiếp tục làm mẫu vẽ cho vợ vẽ những bức chân dung cô gái Đan Mạch Lily, để rồi vài năm sau, người họa sĩ này thường xuyên ăn mặc như phụ nữ ngay cả khi không ở xưởng vẽ. Einar đã cố gắng kiềm chế Lily đang trỗi dậy mạnh mẽ trong anh nhưng không thể.
Anh chàng đi dự tiệc trong trang phục phụ nữ
Cô gái Đan Mạch quý phái có tên Lily ban đầu chỉ là một ý tưởng tinh nghịch nhưng cuối cùng đã hiện ra bằng xương bằng thịt. Đó không phải đơn giản là một chân dung hay một số phận mà là nỗi khát khao thét gào đòi được là chính mình. Hành trình dũng cảm tìm đến gương mặt thật của người đàn ông đầu tiên trên thế giới chấp nhận phẫu thuật chuyển giới khiến khán giả xúc động bất luận đó là cuốn sách gốc, phim, hay là kịch.
Không ngờ chàng họa sĩ đã thật sự lột xác hiện rõ cô gái bên trong
Để có thể viết được kịch bản trình diễn trên sân khấu Nhà hát kịch TPHCM, nhóm sinh viên Đại học Mở phải tìm đọc bản tiếng Việt cuốn "Cô gái Đan Mạch" và cả bản tiếng Anh cuốn hồi ký tiểu sử do chính Lili Elbe chắp bút, mang tựa đề "Man into Woman: The First Sex Change" rồi mới viết lại kịch bản sân khấu.
Mặc dù rất cố gắng kiềm chế nhưng Lily trỗi dậy quá mạnh mẽ và khao khát được sống là mình
Trang phục hợp lý, tình tiết kịch ngắn gọn, sắc nét, cao trào cảm xúc đủ để khán giả thương cảm trước bi kịch giằng xé nội tâm rất con người nhưng không rơi vào bi lụy, khóc lóc. Dàn diễn viên phải tập luyện ròng rã suốt mấy tháng trời, mặc dù là diễn viên không chuyên, lại phải thoại bằng tiếng Anh nữa nhưng các sinh viên đã vô cùng cố gắng để có được một đêm diễn hoàn hảo, không xảy ra bất cứ sai sót nào.
Lily cứng rắn đương đầu với nhiều ca phẫu thuật để được làm phụ nữ. Cho dù kết cục đau đớn khiến Lily phải chết, nhưng đối với cô, được làm phụ nữ một ngày trong đời đã đủ hạnh phúc rồi
Vở kịch văn học "nặng ký" nằm trong chương trình học tiếng Anh qua ngôn ngữ kịch do Khoa Văn học Anh Mỹ (Đại học Mở TPHCM) dàn dựng và biểu diễn. Phát biểu trước khi khai mạc vở "Cô gái Đan Mạch", PGS.TS Vũ Hữu Đức – phó hiệu trưởng trường Đại học Mở TPHCM cho biết rất vui mừng và đánh giá cao sự nỗ lực của các bạn sinh viên trẻ tuổi. Còn một vở diễn nữa của các bạn sinh viên "Brockback Mountain" sẽ trình diễn tối 27-5 tới, cũng tại Nhà hát kịch TPHCM.
PGS.TS Vũ Hữu Đức – phó hiệu trưởng trường Đại học Mở TPHCM cho biết rất vui mừng và đánh giá cao sự nỗ lực của các bạn sinh viên
Bình luận (0)