Nếu không có chỉ số này, người mẫu không được tham gia trình diễn catwalk lẫn tham gia các hoạt động làm mẫu quảng cáo. Đặc biệt, các công ty thuê người mẫu và quản lý trực tiếp của người mẫu siêu gầy sẽ phải chịu án phạt 6 tháng tù cùng với số tiền phạt là 75.000 euro. Chỉ số này phải được đo trước khi người mẫu vào làm việc và phải liên tục theo dõi.
“Đây là thông điệp quan trọng để gửi tới phụ nữ, đặc biệt là các cô gái trẻ xem người mẫu như một biểu tượng của sắc đẹp. Điều quan trọng đối với người mẫu là cần một chế độ dinh dưỡng có thể làm đẹp nhưng phải bảo đảm sức khỏe” - Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp Marisol Touraine nói. Ông Olivier Vera, người soạn thảo điều luật cấm người mẫu siêu gầy hoạt động, phát biểu trên tờ Le Parisien: “Sự xuất hiện của người mẫu siêu gầy như hình thức cổ vũ cho trào lưu suy dinh dưỡng và hoạt động khai thác mang tính thương mại những người đang đối mặt với mối nguy hiểm về sức khỏe. Chúng tôi đang tiến tới việc cấm những trang mạng khuyến khích các cô gái giảm cân, như bán thuốc giảm cân”.
Người mẫu siêu gầy đang là mốt trong nền công nghiệp thời trang thế giới hiện nay, trong đó có Pháp. Năm 2010, người mẫu thời trang người Pháp Isabelle Caro, 28 tuổi, đã chết ngay sau khi tạo dáng chụp ảnh cho một chiến dịch nâng cao nhận thức về căn bệnh biếng ăn. Việc chính phủ Pháp phải ban hành điều luật này bởi ý nghĩa lớn lao hơn thực trạng nhiều người mẫu siêu gầy trên thế giới lần lượt qua đời. Đó là cần báo động và ngăn chặn tình trạng giới trẻ học theo mốt gầy của người mẫu. Những thân hình cò hương khiến ai nhìn cũng phải lo ngại và thậm chí khiếp sợ lại trở thành biểu tượng hướng đến của một lớp trẻ yêu thích nghề người mẫu.
Trước Pháp, Tây Ban Nha đã ban hành quy định cấm người mẫu siêu gầy biểu diễn từ năm 2006 và năm sau là đến Ý. Dù nhiều nhà tạo mốt thời trang bảo thủ vẫn viện dẫn rằng: “Người mẫu phải khác hoa hậu và càng không phải người thường. Những cái chết đáng thương vì suy dinh dưỡng là do công chúng không phân biệt được chứng biếng ăn với diễn biến sinh lý của tuổi dậy thì”. Nhưng điều đó không thể thuyết phục khi những người mẫu gầy nhom liên tục đối mặt với những chỉ trích mạnh mẽ từ công luận.
Lệnh cấm người mẫu siêu gầy cũng gặp phải những phản kháng từ người trong giới. Hiệp hội Thời trang CFDA tại New York - Mỹ cho rằng việc cấm người mẫu quá gầy biểu diễn cũng không hiệu quả bằng biện pháp giáo dục để người mẫu ý thức phải giữ gìn sức khỏe.
Nhưng rõ ràng, không dành đất cho người mẫu siêu gầy là một biện pháp mạnh cần thiết và đáng làm bởi sự xuất hiện ngày càng nhiều những người mẫu “ốm đói” và một bộ phận lớn giới trẻ có những suy nghĩ sai lầm: gầy như người mẫu mới đẹp.
Công chúng đã không ít lần hãi hùng khi chứng kiến những “bộ xương khô” di chuyển trên sàn diễn thời trang, như: Karlie Kloss, Anja Rubik, Ji Hye Park, Hanne Gaby Odiele, Alana Zimmer, Marine Deleeuw hay Lê Thúy của Việt Nam.
Để bước chân vào thế giới người mẫu, giới trẻ theo đuổi nghề người mẫu được “dạy” phải khổ luyện bằng việc nhịn ăn nhưng năng luyện tập để có được chỉ số cơ thể chuẩn. Người mẫu Việt ngày càng đạt chuẩn quốc tế, tất nhiên, đó là những cô nàng “gió thổi bay mất”, như: Hoàng Thùy, Lê Thúy, Tuyết Lan, Kha Mỹ Vân… Tham vọng của các đơn vị “kinh doanh” người mẫu ở Việt Nam muốn đưa người mẫu của mình hội nhập làng thời trang thế giới nên đã áp đặt chế độ rèn luyện về hình thể người mẫu đến khắc nghiệt. Hậu quả là giới người mẫu Việt Nam ngày càng có nhiều thân hình gầy đến khiếp sợ. Trong khi thế giới nói không với người mẫu siêu gầy, có lẽ Việt Nam cũng cần có những quy định về chỉ số cơ thể người mẫu như thế giới đang làm, nhất là khi trào lưu theo đuổi hình thể siêu gầy của người mẫu thế giới đang ám ảnh giới người mẫu Việt Nam.
Bình luận (0)