Vậy mà ngày nay, tình trạng nhà xây, nhà bê tông ngày đang lấn lướt từ thành thị đến thôn, buôn, những ngôi nhà sàn dài truyền thống của đồng bào dân tộc bị “xóa sổ” dần trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Nhà sàn dài của đồng bào dân tộc Êđê Đắk Lắk làm bằng nguyên liệu của núi rừng: khung nhà bằng gỗ, xương mái, sàn bằng tre nứa, vách bao quanh nhà bằng tre nứa đập dập, đan kết lại hoặc thưng bằng ván. Kích thước nhà dài phổ biến là xà ngang dài từ 3,2 đến 3,4 m, cột cao 3,6 đến 4 m, lòng nhà rộng từ 4,5 đến 5,3 m.
Nhà dài nằm trong các buôn đều có đòn nóc nằm theo hướng Bắc - Nam, cửa ra vào và cầu thang lên xuống thường mở hai đầu hồi, tránh được gió Đông Bắc vào mùa mưa... Trước mỗi hiên nhà có cầu thang lên xuống, cầu thang có 7 bậc được làm bằng gỗ tốt, chủ yếu là cẩm lai, hương, rộng từ 0,8 đến 1,2 m, phía đầu cầu thang nơi tiếp giáp với hiên nhà thường tạc các hình mặt trăng lưỡi liềm, hai bầu vú tượng trưng cho sức sống và uy quyền của mẫu hệ.
Bên trong nhà dài là gian lớn, giáp với hiên nhà được dùng làm phòng khách, nơi tổ chức các sinh hoạt gia đình, sinh hoạt cộng đồng như đánh chiêng, các nghi lễ hằng năm, tiếp khách... Bên cạnh gian lớn là các gian buồng riêng có từng bếp lửa của từng cặp vợ chồng; thông thường mỗi nhà dài của đồng bào dân tộc Êđê có từ 7 đến 9 cặp vợ chồng cùng chung sống...
Theo TTXVN, từ những năm 1980 trở lại đây, tỉnh Đắk Lắk thực hiện việc tách hộ, phát triển kinh tế vườn, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống - đây là lúc những căn nhà dài có nguy cơ bị xóa dần. Đồng bào sau khi tách hộ, mỗi gia đình được tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện mua gỗ, vật liệu làm nhà, nhưng đa phần đồng bào chỉ làm nhà xây cấp 4 nhà trệt.
Đồng bào ở các buôn làng, sau khi đời sống khấm khá, có của ăn của để cũng phá bỏ những căn nhà dài truyền thống để xây nhà cao tầng, biệt thự. Không riêng gì các buôn làng của TP Buôn Ma Thuột mà ngay ở các buôn làng của đồng bào ở các huyện vùng sâu như Cư M’Gar, Krông Búk, Krông Ana... những căn nhà dài truyền thống cũng bị xóa bỏ, thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng. Văn hóa nhà dài của đồng bào dân tộc Êđê đang bị mất dần trong sự phát triển của xã hội. Tỉnh Đắk Lắk nên sớm có biện pháp giữ gìn, bảo tồn kiến trúc nhà dài nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng trường tồn với thời gian.
Bình luận (0)