Ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương - kết luận sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW, ngành xuất bản đã đạt được những thành tựu đáng kể nhưng cũng còn nhiều bất cập. Trong đó, nổi bật là chỉ tiêu phát triển về số lượng sách thấp, chưa ngăn được in lậu, phát hành chưa đến vùng sâu, vùng xa. Các nhà xuất bản hoạt động dựa vào liên kết còn nhiều và hầu hết các sai phạm đều nằm ở chỗ liên kết này. Thay vì nhà xuất bản có quyền lực đối với khách hàng, thực tế đang ngược lại. Nhiều nhà xuất bản sống nhờ liên kết đang rơi vào khó khăn, chết lâm sàng, vì vậy cần quy hoạch lại. Các cơ quan có trách nhiệm rà soát các chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực xuất bản và nêu ra những khó khăn, vướng mắc để cùng đề xuất hướng giải quyết trong thời gian tới. “Sau quy hoạch báo chí, sẽ tính đến quy hoạch ngành xuất bản, giải thể những nhà xuất bản hoạt động kém hiệu quả, không thể để tình trạng chết lâm sàng cứ tăng lên, việc sống nhờ liên kết không ổn, lệ thuộc khách hàng” - ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Sự lớm mạnh của FAHASA là một trong những thành tựu sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của ngành xuất bản. Ảnh: FAHASA
Báo cáo tổng kết dự thảo của Ban Tuyên giáo trung ương cho biết về lĩnh vực xuất bản, năm 2015, toàn ngành đã xuất bản 29.000 đầu sách, trên 369 triệu bản đạt 4,1 bản sách/đầu người/năm (tăng 1,4 lần so với 2004); tổng vốn huy động sản xuất trong năm 2015 là hơn 1.900 tỉ đồng, tăng 3,86 lần so với 2004. Lĩnh vực in có sự phát triển nhanh về quy mô, số lượng, tốc độ tăng tưởng từ 8% đến 10%/năm. Lĩnh vực phát hành cũng đạt được một số thành tựu như phát triển mạnh số lượng, mở rộng quy mô, năng lực hoạt động...
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra nhiều hạn chế, lĩnh vực xuất bản chưa đạt chỉ tiêu phát triển về số lượng sách, cơ cấu sách bất hợp lý, chất lượng một số mảng sách còn hạn chế. Đến năm 2015, số bản sách trên đầu người chỉ 4,1 bản/người/năm (ở các nước phát triển, tỉ lệ thường là 15 bản sách/đầu người/năm), 70% là sách giáo dục. Mô hình tổ chức hoạt động nhiều bất cập, hiệu quả kinh tế chưa cao, năm 2015 chỉ có 33/61 nhà xuất bản (chiếm 55%) đủ điều kiện hoạt động theo quy định pháp luật. Số lượng nhà xuất bản theo mô hình doanh nghiệp giảm nhanh (từ 45% năm 2004 còn 29% năm 2015). Lĩnh vực in phát triển nhanh nhưng thiếu bền vững, hiệu quả sản xuất - kinh doanh thấp. Hệ thống phát hành quốc doanh sau quá trình cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn, mất vai trò chủ đạo trên thị trường. Lực lượng phát hành sách tư nhân phát triển nhanh nhưng tiềm ẩn nhiều hạn chế, khó kiểm soát.
Ngoài kiến nghị quy hoạch lại xuất bản, một số kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch mạng lưới phát hành trên cơ sở tôn trọng các quy luật kinh tế thị trường; tăng chế tài xử phạt đối với hành vi xâm phạm bản quyền hoạt động xuất bản... cũng được nêu ra tại hội nghị.
Bình luận (0)