Việc giám khảo Trấn Thành bị khán giả chỉ trích dữ dội vì để thí sinh Tấn Lợi dễ dàng thắng 150 triệu đồng trong game show “Thách thức danh hài” mới đây là “giọt nước tràn ly” về thái độ của công chúng đối với thực trạng bát nháo của game show truyền hình hiện nay.
Giỡn mặt khán giả?
Game show hài hiện phủ sóng khắp các đài truyền hình từ trung ương đến địa phương với hơn 20 chương trình. Một số kết thúc mùa đầu tiên, chuẩn bị mùa 2 và một số vẫn đang phát sóng. Bên cạnh những chương trình thi tài giữa các diễn viên trẻ, chưa nổi tiếng, đòi hỏi sự trau dồi mỗi vòng, như: “Cười xuyên Việt”, “Tiếu lâm tứ trụ”, “Làng hài mở hội”, “Học viện danh hài” hay các game show hài có tính giải trí cao nhưng không theo chiều hướng nhảm: “Ơn giời, cậu đây rồi!”, “Người bí ẩn” , “Chết cười” đáng được ủng hộ, làng giải trí Việt có quá nhiều chương trình format (định dạng) mang đến cái cười hời hợt, không giá trị. “Thách thức danh hài” là một điển hình, các thí sinh đến chỉ việc “thọc lét” giám khảo để họ cười là thắng. Vì không có bất cứ quy định ràng buộc nào khác, các thí sinh làm đủ trò khùng điên, quái dị chỉ với mục đích khiến giám khảo cười. Có nhiều tình huống khán giả chẳng thể cười nổi nhưng giám khảo cười được nên không thuyết phục số đông khán giả.
Một kiểu làm nghề không nghiêm túc thường thấy trong các game show hài trên truyền hình hiện nay là lấy chuyện đời tư của mình hay bạn diễn ra giễu để tạo tiếng cười, trong khi họ đang hóa thân các nhân vật trong câu chuyện.
“Những chương trình dạng này nên giảm bớt, tôi muốn xem những chương trình như: “Trúc xanh”, “Chiếc nón kỳ diệu”... mà khó quá, mở ti vi lên thì toàn các gương mặt hài quen thuộc tám chuyện, đùa giỡn với nhau” - khán giả Nguyễn Thị Nguyệt (ngụ quận 8, TP HCM) nói.
NSƯT Hữu Châu từng nhận xét khi xem các game show về diễn xuất, ông thấy người chơi không diễn mà đang giỡn mặt với khán giả truyền hình. “Có những giám khảo nhận xét rất mắc cười nên thà xem thế giới động vật còn thích hơn” - NSƯT Hữu Châu nói.
Ngày càng biến chất
Ngoài các chương trình truyền hình thực tế hài đang đóng vai trò chi phối trên sóng truyền hình giải trí hiện nay, các chương trình thi hát cũng thay nhau lên sóng với đủ kiểu câu khách.
Sức hút của tất cả các game show ca nhạc hiện nay lệ thuộc hoàn toàn vào “độ nóng” của những cái tên ăn khách sẽ xuất hiện ở vị trí giám khảo và trong vai trò thí sinh. Trong game show “Trời sinh một cặp” trên VTV3, ngoài những gương mặt nổi tiếng ngồi ghế giám khảo, huấn luyện viên như Đàm Vĩnh Hưng, Khánh Hà, Dương Triệu Vũ, Vũ Hà, Thanh Thảo, các gương mặt của sân khấu, điện ảnh, thời trang: Diệu Nhi, Long Đẹp Trai, Anh Đức, Trung Dũng, Vũ Ngọc Ánh, Khánh Quỳnh… cũng được mời làm thí sinh thi hát.. “Tình Bolero hoan ca” có Thanh Tuyền, Minh Tuyết, Thái Châu ngồi ghế giám khảo cùng với các giọng ca quen thuộc tại các phòng trà ca nhạc làm thí sinh, như: Đức Minh, Vi Thảo, Ngân Quỳnh, Quang Minh… Ở “Hãy nghe tôi hát”, khán giả bắt gặp các danh ca: Phương Dung, Giao Linh, Thái Châu, Elvis Phương, Ngọc Sơn, Sơn Tuyền, Ý Lan, Bảo Yến, Phi Nhung, Mạnh Quỳnh, Mạnh Đình… trong vai trò giám khảo; còn thí sinh là các ca sĩ nổi tiếng và dày dạn kinh nghiệm sân khấu như: Lâm Vũ, Uyên Trang, Hồng Mơ, Duy Trường, Phương Trinh Jolie và Hồ Việt Trung. Trong “Ban nhạc quyền năng”, ban giám khảo có ca sĩ Mạnh Quỳnh, Phi Nhung, Dương Triệu Vũ….
“Giọng hát Việt” mùa mới gây sự chú ý đối với công chúng không bởi chất lượng chuyên môn mà là “cái chợ” do dàn ca sĩ trẻ ngồi ghế huấn luyện viên tạo ra.
Thực trạng game show truyền hình hiện nay khiến những người làm nghề tử tế ngao ngán. Nhạc sĩ Phú Quang lên tiếng thẳng thắn: “Tôi nói điều này có thể các đài truyền hình sẽ không hài lòng nhưng họ đang làm náo loạn âm nhạc Việt. Có những bạn trẻ mùa trước là thí sinh, mùa sau đã chễm chệ ngồi vị trí huấn luyện viên, giám khảo. Các vị giám khảo trẻ đó đôi khi còn hát sai lời, sai nhạc, thậm chí một nốt nhạc bẻ đôi không biết; không hề có kinh nghiệm, kiến thức âm nhạc cơ bản nhưng ngồi bình luận, nhận xét như ai. Như vậy, chúng ta đang khiến cho âm nhạc Việt đi xuống, thậm chí bị biến dạng và suy đồi”.
Không thể cứ thả nổi
Thay vì đầu tư từ chất lượng để có chương trình hay như “Bài hát yêu thích”, “Sao nối ngôi”, phần lớn các chương trình chỉ trông cậy vào sức hút tên tuổi các ngôi sao được mời tham gia để kéo khán giả. Để có được ca sĩ hàng sao như Mỹ Tâm xuất hiện trong vai trò giám khảo của một game show ca nhạc, nhà sản xuất phải chấp nhận trả mức thù lao hàng tỉ đồng cũng như đáp ứng nhiều điều kiện phía ca sĩ đưa kèm. Thực tế, nhiều chương trình đã chứng minh sức hút của ngôi sao không đủ bảo chứng cho rating (lượng người xem) cao như mong muốn của nhà sản xuất trong điều kiện chất lượng thí sinh quá tệ.
Áp lực về rating khiến đơn vị sản xuất chọn cách “ăn xổi” thay vì phải cải thiện chất lượng vốn đang xuống cấp trầm trọng của nhiều game show hiện nay. Số tiền đơn vị sản xuất đổ vào các thành viên ban giám khảo rất lớn nên buộc phải cắt xén tối đa chi phí đầu tư cho chất lượng chương trình.
Game show vẫn ở giai đoạn bùng nổ nhưng sức hút giảm dần, hiện không phải chương trình nào cũng được khán giả xem nhiều. Khán giả cũng bắt đầu chán bởi các gương mặt lặp đi lặp lại, định dạng game show ngày càng na ná nhau, hời hợt, nhạt nhẽo chẳng mang lại giá trị giải trí bổ ích.
Nghệ sĩ Minh Nhí cho rằng nên có sự kiểm duyệt từ cơ quan chức năng để rà soát lại game show. Một số game show hài có định dạng hay, nội dung bổ ích cho người làm nghề nên ủng hộ, còn không thì bỏ bớt.
Nghệ sĩ Xuân Hương cũng đồng tình với việc đến lúc cần có sự kiểm duyệt, sàng lọc các game show từ phía cơ quan quản lý. “Những người làm nghệ thuật cần có trách nhiệm trước tác phẩm của mình. Khi khán giả lên tiếng phê bình, họ cần lắng nghe để tiếp thu, sửa đổi dần cho phù hợp. Không thể cứ biện minh cho những gì cẩu thả, phản cảm, nhạt nhẽo là vì phải chiều theo thị hiếu khán giả” - nghệ sĩ Xuân Hương nhấn mạnh.
Thi nhau tham gia game show truyền hình
Hiện nay, gần như cả giới showbiz tham gia game show truyền hình, không diễn vai thí sinh thì cũng đóng vai giám khảo. Hễ được mời là tham gia, miễn có tiền thù lao và được lên sóng, bất kể có phù hợp hay không.
“Tôi cũng ngồi ghế giám khảo nhưng luôn chọn chương trình đúng khả năng của mình về kịch nói, hài kịch. Ví dụ, những chương trình như “Bước nhảy hoàn vũ” có mời thì tôi cũng không tham gia vì mình có biết chuyên môn đâu mà ngồi ghế giám khảo. Tôi thấy có một số bạn làm giám khảo, không có chuyên môn nhưng vẫn nhận xét như đúng rồi. Tôi luôn cố gắng công tâm, đấu tranh để khi xong chương trình, khán giả không chỉ trích dễ dãi” - nghệ sĩ Minh Nhí chia sẻ.
Theo nghệ sĩ Minh Nhí, một số người có tâm, có tài, được mời làm giám khảo nhưng sau 1- 2 mùa là nhà sản xuất không mời vì họ đấu tranh nhiều quá, không chiều theo nhà sản xuất để cá nhân hoặc nhóm nào đó chiến thắng.
Bình luận (0)