Đền Trần ở Thái Bình chuẩn bị cho lễ hội năm Nhâm Thìn 2012. Ảnh: Lê Thoa
Thu hút du khách về mình
Trong buổi gặp gỡ báo chí tại tỉnh Thái Bình chiều 1-2, ông Nguyễn Hồng Chuyên, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà, Thái Bình- đơn vị tổ chức lễ hội đền Trần ở Thái Bình-khẳng định lễ hội này không cạnh tranh với bất cứ lễ hội nào. Ông Chuyên chia sẻ nơi nào tôn thờ vương triều Trần đều rất đáng được trân trọng. Việc người dân tôn vinh những người có công với nước là điều rất đáng quý và cần phải giữ gìn phong tục tốt đẹp này. Ông Chuyên nhấn mạnh trước đây, khi lễ hội chưa được tổ chức quy mô lớn, người dân vẫn tổ chức lễ hội ở địa phương chứ không phải phục dựng lễ hội để cạnh tranh với nơi khác.
Cảnh khách thập phương chen chúc xin ấn, lộc tại Đền Trần Thương ở Hà Nam trong dịp lễ hội năm 2011
Để khẳng định vị thế của mình, Sở VH-TT-DL tỉnh Thái Bình cũng đã phối hợp với Viện Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo xác định huyện Hưng Hà ngày nay là đất phát tích khởi nghiệp của nhà Trần cách đây hơn 700 năm. Ngoài ra, dấu tích 3 ngôi mộ có kích thước như 3 quả đồi của 3 vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông đang tồn tại trên cánh đồng rộng lớn đối diện ngôi đình đã khẳng định thêm điều này. Và để tạo sức hút hơn, đền Trần ở Thái Bình tổ chức lễ khai ấn năm 2010, sau khi đã tìm mua được quả ấn mà lãnh đạo tỉnh lúc đó được báo cáo đích thị là ấn thật, nhưng sau đó bị phát hiện là ấn giả nên các năm sau không còn tổ chức phát ấn.
Ông Nguyễn Hồng Chuyên khẳng định Thái Bình tổ chức lễ hội một cách “văn minh” để phục vụ đời sống tinh thần của hàng vạn du khách thập phương. Dù không thừa nhận yếu tố cạnh tranh nhưng việc tổ chức họp báo để quảng bá rộng rãi các hoạt động lễ hội đền Trần của tỉnh nhà cũng là cách để Thái Bình thu hút du khách thập phương về với mình trong những ngày lễ hội đền Trần diễn ra ở 3 nơi cùng lúc.
Cần “giải thiêng” giá trị ảo của lá ấn
Lễ khai ấn, sau đó là phát ấn, đã khiến hàng vạn người thức trắng đêm, giẫm đạp lên nhau để tranh cướp lá ấn, thậm chí là bỏ tiền để mua phải ấn giả. Nhiều người quan niệm đầu năm đi xin ấn đền Trần ở Nam Định để được thăng quan tiến chức; xin ấn đền Trần ở Thái Bình để được may mắn, sức khỏe và xin ấn đền Trần Thương, Hà Nam để có cuộc sống no đủ, sung túc. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nhà nghiên cứu sử học, văn hóa dân gian đã khẳng định “khai ấn đền Trần” không phải là để phong chức tước mà lễ khai ấn là việc mở đầu công việc triều đình hằng năm.
TS Nguyễn Hồng Kiên, Viện Khảo cổ Việt Nam, cho biết về chuyện khai ấn: Một, các cấp chính quyền thời quân chủ có lệ phong ấn (cuối năm bọc ấn lại cất đi) và khai ấn (đầu năm mở ấn bắt đầu làm việc). Hai, các đền thờ (có liên quan đến Đức Thánh Trần) đóng ấn có tính chất tôn giáo-tín ngưỡng.
GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian, thất vọng khi nhiều người cho rằng nghi lễ phát ấn ở đền Trần ở Nam Định là để ban thưởng công, chức tước cho các quan lại. Ông khẳng định đây là một nghi lễ cầu mong một sự mở đầu tốt đẹp, một năm mới may mắn. Sau khi nhà Trần mất, con cháu dòng họ Trần vẫn tiếp tục lưu giữ phong tục của tổ tiên. Chính vì những lá ấn được khoác lên mình nhiều giá trị không có thật nên theo PGS Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, cần “giải thiêng” giá trị ảo của những lá ấn này.
Thật - giả chẳng biết Theo nghiên cứu của các chuyên gia, chính vì xu hướng “nhà nước hóa” lễ hội mà nhiều người đã cắt nghĩa sai tính chất ban đầu của nghi lễ khai ấn và giải thích sai ý nghĩa lịch sử của nó. Năm 2010, đền Trần tại Hưng Hà, Thái Bình cũng tổ chức lễ khai ấn và phát ấn cầu may đầu năm cho hàng vạn người dân. Tuy nhiên, sau đó, giới chuyên môn đã phát hiện ấn này là ấn giả, khắc 4 chữ “Thượng nguyên Chu thị” có xuất xứ từ Trung Quốc, không liên quan gì đến lịch sử nhà Trần và văn hóa Việt Nam. Cục Di sản văn hóa lúc đó đã có văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh, trong đó nhấn mạnh cần tăng cường công tác quản lý các ấn phẩm tại các lễ hội, di tích trên cả nước, trong đó có việc sử dụng ấn triện in trên các sản phẩm du lịch bán, tặng cho du khách. Hiện nay, ở nước ta nhiều di tích đã, đang sử dụng nhiều quả ấn chưa được cơ quan chức năng kiểm định. Cục Di sản cũng đề nghị kiểm định một số quả ấn được sử dụng trong các di tích tại Nam Định, Hải Dương, Phú Thọ… |
Bình luận (0)