Chinh phục chủ nhà
Bollywood là một trong những kinh đô điện ảnh lớn nhất thế giới nên lực lượng cascadeur ở đây rất đông và mạnh. Chính vì thế ngay lần đầu tiên ra hiện trường, đoàn cascadeur VN đã được chào đón bởi... những ánh mắt dè chừng của cascadeur nước bạn. Đến khi Huỳnh Phú, Bùi Văn Hải, Thiện Hiếu, Thanh Tuấn lần lượt biểu diễn các chiêu thức tuyệt chiêu của võ thuật VN thì mới xóa tan được cái nhìn “cảnh giác” của các cascadeur Ấn Độ. Lúc quay thật, cascadeur Trần Như Thức đã chinh phục cả đoàn phim trong cảnh quay 3 người bị diễn viên chính đánh bay ra xa 8 m, cao 3 m. Cảnh quay này thực hiện suốt từ 15 giờ đến 21 giờ, Thức bị treo trên giàn bay 6 tiếng đồng hồ trong khi phía cascadeur Ấn Độ phải liên tục thay người. Những cascadeur VN được các nam diễn viên chính Ấn Độ kính trọng như bậc anh hùng bởi cascadeur là người rất có thể sẽ tử nạn thay họ trong những cảnh quay nguy hiểm.
Đổ máu để làm “anh hùng” trên đất bạn
Anh Lữ Đắc Long, Phó Chủ nhiệm CLB Cascadeur TPHCM, người nhiều lần dẫn đoàn xuất ngoại đóng phim, cho biết: “So về khoản liều, cascadeur VN phải bái cascadeur Ấn Độ làm thầy”. Cascadeur VN nhiều lần gặp chuyện cười... ra nước mắt cũng từ máu liều mà xuất phát từ điều kiện làm việc thô sơ của cascadeur nước bạn. Những cảnh quay cháy, cascadeur chỉ được quấn vải vụn quanh người rồi châm lửa đốt, hoàn toàn không được mặc một lớp da bò bảo vệ như cascadeur VN thường làm ở quê nhà. Một lần, cascadeur Thanh Tuấn bị lửa táp vào mặt khiến đôi mắt bỏng rát không mở lên nổi. Những cảnh bay người lên không, ở VN cascadeur được trang bị bộ đồ giáp trong khi ở Ấn Độ chỉ được buộc bằng một sợi đai quanh bụng vừa kém an toàn vừa đau. “Cái khó ló cái khôn”, cascadeur ta bèn nghĩ cách, trước khi ra hiện trường, dùng khăn tắm ở khách sạn quấn quanh bụng... cho chắc ăn. Có thể nói mỗi lần ra phim trường ở Ấn Độ là mỗi lần cascadeur VN học thêm nhiều kinh nghiệm quý báu để ứng phó với điều kiện làm việc còn thủ công của xứ bạn. Hầu như không một buổi quay nào đoàn cascadeur VN không bị thương. Cascadeur Bùi Văn Hải tưởng chừng phải bỏ mạng để lại người vợ ở quê nhà sắp sinh con khi anh sang TP cảng Chennai (Mandras, Ấn Độ) đóng phim. Hôm đó là cảnh quay một nhóm người bị chiếc xe tải kéo đi một đoạn và bay vút lên vượt qua khỏi một bức tường. Do chiếc xe kéo quá mạnh nên anh và những cascadeur khác đã bị đập mạnh vào bức tường đầy kính, bất tỉnh. Hải nằm mê man trong bệnh viện suốt đêm nhưng rất may là vài ngày sau anh khỏe lại.
Được đối đãi tử tế
Mặc dù thừa biết điều kiện bảo hộ tai nạn cho cascadeur ở Ấn Độ kém cỏi, mất mạng như chơi nhưng tâm lý chung của cascadeur VN khi được mời xuất ngoại đều hào hứng, bởi đa phần họ xuất thân từ gia cảnh nghèo, có cơ hội đi nước ngoài không mất tiền, thù lao lại cao gấp mấy lần so với làm việc ở quê nhà. Vì là khách mời nên các cascadeur VN được đối đãi rất tử tế. Ngoài tiền vé máy bay đi lại, thù lao trung bình của một cascadeur VN khoảng 100 USD/ngày (trong khi cascadeur Ấn chỉ 30 USD/ngày). Trong quá trình quay phim, cascadeur VN được đối đãi chẳng khác gì VIP, có xe đưa đón, đầu bếp riêng, giờ giải lao được ăn uống, nghỉ ngơi trong phòng lạnh (ở Ấn Độ thường chỉ có diễn viên chính mới được ưu đãi như vậy). Những chuyến sang xứ người ấy không chỉ giúp cascadeur VN học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, mở mang hiểu biết mà còn thắt chặt thêm tình đoàn kết trong đồng nghiệp với nhau.
Sau Thanh Tuấn, Thiện Hiếu, sắp tới 4 cascadeur VN nữa sẽ lên đường sang Ấn Độ. Trong đó cascadeur Như Thức sẽ thực hiện cảnh quay 12 ô tô tông nhau trên một chiếc cầu. Những chuyến xuất ngoại của cascadeur VN vừa qua là nhờ có đạo diễn hành động nổi tiếng Ấn Độ Peter Hiền giới thiệu. Để xây dựng được thương hiệu cho mình với bạn bè thế giới, cascadeur VN còn phải nỗ lực nhiều mặt.
Bình luận (0)