Việc các nhà sản xuất phim truyền hình tuyên bố cắt giảm sản lượng phim trong năm 2016 và các năm tới do khó khăn không chỉ tác động đến đội ngũ diễn viên mà còn vô số người phía sau ống kính máy quay.
Thử thách lớn phải vượt qua
Họ là đạo diễn, hóa trang, quay phim, phục trang, âm thanh, thiết kế… Tuy có lo lắng nhưng đối với những người nhiều năm kinh nghiệm, việc cắt giảm này vẫn không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và công việc của họ. Nỗi lo chỉ đè nặng lên những người mới vào nghề, chưa nhiều kinh nghiệm như một thử thách lớn phải vượt qua.
Hầu hết các nhà làm phim uy tín, coi trọng chất lượng và thương hiệu của phim đều muốn sản phẩm họ làm ra bởi một đội ngũ lành nghề. Vì vậy, những người giỏi nghề luôn được trọng dụng trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Quyên (chuyên viên phục trang) có 8 năm trong nghề, đang theo đoàn phim “Hoa hồng thép” (đạo diễn: Nguyễn Thành Vinh) tâm sự: “Việc sụt giảm một phần nào đó sản lượng phim cũng ảnh hưởng đến chúng tôi bởi phim không nhiều, thu nhập sẽ giảm. Nhưng hiện thời, tôi chưa lo lắng gì vì phim vẫn có đều đều để làm. Mỗi năm, tôi làm khoảng 3-4 phim”. Cô cho biết mình chỉ làm công việc này thôi, không làm việc gì khác bởi thời gian theo một đoàn phim dài hàng chục tập thường từ 2-3 tháng, chẳng thể làm được gì thêm.
Cũng tương tự Quyên, chuyên viên hóa trang Phan Hiếu, có nhiều năm làm nghề, khẳng định không thấy ảnh hưởng gì, vẫn có phim để làm. Dẫu cuộc đời có lắm thăng trầm nhưng Phan Hiếu được người trong giới nhìn nhận giỏi nghề nên có nhiều lời mời tham gia phim cũng là điều dễ hiểu.
Vào nghề đã 8 năm, Linh (30 tuổi, chuyên viên ánh sáng) cho biết công việc của anh là cực nhất trong đoàn phim vì phải khiêng vác các đạo cụ chiếu sáng. Trước sự sụt giảm của phim truyền hình, Linh khẳng định dù có tác động nhưng không lo lắng nhiều vì anh đã có sẵn các mối quan hệ. “Anh em đều quen biết, khi có việc thì gọi nhau. Từng làm việc chung, ai cũng rành khả năng của từng người nên khi cần là gọi. Không chỉ phim truyền hình, game show, phim ngắn, video ca nhạc…, thậm chí cải lương, khi gọi thì tôi cũng tham gia chứ không kén chọn” - Linh nói.
Nhìn chung, với những người có năng lực, họ chẳng lo lắng nhiều vì sản lượng phim sụt giảm. Thậm chí, với nhiều người trong giới, đây còn là cơ hội để thị trường sàng lọc đội ngũ cả lượng lẫn chất. Với những ai có tài, đam mê sẽ trụ vững nghề hơn, còn lại dần bị đào thải.
Quay phim Hoài Viễn, hơn 10 năm trong nghề, đang tham gia ê-kíp phim “Thế thái nhân tình” (đạo diễn: Võ Việt Hùng, sắp khai máy), cho biết anh không lo lắng vì đã làm nhiều năm trong nghề và cũng có công việc riêng khác liên quan đến nghệ thuật.
“Tôi hy vọng thực trạng của phim truyền hình giai đoạn này góp phần sàng lọc tốt, những ai có thực lực sẽ chứng minh được khả năng của mình và chúng ta chấp nhận sự đào thải theo quy luật” - Hoài Viễn chia sẻ.
Giảm cơ hội cho người mới
Theo quay phim Hoài Viễn, vào thời điểm này, những người nào mới tốt nghiệp ra trường hoặc bắt đầu theo nghề là đáng lo ngại nhất vì họ quá mới, không nhiều kinh nghiệm. Thời kỳ bùng nổ phim truyền hình Việt, họ có thể vào các công ty tư nhân tìm cơ hội rèn giũa tay nghề nhưng giờ cơ hội cũng ít đi.
Đạo diễn Nguyễn Thành Vinh (đang thực hiện phim “Hoa hồng thép”) nhận định: “Những người mới khó có cơ hội, thường nhà sản xuất và đạo diễn sẽ chọn lựa lực lượng tinh nhuệ để làm”. Anh cho biết thời gian trước, phim làm đại trà, nhiều đoàn phim gửi gắm người thân vào làm, cho học những công việc đơn giản trong hậu trường, lâu ngày quen nghề, có kinh nghiệm nâng dần lên. Nhưng giờ tình hình đã khác, lực lượng tinh nhuệ sẽ được chọn lựa trước hoặc ít ra là biết nghề.
Người mới ít cơ hội so với người giỏi nghề trong giai đoạn này, theo đạo diễn Võ Việt Hùng, đó là tất yếu khi phim truyền hình Việt sụt giảm. Tình hình sụt giảm này là hệ quả của sự bùng nổ các phim chất lượng không như ý thời gian trước khiến rating (lượng khán giả xem) giảm, khó tìm quảng cáo. Những người làm nghề như anh đau lòng trước thực trạng chung, mọi người đều chịu tác động nhưng chúng ta cần chấn chỉnh, sàng lọc để phim tốt hơn, chất lượng hơn cả nội dung lẫn hình thức.
Lo ngại “phá giá”
Việc sụt giảm sản lượng phim cũng là điều tốt để các nhà sản xuất có sự đầu tư tập trung hơn vào số lượng phim nhất định. “Phim truyền hình không bao giờ chết, game show có thể mất đi nhưng phim truyền hình vẫn tồn tại vì đó là nhu cầu của khán giả!” - đạo diễn Võ Việt Hùng nói. Vì thế, hiện tại, thị trường cần phim tốt, chất lượng để khán giả không quay lưng, lấy lại dần niềm tin của họ.
Quyên (chuyên viên phục trang) không lo lắng chuyện phim sụt giảm nhưng bày tỏ rằng sợ tình trạng “phá giá”. Những người trong nghề có thể giảm giá tiền khi thỏa thuận để được các nhà sản xuất mời tham gia phim. Dẫu biết khi thuê những người “phá giá” chất lượng sẽ khó bảo đảm nhưng có thể vì bài toán kinh phí mà nhà sản xuất đánh liều mời họ. Đây cũng là nỗi lo chung của người trong nghề.
Bình luận (0)