xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Cha cõng con” mất Cánh diều: Đạo diễn bức xúc!

Minh Khuê

Đạo diễn phim “Cha cõng con” Lương Đình Dũng trả bằng khen vì buồn cách trao thưởng. Vài giám khảo nói lời đáng tiếc cho phim khi không đoạt giải cao

Gần như trắng tay ra về sau lễ trao giải Cánh diều 2016 diễn ra vào tối 9-4 tại Nhà hát Quân đội, TP HCM, đạo diễn Lương Đình Dũng xin trả lại bằng khen dành cho phim “Cha cõng con” của anh vì theo anh, phim của mình không đáng bị đối xử như vậy.

Cú sốc của đạo diễn

Bộ phim “Cha cõng con” được đề cử ở 3 hạng mục: Diễn viên nam chính xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc, Phim truyện điện ảnh xuất sắc nhưng kết quả không đoạt giải vàng hoặc bạc, thua cả phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” không được đánh giá cao về chất lượng chuyên môn.

Sáng 10-4, đạo diễn Lương Đình Dũng đã viết tâm thư dài có tên “Xin đừng làm ngơ” trên trang mạng xã hội Facebook. Anh nói về tâm huyết khi làm phim “Cha cõng con”, lý do tham gia tranh giải... “Khi một cuộc thi điện ảnh trong nước diễn ra, tôi không định tham dự bởi thường vô duyên với giải thưởng này vì lẽ này hay lẽ khác. Nhưng tôi đã tham dự để có cơ may quảng bá “Cha cõng con”, từ đấy tạo thêm những lan tỏa như tôi kỳ vọng. Kết quả là điều đáng tiếc, có thể phim của tôi chưa hay hoặc ban giám khảo đã không hiểu hết tầng nghĩa trong phim” - đạo diễn Lương Đình Dũng viết.

Cảnh trong phim “ Cha cõng con”. (Ảnh do đoàn phim cung cấp)
Cảnh trong phim “ Cha cõng con”. (Ảnh do đoàn phim cung cấp)

Xin trả lại bằng khen cho ban tổ chức Cánh diều 2016 là hành động cho thấy sự ngạc nhiên xen lẫn trạng thái sốc của đạo diễn này. Anh cho rằng bằng khen chưa tương xứng với tác phẩm anh đã “thai nghén” 10 năm đầy tâm huyết, từng đoạt giải tại liên hoan phim quốc tế. Lương Đình Dũng cũng cho biết trước khi đến với Cánh diều 2016, phim của anh đã chu du gần chục liên hoan phim quốc tế, được lọt vào đề cử, chọn trình chiếu tranh giải chính thức. Anh nghĩ tác phẩm này đã được thẩm định chặt chẽ, cẩn thận từ những tiêu chuẩn khắt khe của điện ảnh quốc tế.

“Con đường của điện ảnh Việt Nam bởi vậy còn rất xa mới tiệm cận được với cách nhìn của thế giới. Ai đó bảo tôi cay cú nên làm vậy. Ai bảo tôi tin rằng họ làm giám khảo là vì họ giỏi nghề!” - đạo diễn Lương Đình Dũng nêu quan điểm.

Giám khảo cũng thấy tiếc

Trong 19 phim tranh Cánh diều vàng thể loại phim truyện điện ảnh, “Cha cõng con” là ứng cử viên sáng giá nhất vì hội tụ được nhiều yếu tố về mặt nghệ thuật, cảm xúc, tính nhân văn. Nội dung kể về Cá, cậu bé vùng cao mất mẹ, sống cùng bố. Hằng ngày, bố con Cá làm việc chài lưới mưu sinh. Cuộc sống khốn khó, bấp bênh với những trận chạy lũ, Cá vẫn vô tư sống bên bố cùng khát vọng chạm đến bầu trời. Cho đến một ngày, Cá bệnh nặng, em được bố lặn lội đưa về phố... Phim có những cảnh quay đẹp, âm nhạc hay, đầy cảm xúc với sự tương phản giữa đô thị và miền núi, cuộc sống xót xa của bệnh nhi nan y tại bệnh viện. Phim quay 3 tháng, hơn 1 năm hậu kỳ với kinh phí lên tới gần 18 tỉ đồng.


Cảnh trong phim Cha Cõng con

Cảnh trong phim "Cha Cõng con"

Vì nhận được nhiều lời khen trước thềm lễ trao giải nên “Cha cõng con” được xem là ứng viên sáng giá tại Cánh diều 2016. Một số thành viên trong hội đồng giám khảo cho biết họ thích phim này nhưng đáng tiếc kết quả giải thưởng không như ý muốn của họ.

NSƯT - đạo diễn Lê Cung Bắc, thành viên Ban Giám khảo phim truyện điện ảnh Cánh diều 2016, cho biết: “Ban giám khảo gồm nhiều thành viên, mỗi người đánh giá phim theo từng góc độ chuyên môn của mình. Tôi nghĩ ban giám khảo làm việc khách quan. Bản thân tôi đánh giá cao phim “Cha cõng con” vì chất lượng chuyên môn và giá trị nhân văn trong câu chuyện phim. Một bộ phim đoạt giải phải có sự đồng thuận của đại đa số thành phần trong hội đồng giám khảo”. Ông cũng thấy tiếc khi phim này không được giải thưởng cao như kỳ vọng. Nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long - thành viên Ban Giám khảo Phim truyện điện ảnh Cánh diều 2016 - chia sẻ rất tiếc với kết quả vì thích phim này bởi giá trị nhân văn. “Tôi chấm điểm cao cho phim này vì ấn tượng với những cảm xúc phim tạo cho mình giữa một loạt tác phẩm đặt nặng yếu tố thị trường tranh giải. Phim nhân văn, xem rất dễ chịu. Nhưng hội đồng giám khảo có đến 11 người, chúng tôi chấm điểm, cho ý kiến xong nộp lại phong bì dán kín gửi ban tổ chức” - nhà báo Ngũ Long thông tin.

Nhà báo Cát Vũ, thành viên Hội đồng Lý luận phê bình của Hội Điện ảnh Việt Nam, cho biết: “Phim “Cha cõng con” không đoạt giải cao là điều đáng tiếc. Tôi xem hết 19 phim thấy tốt nhất là “12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy”, phim thứ hai là “Cha cõng con”. Tôi nghĩ “Cha cõng con” chiến thắng Cánh diều bạc là hợp lý, bằng khen thực sự hơi ép phim này so với 19 phim dự giải. Đây là tác phẩm đem lại cảm xúc cho người xem và cũng là phim hiếm hoi tạo được cảm xúc so với nhiều phim thị trường dự giải. Bối cảnh trong phim đẹp, không thua kém phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Đặc biệt, tình người khắp mọi nơi, phim không có nhân vật phản diện, nó là dòng chảy êm đềm về tình cha con, tình người”. Theo nhà báo Cát Vũ, “Cha cõng con” chưa phải tác phẩm hoàn hảo vì nửa đầu phim được làm tốt nhưng nửa sau không được tinh tế, làm người xem băn khoăn và đôi chỗ còn hơi gượng gạo, phi lý.

PGS-TS Trần Luân Kim, Trưởng Ban Giám khảo Phim truyện điện ảnh Giải Cánh diều 2016, nhận định ông từng rất hy vọng vào phim này bởi nghe nhiều lời khen trước khi xem. Nhưng đến khi xem, ông thấy phim có mặt được là nội dung nhân văn, đề cập cuộc sống người dân miền núi nghèo khó, đối mặt bão lũ. Đạo diễn có nắm bắt thực tế, phim có tư tưởng, tình cảm tốt. Về mặt quay phim, Lý Thái Dũng là nhà quay phim tay nghề cao nên phim đẹp nhưng các phim khác hiện nay cũng đẹp không kém. Vì thế, yếu tố nổi trội này lại không khác biệt lắm khi so sánh những phim cùng tranh giải. Những mặt yếu của “Cha cõng con” là sự chuyển đổi không gian giữa miền núi và TP HCM không nhuyễn, gây đứt đoạn cảm xúc người xem. Cách khắc họa về lũ không tốt, người xem chẳng thấy được sự cuồn cuộn mạnh mẽ của lũ, sự phản kháng chống chọi lại với thiên nhiên của con người khắc nghiệt, khốc liệt. Phim không có kịch tính, cao trào, nếu là tiểu thuyết mọi người có thể tưởng tượng nhưng điện ảnh phải có hình ảnh chứ không thể chỉ có ước lệ, bắt khán giả tưởng tượng. Phim có đoạn cuối kéo dài ra không cần thiết. “Hội đồng giám khảo nhận xét phim làm theo lối cũ, không còn phù hợp với cách làm phim hiện nay. Phim hiện nay phải có nhiều chi tiết, tiết tấu nhanh còn nếu thuộc dòng cảm xúc thì ít nhất cũng như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, cảm xúc tầng tầng lớp lớp, chứ không bình bình” - PGS-TS Trần Luân Kim nói.

Nói về phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” (Cánh diều bạc), chủ tịch ban giám khảo phim truyện điện ảnh giải thích rằng phim này thuộc dòng phim cổ trang kỳ ảo, có quyền phát triển nội dung theo kiểu không giống bình thường. Phim được làm chỉn chu, kỹ xảo tốt, đưa phim Việt lên một bước mới, cảnh quay rừng núi đẹp. Hai thể loại khác nhau nên không thể so sánh phim này và “Cha cõng con”.

Vô duyên với Cánh diều

Đạo diễn Lương Đình Dũng cũng tự nhận mình là người vô duyên với Cánh diều. Năm 2004, anh tham gia tranh giải ở hạng mục phim ngắn với “Hạnh phúc đỏ”. Phim được giải khuyến khích nhưng sau đó phim được chọn chiếu tại liên hoan phim lớn của Pháp. Năm 2007, anh tham dự Cánh diều ở hạng mục phim ngắn với “Chuyện ông Mờ” và chỉ nhận được bằng khen. Bộ phim này sau đó được giải “Phim xuất sắc” tại Liên hoan phim Quốc tế Tokyo lần thứ 29.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo