xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Chàng" hay "tràng"; "vạt áo" hay "cổ áo?"

HOÀNG TUẤN CÔNG

Tục ngữ có câu "Áo cứ tràng, làng cứ xã" (dị bản "Áo cứ tràng, làng cứ lý trưởng").

Tuy nhiên, "Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam" (GS Nguyễn Lân) lại đưa ra một dị bản lạ: "Áo cứ chàng, làng cứ xã" và giải thích: "Nói tính ỷ lại của người đàn bà, cũng như tính ỷ lại của người dân trong thôn xóm, không thấy được vai trò làm chủ của mình".

Cách giảng của GS Nguyễn Lân vấp phải sự phản bác của nhiều nhà ngôn ngữ học. Điển hình là nhà ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dương. Trong "Từ điển tục ngữ Việt", Nguyễn Đức Dương cho rằng GS Nguyễn Lân "tra cứu chưa kỹ nghĩa từ vựng của tràng trong câu Áo cứ tràng, làng cứ xã". Theo ông, "tràng là một từ cổ dùng để chỉ cái vạt trước của chiếc áo dài" và được hiểu: "Áo thì nên lấy tràng làm chỗ dựa (khi cắt may), làng thì nên lấy lý trưởng làm chỗ dựa (khi tiếp xúc, bình phẩm)". Cùng cách hiểu như Nguyễn Đức Dương còn có PGS-TS Phạm Văn Tình, GS-TS Nguyễn Đức Tồn…

"Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam" (Nhóm Vũ Dung) đưa ra dị bản giống Nguyễn Đức Dương nhưng có cách giải thích khác: "tràng: tràng áo, tức vạt áo. ngđ: Muốn tìm ai thì cứ túm lấy vạt áo, muốn lệnh cho làng thì cứ dựa vào xã trưởng".

Vậy, đúng sai thế nào?

Có thể khẳng định GS Nguyễn Lân đã sai khi nhầm "tràng" (một bộ phận của chiếc áo) thành "chàng" (người chồng). Ông suy diễn: việc giặt giũ, vá may lẽ ra phụ nữ phải đảm đương, đằng này "ỷ lại", "cứ" (để cho) "chàng" (chồng) phải làm (nên gọi "áo cứ chàng"); còn công việc của làng, thì người dân "cứ" (ỷ lại) ông xã trưởng (nên gọi "cứ xã") chăng?

Tuy nhiên, liệu Nguyễn Đức Dương, nhóm Vũ Dung đã đúng khi cho rằng "tràng" là cái "vạt áo"?

Theo chúng tôi là không. Vì:

- Đây không phải tục ngữ về kinh nghiệm may áo. Vả lại, nếu phải lấy một bộ phận nào đó của áo làm "chỗ dựa khi cắt may" thì đó chính là "cầu vai" (gắn với cổ áo) chứ không phải "vạt áo". Vai, cổ áo hẹp thì mặc không nổi, trong khi "vạt áo" dài hay ngắn tí chút cũng không sao. Mặt khác, kinh nghiệm "lấy lý trưởng làm chỗ dựa (khi tiếp xúc, bình phẩm)" của Nguyễn Đức Dương cũng chỉ là võ đoán, bởi mỹ tục thuần phong của làng xã đâu tập trung cả vào ông lý trưởng?

- Với nhóm Vũ Dung, nếu hiểu "muốn tìm ai thì cứ túm lấy vạt áo", thì phải nói "người cứ tràng" (người thì cứ "vạt áo" mà túm), chứ không phải "áo cứ tràng". Vả lại, còn đang đi "tìm ai" đó, làm sao lại túm được "vạt áo" của người ấy?

Vậy, "tràng" trong "Áo cứ tràng, làng cứ xã" là gì? Theo chúng tôi, "tràng" (gọi tắt của "tràng vạt" - trường vạt) cũng có một nghĩa là "vạt áo dài". Nhưng trong câu tục ngữ này, "tràng" lại có nghĩa là cái "cổ áo". "Từ điển AN NAM - LUSITAN - LATINH", A.de Rhodes cho biết: "Tlàng áo: phần trên chiếc áo che cổ." ("Tlàng" là âm xưa của "tràng" [cổ áo], Hán = "lĩnh" 領).

Bây giờ, xin xét đến nghĩa của chữ "lĩnh" [lãnh] 領 (cổ áo):

- "Khang Hy tự điển": "lĩnh 領 - cái cổ; cái che trùm ở cổ; cũng để gọi bộ phận thống lĩnh đối với chiếc áo, là phần đầu mối vậy."

[領, 頸也. 以壅頸也. 亦言總領衣體, 爲端首也].

- "Từ Nguyên": "lĩnh: tên gọi chung cái cổ, gồm cả đằng trước và đằng sau; phần che cổ của chiếc áo cũng gọi là lĩnh. lĩnh tụ: cầm nắm một cái áo, tất phải cầm ở bộ phận cổ áo và tay áo, nên lấy "lãnh" và "tụ" (cổ áo và tay áo) để ví với người có khả năng cầm đầu, dẫn dắt những người dưới." [領: 頸項之總名也;衣之護頸者曰領; 領袖: 衣之提挈必在領袖. 故以喻人之能提挈其下者].

- "Từ Hải": "lĩnh: phần che cổ của chiếc áo. Lĩnh tụ: Áo có bộ phận cổ [lĩnh] và tay áo [tụ] là chỗ để cầm, xốc, nên gọi người có khả năng lãnh đạo, dẫn dắt là "lĩnh tụ" ["領: 衣之護頸處也; 領袖: 衣有領與袖為提挈之處轉以喻人之能領率其下者也"].

- "Hán Việt tự điển" (Thiều Chửu): "lĩnh 領. ① Cái cổ...② Cái cổ áo, một cái áo cũng gọi là nhất lĩnh - 領. Xóc áo thì phải cầm cổ, cầm tay thì áo mới sóng, vì thế nên người nào quản lý một bộ phận, một nhóm gọi là lĩnh tụ 領袖 (đầu sỏ)".

Như vậy, nghĩa của chữ "lĩnh" rất phù hợp để trở thành cặp đôi tương xứng với "xã" (xã trưởng). Nhưng, tục ngữ nói "cứ tràng", đâu nói "cứ lĩnh"? Các cuốn từ điển sau đây sẽ cho ta biết, "lĩnh" [lãnh] 領 chính là "tràng" (cổ áo):

- "Tam thiên tự": "Y 衣 - Áo; Lãnh 領 - Tràng".

- "Ngũ Thiên Tự" (bản Hán - Việt - Pháp) chú rõ hơn: "領 - lãnh (lĩnh) - tràng (cổ áo) - Col" (Đoàn Trung Còn).

- "Việt Nam tự điển" (Hội Khai Trí Tiến Đức): "領 - lĩnh. Tràng áo (không dùng một mình)".

Theo đó, "tràng" (cổ áo) là bộ phận đầu mối của cái áo, giữ vị trí thống lĩnh đối với cả cái áo; "xã" (xã trưởng) là cấp quản lý cao nhất của làng. Muốn "xóc" (cầm, túm) để giũ cho cái áo dài trở nên "sóng" (phẳng), cứ cầm lấy phần cổ áo là gọn gàng nhất; cũng như việc làng, chỉ cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu "xã" (trưởng), tự khắc (ông "xã") sẽ mẫn cán, lo đốc thúc công việc đến từng người dân. Kinh nghiệm quản lý làng xã này đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Như vậy, chỉ khi trả lại nghĩa đích thực của chữ "tràng" trong câu tục ngữ, chúng ta mới thấy hết sự sâu sắc và cái hay cái đẹp trong cách ví von, so sánh của dân gian.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo