Trong buổi tọa đàm định kỳ vào ngày 17-5 vừa qua tại nhà GS-TS Trần Văn Khê, GS-TS Trần Quang Hải, con GS-TS Trần Văn Khê, đã giới thiệu một nhạc cụ dân tộc Việt Nam mà rất ít người biết đến là đàn môi. Sau khi giới thiệu tính năng, cấu tạo và khả năng diễn tấu của đàn môi Việt Nam cũng như thế giới cùng những nét độc đáo của nhạc cụ này, ông giới thiệu với người nghe một “học trò” yêu đàn môi mà ông đã “đốt đuốc đi tìm” là Đặng Văn Khai Nguyên. Tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng Khai Nguyên đã sử dụng được rất nhiều loại đàn môi và có nhiều đóng góp, sáng tạo góp phần quảng bá nhạc cụ dân tộc này ra thế giới. Phần trình bày và diễn tấu của Khai Nguyên đã nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt của khán giả.
Khai Nguyên hiện đang làm công tác cứu hộ động vật hoang dã tại Khu Bảo tồn quốc gia Nam Cát Tiên. Anh cho biết mình đến với nhạc cụ này một cách rất thú vị, đó là một lần tình cờ xem chương trình văn hóa nghệ thuật trên đài truyền hình thấy “ông nào giống bác Trần Văn Khê quá”, lại chơi một nhạc cụ khá lạ về âm sắc lẫn hình thức.
Từ đó, Nguyên tò mò, tìm hiểu và biết được “ông giống bác Trần Văn Khê” chính là GS-TS Trần Quang Hải. Nguyên lập tức tìm vào trang web của GS để làm quen và học hỏi. Sau đó, Khai Nguyên được “sư phụ” Trần Quang Hải nhận làm “đệ tử”, thầy trò dạy và học theo dạng “đào tạo từ xa”. Nguyên và GS Hải trao đổi về kỹ thuật diễn xướng cũng như các vấn đề chuyên môn bằng cách thu và gửi các video, thư điện tử… Sau 3 năm truyền nghề qua online, buổi sinh hoạt chuyên đề này cũng là lần đầu tiên thầy và trò “offline”. Được nghe trực tiếp Khai Nguyên diễn tấu, GS-TS Trần Quang Hải đã thốt lên: “Đây là một thế hệ rất tiềm năng, tôi chơi đàn môi theo cách của tôi nhưng Nguyên lại biết kết hợp những kỹ thuật đàn môi của thế giới với kỹ thuật đàn môi Việt Nam, hết sức độc đáo”.
Qua GS-TS Trần Quang Hải, Khai Nguyên còn liên lạc, làm quen với những người bạn chơi đàn môi trên khắp thế giới để trao đổi, học hỏi. Mỗi khi họ có dịp đến Việt Nam, Khai Nguyên đều gặp gỡ, giao lưu, học hỏi. Hiện nay, Khai Nguyên đã sưu tầm được khoảng 30 loại đàn môi trên thế giới. Không những thế, anh còn sáng tạo ra những cây đàn môi độc đáo với 2, 3, 4 lưỡi, đàn môi hai đầu. Điều thú vị nữa là những cây đàn môi tre do Khai Nguyên chế tác đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới như: Nhật, Argentina, Nepal, Ấn Độ, Bangladesh...
Không chỉ thỏa mãn đam mê của riêng mình, Khai Nguyên còn truyền dạy cho các bạn trẻ ở địa phương với một nhóm khoảng 20 em từ 10-17tuổi, không những sử dụng thành thạo mà còn có thể chế tác đàn môi. “Cây đàn môi của Việt Nam đã được đo đạc và đánh giá là có âm thanh hay nhất, bồi âm chính xác nhất so với các loại đàn môi khác và nó cũng rất được ưa chuộng, sử dụng ở nhiều nước trên thế giới, thậm chí hay hơn cả cây đàn môi Khomus của người Yakutia đã được đưa vào sách Guinness. Thế nhưng, điều nghịch lý là ở ngay tại Việt Nam lại có quá ít người biết đến nhạc cụ này” - Khai Nguyên trăn trở.
Theo Khai Nguyên, không chỉ là một nhạc cụ, với kỹ thuật đồng song thanh khi sử dụng, cây đàn môi cũng sẽ là một phương pháp hỗ trợ rất hiệu quả trong y học với những người bị vấn đề về dây thanh quản. Khi nắm được phương pháp này, họ có thể dùng đàn môi để tạo tiếng nói mà không cần dùng thanh quản.
Với những đóng góp của mình, đầu tháng 5 vừa qua, Khai Nguyên đã được kết nạp vào Hiệp hội Đàn môi Thế giới (IJHS- International Jew’s Harp Society).
Cuối buổi tọa đàm, Khai Nguyên trở thành nhân vật trung tâm khi rất nhiều người đã quan tâm hỏi thăm, xin các thông tin để liên lạc, tìm hiểu. Một tin vui là Quỹ Văn hóa Giáo dục Hàn Nguyên Nguyễn Nhã của TS sử học Hàn Nguyên Nguyễn Nhã đã lên kế hoạch mời Khai Nguyên giới thiệu cây đàn môi trong các dự án đưa âm nhạc vào trường học của ông. Đây không chỉ là ước mơ của “thầy trò” Khai Nguyên mà còn là của những ai yêu nền văn hóa, âm nhạc dân tộc Việt.
Bình luận (0)