xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chảy máu nhân tài âm nhạc hàn lâm (*): Hãy biến con thành ca sĩ!

Thùy Trang

Sự thiếu hụt trầm trọng học viên trong những khoa đào tạo khí nhạc sẽ dẫn đến nguy cơ khan hiếm nguồn nhân lực cho việc phát triển âm nhạc hàn lâm sau này

Một thực trạng đáng buồn là hầu hết giảng viên âm nhạc đều nhận được lời đề nghị của học sinh, sinh viên: “Hãy giúp con trở thành ca sĩ nổi tiếng”. Dù bất ngờ trước nhận thức của giới trẻ về âm nhạc nhưng các giáo viên, giảng viên âm nhạc đều phải trở thành giảng viên thanh nhạc để đáp ứng nhu cầu của xã hội với giá luyện thanh vài trăm ngàn đồng/giờ, đủ mang lại cuộc sống khá ổn cho họ.

Thiếu học viên khí nhạc

So với thanh nhạc, đầu vào cho các ngành khí nhạc luôn ít với tỉ lệ 1/3. Tổng kết thí sinh đầu vào năm 2013 của Nhạc viện TP HCM, ngành thanh nhạc có khoảng 700 hồ sơ học viên, trong khi học viên đăng ký ngành khí nhạc chưa đầy 300.

Trần Nhật Minh - một chỉ huy trẻ của dàn nhạc giao hưởng - trở về nước làm việc tại Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP HCM. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Trần Nhật Minh - một chỉ huy trẻ của dàn nhạc giao hưởng - trở về nước làm việc tại Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP HCM. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

TS Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng Phòng Đào tạo Nhạc viện TP HCM, cho biết khóa học 2014 có khoảng 500 học viên thi vào. Nhạc viện chọn ra 40 học viên ngành khí nhạc để giảng dạy theo hệ trung cấp. Trong khi đó, ở các khoa khác như kèn, chỉ có 2 học viên thi vào và trường sẽ nhận luôn cả 2. Điều này cho thấy tỉ lệ chênh lệch quá lớn giữa những người thích thanh nhạc và khí nhạc hiện nay.

Một trong những vấn đề nan giải của ngành đào tạo khí nhạc hiện nay là học viên chỉ đăng ký thi vào khoa piano, chiếm đến 95% so với các khoa khác. Cụ thể, năm vừa qua, Nhạc viện TP HCM chỉ tuyển được 20 học viên cho khoa guitar, 30 cho khoa dàn dây, 10 cho khoa dân tộc và không có học viên nào thi vào khoa kèn.

Để giải quyết tình trạng hiếm học viên, Nhạc viện TP HCM phải đến các vùng cao như khu vực Tây Nguyên rồi về các vùng sâu, vùng xa tìm kiếm và động viên những người có năng khiếu theo đuổi ngành học với điều kiện ưu đãi, như hỗ trợ nơi ăn chốn ở. Tuy nhiên, giải pháp này mới chỉ bắt đầu và vẫn chưa gặt hái kết quả như mong đợi.

Âm nhạc đâu chỉ có hát!

Số học viên đang theo đuổi ngành piano với 3 hệ đào tạo trung cấp, cao đẳng và đại học của Nhạc viện TP HCM tính ra cũng chỉ bằng một phần rất nhỏ so với số học viên thanh nhạc (hệ ngắn hạn trung cấp) ở đây. Đó là chưa kể trong quá trình đào tạo, học viên piano tiếp tục rơi rụng dần vì tương lai mờ mịt như bà Văn Thị Minh Hương (Giám đốc Nhạc viện TP HCM) thừa nhận.

Trong khi đó, học viên thanh nhạc thường tự tìm cơ hội tỏa sáng ngay cả lúc đang được đào tạo. “Gần như không có học viên thanh nhạc nào nghĩ đến việc trở thành thầy- cô dạy nhạc sau khi kết thúc khóa học. Ai cũng muốn làm ca sĩ và đó là vấn đề nan giải” - ca sĩ Tạ Minh Tâm (giảng viên thanh nhạc Nhạc viện TP HCM) băn khoăn.

Nguyện vọng trở thành ca sĩ của nhiều bạn trẻ thời nay là điều dễ hiểu khi cuộc sống xa hoa của giới giải trí được phô diễn từng giờ trên nhiều trang mạng và cả truyền hình. Trong khi đó, việc giáo dục âm nhạc ở nhà trường hầu như bị bỏ trống. Thế nên, với đại đa số công chúng Việt, âm nhạc chỉ đồng nghĩa với ca hát - ca sĩ. Sự cổ xúy của những chương trình truyền hình thực tế về tìm kiếm tài năng âm nhạc (chủ yếu là ca hát) càng làm cho công chúng hiểu không đúng về đời sống âm nhạc. Vì vậy, nhiều bạn trẻ tìm đến các giáo viên âm nhạc chỉ để học luyện thanh cho đủ biết hát.

“Trong khi đó, điều chúng ta cần là mọi người phải biết những thứ liên quan đến âm nhạc, không phải để trở thành một ca sĩ nổi tiếng mà để biết thế nào là âm nhạc và để thụ hưởng cuộc sống của chính mỗi người qua âm nhạc” - nhạc sĩ Việt Anh mong mỏi.

Cần sự sẻ chia

Không có đất diễn là hiện trạng chung của những người trót theo đuổi nghiệp khí nhạc (nghệ sĩ nhạc cụ) thay vì thanh nhạc (ca sĩ), đặc biệt là trong lĩnh vực nhạc hàn lâm. Dù nhiều người có trách nhiệm với âm nhạc hàn lâm Việt Nam đang cố gắng tạo nên những buổi biểu diễn để thu hút nhân tài trở về nhưng xem ra, nỗ lực đó không mang lại hiệu quả. Chương trình biểu diễn Giai điệu mùa thu định kỳ hằng năm ngày càng mờ nhạt về mặt nội dung và nghệ sĩ Việt trở về nước tham gia ngày càng ít dần. Kinh phí chính là vấn đề vướng mắc dù chương trình nhận được khá nhiều sự ủng hộ từ cơ quan chức năng.

Những thương hiệu tài trợ cho các chương trình biểu diễn nhạc hàn lâm cũng hiếm hoi so với mặt bằng chung của thị trường nhạc Việt. Thi thoảng mới có một chương trình biểu diễn loại hình nghệ thuật hàn lâm được tổ chức gắn logo nhà tài trợ. Song, hiệu suất chương trình lại không cao khi những buổi diễn này chủ yếu mang tính nội bộ quảng bá thương hiệu là chính, trong khi nó hoàn toàn xa lạ với đại đa số công chúng.

Những người trong nghề cho hay không mấy nhãn hàng mặn mòi với việc tham gia tài trợ cho chương trình âm nhạc hàn lâm. Đơn giản là vì họ không đạt được hiệu quả trong quá trình quảng bá thương hiệu.

“Có dịp đến và tìm hiểu cơ chế hoạt động của nhiều học viện âm nhạc, tôi nhận thấy nhà nước sở tại có sự ưu đãi đặc biệt để âm nhạc hàn lâm phát triển. Ngoài kinh phí, nhà nước cần tạo điều kiện tối đa cho các công ty, tập đoàn khi họ hỗ trợ đơn vị nghệ thuật nhạc hàn lâm bằng cách miễn thuế hoặc ưu tiên trong đầu tư, đấu thầu. Chỉ có cách đó, nhạc hàn lâm Việt mới phát triển” - bà Minh Hương nhìn nhận.

Cần có công chúng biết âm nhạc

“Công chúng nghe hát và cho đó là thứ duy nhất thuộc về âm nhạc. Khi biết nghe một giai điệu đẹp, trình độ thưởng thức của bạn cũng tăng lên. Hãy nhìn vào công chúng của nước bạn, Philippines chẳng hạn, chỉ cần nghe một giai điệu, toàn thân họ bắt đầu lắc lư một cách thư giãn. Trong khi đó, đa phần ca sĩ lẫn khán thính giả Việt gần như vô cảm với âm nhạc. Không ai cố tình nhưng đó là kết quả của việc họ không thẩm thấu được giai điệu của âm nhạc. Đó là một thiệt thòi rất lớn” - ông Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP HCM, lo ngại.

Tất nhiên, để có được điều này thì cần có một quá trình đào tạo và cả những trải nghiệm nhất định. Song, ở Việt Nam hiện tại, hệ thống giáo dục cơ bản trong nhà trường vẫn thiếu. Kết quả là “công chúng vẫn tin rằng biết hát tức là biết âm nhạc” như lời bà Minh Hương.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo