Trong bài thơ Quà tặng bằng hữu, Nguyễn Bắc Sơn viết: Ta bẩm sinh vốn là người thích tặng...
Tôi xin kể vài chuyện tặng của anh mà tôi được biết: Một sáng sớm vừa đủ lạnh cho nhà thơ có sức khỏe không mấy tốt mặc chiếc áo ấm đắt tiền mới toanh đi uống cà phê với bạn văn nghệ, tình cờ gặp một người quen đang bốc vác hàng hóa thuê, nhà thơ của chúng ta liền cởi áo tặng cho người quen chứ không thân này vì thấy anh ta mặc phong phanh chiếc áo không lành lặn.
Đã vài lần Nguyễn Bắc Sơn ra khỏi nhà bằng xe đạp nhưng đi bộ trở về nên chuyện anh không còn xe chẳng làm bạn bè ngạc nhiên. Là một giang hồ hảo hán nên anh có rất nhiều anh em, bè bạn. Anh đang đạp xe tà tà mà gặp anh em, bạn bè tàn tạ, lếch thếch là anh mời vào quán cà phê, khi rủng rỉnh túi thì mời bia, hỏi han sự tình rồi năn nỉ bạn nhận giùm chiếc xe đạp để đỡ chân đường xa. Thời bao cấp, chiếc xe đạp là cả tài sản lớn đối với nhiều người.
Đồng tiền không có chỗ trong túi Nguyễn Bắc Sơn. Đồng tiền có được vừa gá vào túi là anh móc ra tặng hết cho người hành khất, cho người có hoàn cảnh thương tâm. Khi hết tiền, anh vô tư hỏi xin bạn bè, chỉ xin vừa đủ ly cà phê nhưng vừa cầm tiền, nhiều khi anh nhịn cà phê vì có người… chìa tay xin anh. Thời học sinh, anh say mê đọc sách triết học, văn học; hễ sách mới có giá trị xuất bản là anh mua ngay, anh đọc và tặng cho các bạn cùng đọc, sách đắt tiền mấy anh cũng mua nhờ có… tủ tiền bán bánh phở của người mẹ tuyệt vời của anh, rất thương yêu anh và đám bạn của con mình.
Có dạo sáng nào anh cũng uống cà phê quán cóc vỉa hè với cánh phóng viên, văn nghệ sĩ ở Phan Thiết để anh tiện việc tặng ổ bánh mì thịt cho một cô nhân viên văn thư của một cơ quan gần đó. Cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn được bác Nguyễn Bắc Sơn cho bánh mì đã vô tư ăn như một… thánh nữ, còn nhà thơ của chúng ta thì rất hồn nhiên như một... thánh nam.
Ta thường tặng cho gã hành khất/ Tiền ăn sáng của mẹ ta cho/ Ta tặng cho bạn bè/ Từng chồng sách ta từng yêu quý… Điều ta tặng chính là một bài thơ hay/ Kẻ làm thơ chính trực/ Là kẻ tặng mọi người/ Những gì y có/ Sau cùng còn cái mạng không/ Y tặng nốt cho người y yêu.
Nguyễn Bắc Sơn đã Tặng kẻ từng quen biết/ Tặng luôn kẻ không quen/ Tặng thế hệ mai sau/ Những kẻ chưa sinh ra khi ta đã chết không chỉ một mà nhiều bài thơ hay, còn cái mạng không của anh tất nhiên anh dành cho người anh yêu là người vợ đã yêu thương, chăm chút anh suốt đời, từng lặn lội tìm anh từ Phan Thiết đến Phan Rí, Đà Lạt… khi anh mê mải phiêu bồng.
Cụ thân sinh nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn từng là bộ đội đi qua hai cuộc chiến tranh. Ông mất năm 1976 ở Sài Gòn vì tai nạn giao thông, mang cấp bậc trung tá Quân đội nhân dân Việt Nam, được gia đình chôn cất trong khu vườn gần biển ở phường Đức Long, Phan Thiết - nơi gia đình Nguyễn Bắc Sơn ở hiện nay.
Nhớ dịp đám giỗ lần thứ nhất của cụ vào năm 1977, Nguyễn Bắc Sơn dành cả một mâm đồ cúng sang thắp hương trên mộ một người lính chế độ Sài Gòn nằm bên ngoài vòng rào khu vườn. Giáp Tết, có lần quét vôi mộ cụ thân sinh, Nguyễn Bắc Sơn cũng quét vôi luôn cho ngôi mộ này. Một cán bộ phường còn trẻ ngạc nhiên vì hành động này, hỏi nhà thơ “sao chú làm thế?”, Nguyễn Bắc Sơn chỉ cười, nụ cười của một người “ở đời như một nhà thơ Đông phương” (tên thi phẩm thứ hai của Nguyễn Bắc Sơn).
Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn tên thật là Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1942 tại Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Năm 1972, NXB Đồng Dao (Sài Gòn) xuất bản tập thơ Chiến Tranh Việt Nam & Tôi của Nguyễn Bắc Sơn, gây tiếng vang lớn không chỉ ở miền Nam.
Bình luận (0)