xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chim Trắng bay về trời…

TIỂU QUYÊN

“Ông già ngậm tẩu thuốc” của làng thơ Việt Nam đã mãi mãi về cõi vĩnh hằng. Chim Trắng đã bay về trời, để lại cho đời những tác phẩm được sáng tác trải dài gần nửa thế kỷ

Hôm qua, 29-9, đông đảo bè bạn văn chương đã đến viếng linh cữu nhà thơ Chim Trắng tại nhà riêng của ông ở phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương trong niềm tiếc thương. Tin nhà thơ ra đi đã khiến nhiều người bàng hoàng vì chỉ mới đây thôi, ông vẫn còn hiện diện thân thuộc bên cạnh mọi người.

Nhà thơ như đã đoán biết trước sự ra đi của mình nên đã âm thầm chuẩn bị di chúc. Ông muốn được về thế giới bên kia trong nhẹ nhàng, tĩnh lặng, không kèn trống và cũng không muốn làm phiền đến bạn bè thân hữu, hội nghề nghiệp.

img

Nhà thơ Chim Trắng. Ảnh: INTERNET

Hình ảnh ông già ngậm tẩu thuốc quen thuộc ở góc quán cà phê Hội Nhà văn TPHCM năm nào bây giờ sẽ chỉ còn trong ký ức của những người yêu mến ông. Đọng lại sâu sắc trong ký ức của bè bạn văn chương về nhà thơ Chim Trắng là một “ông già nóng tính”, nhiều lúc thẳng thắn đến quyết liệt, dễ làm phật lòng người khác nhưng ẩn sau đó là lòng nhân ái, bao dung và luôn hết mình bảo vệ cho lẽ phải, quyền lợi của anh em văn nghệ sĩ.

Nhà văn Bích Ngân nói lần đầu tiên tiếp xúc với nhà thơ Chim Trắng, bà đã phải giật mình vì thái độ quyết liệt của ông trong cách hành xử, mọi thứ với ông đều phải trắng đen rõ ràng. Ký ức đầu tiên khi nhà văn Bùi Chí Vinh nhắc về nhà thơ Chim Trắng cũng chính là sự cương trực, dám nói thẳng, nói thật những điều người khác không dám nói. Còn nhà văn Bùi Anh Tấn vẫn nhớ những câu chuyện trên rừng dưới biển mà nhà thơ Chim Trắng đã từng kể và những quan điểm về sáng tác văn chương của ông trong thời đại mới.

“Đối với những người viết trẻ thế hệ sau năm 1975 như chúng tôi, nhà thơ Chim Trắng là một đàn anh đáng kính và đầy thương quý. Thời còn công tác ở Báo Văn Nghệ TPHCM, ông luôn có những chia sẻ quý báu dành cho những người sáng tác trẻ. Ông luôn có những ý kiến đóng góp sâu sắc để đưa sáng tác thơ đi lên. Trong những chuyến đi thực tế về các tỉnh, thành, ông cũng luôn là người động viên tinh thần sáng tác cho anh em bằng sự nhẹ nhàng và chân thành nhất” - nhà thơ Lê Thị Kim thổ lộ. Trong ký ức của chị, nhà thơ Chim Trắng không chỉ là một người sống thẳng thắn và công tâm mà còn là hình ảnh của sự lặng lẽ trong đời thường.

Những năm cuối đời, ông lui về ngôi biệt thự yên tĩnh tại Bình Dương và gần như ở ẩn. Nhà thơ từng nói đó là nơi trú ẩn hoàn hảo nhất trong suốt cuộc đời ông. Ở đó, ông đã tìm thấy sự tĩnh lặng và bình yên tuyệt đối sau những năm tháng đi giữa sóng gió cuộc đời.

Không chỉ làm thơ, Chim Trắng từng khiến bạn bè văn chương bất ngờ khi xuất hiện với vai trò là thám tử tài ba bên cạnh hai diễn viên Trương Minh Quốc Thái và Dương Yến Ngọc trong bộ phim truyền hình Thám tử tư của đạo diễn Trần Mỹ Hà thực hiện (Hãng phim TFS sản xuất năm 2007). Nghệ sĩ Mạc Can nói chính nhờ cái tẩu thuốc mà hình ảnh “ông thám tử” trong phim của nhà thơ Chim Trắng sắc nét và ấn tượng hơn. “Hồi tui mới tập tành viết lách, ổng cũng là một trong những người đầu tiên khuyến khích tui đi theo nghiệp văn chương”- nghệ sĩ Mạc Can nhớ lại.

Mấy năm nay, nhà thơ Chim Trắng lui về “ở ẩn”, còn nghệ sĩ Mạc Can thì lang bạt trên đất Mỹ, ít gặp lại nhau nhưng trong lòng Mạc Can, nhà thơ Chim Trắng vẫn mãi là một đàn anh thương quý. 

Ông già ngậm tẩu thuốc của làng thơ Việt Nam đã mãi mãi về cõi vĩnh hằng. Chim Trắng đã bay về trời, để lại cho đời những tác phẩm được sáng tác trải dài gần nửa thế kỷ: Có đâu như ở miền Nam, Tên em rực rỡ vô cùng, Đồng bằng tình yêu, Một góc quê hương, Dấu vết nhỏ nhoi, Khi tình yêu lên tiếng, Có một mùa thu trong, Thơ Chim Trắng - Cỏ gai, Hát lời cỏ hát… Trong đó tập thơ Cỏ khóc dưới chân tôi (xuất bản năm 2008) được xem là tác phẩm xuất bản sau cùng trong sự nghiệp văn chương của ông.

Tóm tắt tiểu sử nhà thơ Chim Trắng

Nhà thơ Chim Trắng tên thật là Hồ Văn Ba, sinh năm 1938, tại Bến Tre. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ những năm cuối thập niên 1950. Ông từng giữ chức Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM và là Tổng Biên tập Báo Văn nghệ TPHCM.

Gần nửa thế kỷ gắn bó với thơ ca, ông đã xuất bản hàng chục tập thơ, trong đó có tập Những ngả đường đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1981. Nhiều tác phẩm thơ được chuyển ngữ sang tiếng Hàn, trong đó vang danh nhất là bài thơ Bông súng tím.

Sau một thời gian lâm bệnh nặng, ông đã qua đời vào ngày 28-9-2011.

Linh cữu nhà thơ Chim Trắng được quàn tại nhà riêng, lễ động quan sẽ diễn ra
lúc 10 giờ ngày 1-10, an táng tại nghĩa trang Chánh Phú Hòa (huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương).

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo