Cuộc sống đang biến thiên từng ngày, với bao nhiêu điều bức xúc đang đặt ra, người đọc hôm nay trông chờ văn học lên tiếng nhưng nhiều năm qua gương mặt văn học Việt vẫn ảm đạm, tiếng nói của văn học trong đời sống hôm nay yếu ớt và nhợt nhạt đến nhàm chán. Nhiều người kỳ vọng vào một đời sống văn học nghiêm túc, trong sạch và nhiều cảm hứng trong năm 2012 nhưng xem ra không dễ có.
Không có tác phẩm “đủ hấp dẫn”
Tỏ ra không mấy lạc quan trước những gì đang có của văn học Việt Nam, nhà văn Chu Lai cho biết gần đây ông rất ít đọc, vì không có tác phẩm nào đủ hấp dẫn, kể cả những cuốn được giải vì “chấm giải mãi nên cũng hiểu chất lượng của nó thế nào”.
nhưng chưa thật sự tạo được dấu ấn trong đời sống xã hội
Bỏ tiểu thuyết, viết tản văn
Nhà văn Chu Lai cho biết đã mấy năm nay ông không viết gì vì những gì đang viết không hay hơn những thứ đã ra mắt độc giả. Một phần nữa là không có cảm xúc viết, vì vậy “đừng kỳ vọng gì vào Chu Lai”, tác giả của Nắng đồng bằng cười cho biết.
Nhà văn Thùy Linh, tác giả của Gió mưa gửi lại, tập truyện ngắn từng được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải B (không có giải A) năm 2004, cho biết thời gian gần đây chị viết gì cũng thấy đuối so với cuộc sống thực tế. “Cuộc sống đầy bi kịch, những điều hay ho, nhưng khi tải lên trang viết lại thấy nó không được như ý mình” - Thùy Linh chia sẻ.
Sau 3 năm liền ra mắt 3 cuốn tiểu thuyết đầy đặn: Nháp (năm 2008), Phiên bản (2009) và Kín (2010), nhà văn Nguyễn Đình Tú, Trưởng Ban Văn xuôi tạp chí Văn nghệ Quân đội, tạm dừng lại việc ra mắt tiểu thuyết mới của mình. Theo nhà văn này, anh cần có thời gian dừng lại để những tác phẩm tiếp theo của mình mới mẻ hơn, khác đi trong con mắt của độc giả. Nguyễn Đình Tú cũng cho biết 5 năm nay anh không ra tập truyện ngắn nào vì nó không đánh dấu mốc nào trong đời văn của anh.
Đỗ Bích Thúy, sau khi ra mắt những tác phẩm gây chú ý vừa qua: Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, Bóng của cây sồi, Những buổi chiều đi ngang cuộc đời... giờ đã chuyển sang viết tản văn. Nguyễn Ngọc Tư cũng vậy. Cây bút nữ từng giành giải nhất cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Quân đội này từng thổ lộ những giờ phút dành cho văn chương ngày một bị khoanh lại, bé tẹo, dù miếng bánh ấy vẫn là miếng bánh ngon nhất.
Nhìn lại thực tế này, Nguyễn Quang Thiều cho rằng hầu hết các nước trên thế giới đều vậy. Theo anh, để có một nhà văn lớn, không chỉ cá nhân nhà văn đó phải chuẩn bị để làm nhà văn mà cả dân tộc đó phải chuẩn bị rất nhiều điều để sinh ra những công dân xuất sắc. Chúng ta biết đến một Nguyễn Du nhưng lại không biết đến hàng vạn người viết thơ cùng thời với ông mà không ai để lại tác phẩm nào như Truyện Kiều. Chúng ta có hàng ngàn học sinh giỏi toán để cuối cùng có một Ngô Bảo Châu.
Nói về sự kỳ vọng vào văn học Việt Nam trong năm 2012, Nguyễn Quang Thiều không mong đợi những tác phẩm đột phá mà kỳ vọng vào một đời sống văn học nghiêm túc, trong sạch và nhiều cảm hứng. “Còn nếu chúng ta cứ nghĩ cụ thể về một năm tiếp theo như năm 2012 thì chúng ta sẽ không đủ kiên nhẫn và trở thành những người vô lý” - nhà thơ nổi tiếng này khẳng định.
Không ít người trẻ viết hay hơn Tuy nhiên, không phải ai cũng có cái nhìn ảm đạm về văn học Việt. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, thẳng thắn cho rằng đã có thể nghĩ về một tương lai của nền văn học từ những dấu hiệu tốt. Giải thưởng Hội Nhà văn vừa qua, năm 2010 và 2011, đã trao cho những tìm tòi và đặc biệt trao cho những người còn trẻ như Đỗ Doãn Phương, Nguyễn Danh Lam …
Điều đó, theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, cho thấy hai vấn đề, một là sự khẳng định đầu tiên với một thế hệ nhà văn mới, hai là sự “độc quyền” văn chương trong một giai đoạn nào đó đã không còn như cũ. Chính hai yếu tố này cho ta thấy những dự báo tốt cho sự phát triển của văn học đương đại Việt Nam.
Khi lý giải về việc thiếu vắng những tác phẩm xứng tầm, dù Nhà nước đã chi nhiều tiền đặt hàng cho các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều lại cho rằng chính sách của Nhà nước đầu tư cho văn học nghệ thuật là chính sách dài lâu, mang tính chiến lược. Đôi khi có những chính sách tính đến hiệu quả của một thế kỷ sau.
Vì đó là chính sách đối với văn hóa và văn học nói riêng chứ không phải là chính sách phủ xanh đồi trọc mà chúng ta tập trung làm trong 6 tháng hay một năm. Anh cũng thừa nhận chưa đọc được những tác phẩm giật mình nhưng đã thấy có không ít người trẻ viết hay hơn thế hệ của mình. Và đó là điều đáng nói. |
Bình luận (0)