Liên hoan Phim (LHP) Việt Nam lần thứ 15 sẽ chính thức khai mạc ngày 21-11 tại TP Nam Định với sự có mặt của khoảng 500 đại biểu, diễn viên với 113 phim dự giải, trong đó có tới 25 phim truyện nhựa...
Những đối thủ nặng ký
Tất cả những phim nổi đình đám với các giải thưởng lớn, nhỏ trong ba năm qua (2004-2007) đều có mặt trong LHP lần này. Đó là Mùa len trâu, Sống trong sợ hãi, Chuyện của Pao, Hà Nội, Hà Nội, Vũ điệu tử thần, Đường thư, Chiến dịch trái tim bên phải, Áo lụa Hà Đông, Dòng máu anh hùng, Hạt mưa rơi bao lâu... Để có thể chọn được “vàng mười” đúng nghĩa, ban giám khảo liên hoan sẽ phải đau đầu để chọn lựa, nhất là với những bộ phim hợp tác đã giành không ít giải thưởng lớn, nhỏ tại các LHP quốc tế. Trong số này, có thể kể đến Mùa len trâu (đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Hãng phim Giải phóng - Việt Nam; 3B Productions - Pháp; Novak Prod - Bỉ hợp tác sản xuất). Một bộ phim hợp tác khác cũng được đánh giá cao là Hà Nội, Hà Nội (đạo diễn Lý Vỹ và Bùi Tuấn Dũng, Hãng phim Hội Nhà văn và Hãng phim Dân tộc Vân Nam hợp tác sản xuất). Hà Nội, Hà Nội từng được Hội Điện ảnh Việt Nam trao giải Cánh diều vàng 2006.
Cảnh trong phim Mùa len trâu |
Tuy nhiên, với tiêu chí vì một nền điện ảnh đổi mới và hội nhập, ông Lê Ngọc Minh, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, khẳng định ở liên hoan này, ban giám khảo sẽ không phân biệt phim Nhà nước hay phim tư nhân, phim hợp tác hay phim Việt Nam, phim thương mại hay phim nghệ thuật..., cứ miễn hay là giành giải. Tính hội nhập ở đây nhằm tạo cơ hội cho sự ganh đua lớn hơn, tạo tính thị trường cao hơn. Điều này đồng nghĩa với việc ban giám khảo sẽ phải rất khó khăn để lựa chọn và cơ hội dành cho phim liên kết ở LHP năm nay là rất lớn. Dù vậy, để có thể giành giải cao nhất, Mùa len trâu, Hà Nội, Hà Nội sẽ phải cạnh tranh gay gắt với Áo lụa Hà Đông, Chuyện của Pao, Sống trong sợ hãi... Sau khi thay nhau nhận các giải thưởng tại lễ trao giải Cánh diều vàng 2005, Sống trong sợ hãi và Chuyện của Pao lại cùng nhau rong ruổi ở khá nhiều LHP quốc tế để nhận về không ít giải thưởng. Trước khi nhận Cánh diều vàng 2006 của Hội Điện ảnh Việt Nam, Áo lụa Hà Đông cũng đã nhận được Giải phim hay nhất do khán giả bình chọn tại LHP Busan (Hàn Quốc), sau đó là Giải phim nước ngoài được yêu thích nhất tại LHP Kim Kê (Trung Quốc)... Có thể nói, LHP năm nay là một bữa tiệc nhiều món ngon, và với một dàn phim đồng đều như thế, khán giả đang hồi hộp chờ đợi một sự bất ngờ từ phía ban giám khảo (hiện danh sách vẫn còn được giấu kín).
Cảnh trong phim Dòng máu anh hùng |
Nam nữ diễn viên: Đều đáng mặt anh tài
Nhìn vào danh sách ứng viên của Bông sen vàng, sẽ thấy không khó khăn lắm để tìm ra những gương mặt nổi trội cho giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Mấy năm gần đây, rất nhiều nam ca sĩ đã lấn sân sang lĩnh vực điện ảnh, nhưng với cả Lam Trường, Đan Trường, Phi Hùng, Nguyên Vũ..., điện ảnh chỉ là cuộc dạo chơi để đánh bóng tên tuổi của mình. Màn ảnh ngày càng thiếu những mẫu nhân vật nam có tính cách, có số phận, và vì thế, anh gù của Quốc Khánh trong Áo lụa Hà Đông sẽ là một ứng viên nặng ký. Diễn hài cũng tốt và diễn bi cũng lấy được không ít nước mắt khán giả, với khuôn mặt đầy vẻ cam chịu, dáng đi lòng khòng, khắc khổ, Quốc Khánh đã được vinh danh tại lễ trao giải Cánh diều vàng 2006 với sự nhất trí tuyệt đối của ban giám khảo. Cạnh tranh quyết liệt với chàng gù của Quốc Khánh là nhân vật Tải, do Trần Hữu Phúc đóng, trong Sống trong sợ hãi. Những ngày vất vả chịu đựng cái nắng như thiêu đốt ở Ninh Thuận của Phúc đã được đền đáp bằng giải thưởng Nam diễn viên chính xuất sắc nhất trong lễ trao giải Cánh diều vàng 2005. Không hiểu lần này, vận may còn đến với Phúc nữa không?
Nhưng thật sự nổi bật (về mặt ngoại hình) và sẽ được các nữ khán giả hâm mộ đặc biệt lại là Johnny Trí Nguyễn. Với ưu thế giỏi võ thuật, lại được dán mác diễn viên từ Hollywood, Johnny Trí Nguyễn và vai Lê Văn Cường của anh trong Dòng máu anh hùng cũng hứa hẹn những bất ngờ với khán giả...
Bông sen vàng cho Nữ diễn viên xuất sắc nhất là cuộc chạy đua của rất nhiều người đẹp tài sắc. Đó là Đỗ Hải Yến, cô Pao xinh đẹp, người đã nhận giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất trong lễ trao giải Cánh diều vàng 2005. Là Trương Ngọc Ánh với vai Dần từng được dự đoán là ứng viên số một của Cánh diều vàng 2006, là cả Ngô Thanh Vân (trong Dòng máu anh hùng) lẫn Thanh Thúy (trong Vũ điệu tử thần). Và một người nữa không thể không nhắc đến, đó là người đẹp Can Đình Đình đến từ Trung Quốc. Nữ diễn viên rất trẻ này đã từng làm bất ngờ số đông khán giả khi tên cô được xướng lên tại lễ trao giải Cánh diều vàng 2006, và lần này, cửa cũng rất rộng mở đối với cô...
Cảnh trong phim Vũ điệu tử thần |
Quảng bá, giới thiệu du lịch địa phương Theo ông Trần Minh Oanh, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, tỉnh đã đầu tư hơn 20 tỉ đồng cho việc nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ LHP, riêng việc xây mới Trung tâm Điện ảnh sinh viên với nhiều phòng đa chức năng, rạp chiếu lớn nhất chứa được 450 ghế đã “ngốn” hơn 10 tỉ đồng. Song song với việc giới thiệu các phim tranh giải, trong bốn ngày diễn ra LHP, BTC cũng sẽ kết hợp giới thiệu, quảng bá những nét đặc sắc của nền văn minh sông Hồng của địa phương. Các nghệ sĩ, diễn viên sẽ có nhiều hoạt động tiếp xúc, giao lưu với khán giả tại nhà thờ Bùi Chu, huyện Xuân Trường, tham dự lễ hội đền Mẫu, lễ hội Phủ Giầy tại huyện Vụ Bản... Lễ bế mạc và công bố giải thưởng sẽ được tổ chức tối 24-11 tại quảng trường TP Nam Định. |
Đưa điện ảnh đến gần hơn với khán giả Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 18-11, ông Lê Ngọc Minh, Cục phó Cục Điện ảnh, cho biết theo truyền thống từ trước đến nay, mỗi LHP đều được tổ chức ở một địa phương khác nhau. Vì đây là sự kiện lớn nhất của ngành điện ảnh nên rất nhiều địa phương muốn đăng cai tổ chức, Nam Định cũng nằm trong số đó. Đây là dịp để các địa phương giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của địa phương mình, đồng thời đưa điện ảnh đến gần hơn với khán giả qua những buổi giao lưu, tiếp xúc với các nghệ sĩ, diễn viên. Một số LHP nước bạn cũng áp dụng hình thức luân phiên này, ví dụ LHP Kim Kê của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Lê Ngọc Minh cũng cho biết, trong tương lai, LHP Việt Nam sẽ tổ chức cố định ở một nơi và mang tên gọi của địa phương đó, ví dụ LHP Hà Nội hay LHP TPHCM. Theo ông Minh, bằng việc tổ chức ở một địa phương cố định, LHP sẽ dễ đi vào lòng người hơn, dễ nhớ hơn. H.L.Anh |
Bình luận (0)