Không khí cuồng nhiệt với những tiếng vỗ tay, reo hò, thậm chí là những khoảnh khắc xúc động, những giọt nước mắt của khán giả tại trường quay mà khán giả xem truyền hình chứng kiến qua các chương trình truyền hình thực tế khi phát sóng trên tivi không phải lúc nào cũng phản ánh đúng sự thật. Bởi lẽ khán giả tại trường quay cũng trở thành một bộ phận diễn xuất của chương trình.
Họ là ai?
Thông thường, khán giả trong trường quay gồm 3 nhóm chính: khán giả của ban tổ chức mời; khán giả của nghệ sĩ (những người hâm mộ cuồng nhiệt luôn theo chân thần tượng đến khắp mọi chương trình khi họ ngồi “ghế nóng”) được phát vé mời; khán giả được thuê (ban tổ chức trả một số tiền nhất định để họ reo hò, cổ vũ cho các tiết mục thi theo ý đồ của người sản xuất chương trình).
Tùy đặc thù của mỗi chương trình mà tỉ lệ 3 nhóm khán giả này có thể khác nhau. Nhưng khán giả của ban tổ chức chỉ chiếm thiểu số. Trong đó, người nhà thí sinh, phần đông là những học sinh - sinh viên đăng ký tham gia vào “fan club” (CLB người hâm mộ) riêng của các thí sinh. Mỗi “fan club” của một thí sinh đều có người đại diện được ban tổ chức trao một lượng vé mời nhất định và thông qua Facebook, lượng vé này sẽ được phát cho những ai đăng ký tham gia.
Lượng khán giả của nghệ sĩ là thành phần chiếm số đông và không thể thiếu khi ngày càng nhiều người nổi tiếng của làng giải trí Việt tỏ ra hào hứng với công việc “ngồi ghế nóng” các chương trình truyền hình thực tế. Trong số khoảng 1.000 khán giả ở trường quay Vietnam Idol 2014 có gần một nửa là fan (người hâm mộ) hết sức cuồng nhiệt của nữ ca sĩ - giám khảo Mỹ Tâm. Tương tự, tại các chương trình truyền hình thực tế có các ca sĩ nổi tiếng ngồi “ghế nóng”, như Cẩm Ly, Lam Trường, Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng… cũng luôn có một lượng đông người hâm mộ đến từ các “fan club” của các ca sĩ này.
Nhóm khán giả được thuê cũng chiếm số lượng đông và không kém phần quan trọng trong việc khuấy động, tạo không khí náo nhiệt, tưng bừng cho chương trình. Đối tượng được nhắm đến thường là những học sinh, sinh viên có thời gian rảnh rỗi. Nếu nhận lời làm khán giả thuê, họ vừa có cơ hội gặp những người nổi tiếng, được lên truyền hình vừa kiếm được tiền. Đổi lại, người làm chương trình có được lượng khán giả đông đảo để lấp đầy trường quay và những khán giả “bất đắc dĩ” này sẵn sàng làm theo những chỉ đạo của người quản lý nhóm (còn gọi là hoạt náo viên).
Bảo sao “diễn” vậy
Từ chương trình Giọng hát Việt mùa đầu tiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số khán giả ngồi ở 2 nhóm gần sát sân khấu đều là khán giả được thuê đến từ Hội Fan Việt do một hoạt náo viên có kinh nghiệm làm chủ nhiệm. Hội Fan Việt này có đến hàng ngàn thành viên, trong đó có những thành viên cố định, có thể có mặt bất cứ chương trình nào, với đa phần là học sinh, sinh viên - chiếm khoảng 400-500 người. “Để trở thành thành viên của hội Fan Việt rất dễ. Chỉ cần có thời gian rảnh, có sức khỏe để vỗ tay, reo hò, cổ vũ theo chỉ đạo là được” - một sinh viên trong nhóm khán giả thuê cho biết.
Trước khi chương trình lên sóng truyền hình khoảng một giờ, khán giả thuê được dẫn vào khán đài, sắp xếp chỗ ngồi, thường ngồi ở vị trí thuận lợi nhất, gần sân khấu nhất. Ai có ngoại hình xinh đẹp sẽ được ưu tiên ngồi ở hàng ghế đầu. Sau đó, người quản lý của nhóm sẽ phát cho mỗi người một dụng cụ cổ vũ. Công việc còn lại của họ là phải “diễn” theo sự chỉ đạo của người quản lý cho đến hết chương trình.
Lúc chương trình chưa lên sóng, họ phải “diễn” trước những động tác như đứng dậy, vỗ tay, reo hò, tất nhiên là kèm theo nụ cười thật tươi trên mặt. Những màn diễn này luôn được quay trước để phục vụ cho việc cắt, dựng trong các chương trình không phải lên sóng trực tiếp. Họ cũng được tập dượt, huấn luyện nhiều động tác phải làm trong quá trình chương trình diễn ra. Hoạt náo viên sẽ giải thích ý nghĩa của từng “ám hiệu” để khi chương trình quay chính thức, chỉ cần nhìn ám hiệu đó, những khán giả thuê này sẽ lập tức hiểu ý định để làm theo. Chẳng hạn như ám hiệu nào là phải vỗ tay, ám hiệu nào phải hò hét, ám hiệu nào sẽ quơ tay, ám hiệu nào sẽ im lặng ngồi nghe say sưa...
Xuyên suốt thời gian chương trình diễn ra, người quản lý nhóm khán giả này phải liên tục di chuyển từ khán đài này sang khán đài khác để chỉ đạo bằng những “ám hiệu” đó. Tất nhiên, hình ảnh của anh sẽ không bao giờ bị lọt vào ống kính máy quay phim. Khi chương trình ngưng để phát quảng cáo trên sóng truyền hình, hoạt náo viên mới có thể chỉ đạo bằng lời. Anh tiết lộ tiết mục tiếp theo là sôi động hay nhẹ nhàng và nhắc nhở thêm những gì mà trước đó các thành viên trong nhóm làm chưa đạt yêu cầu. Trong quá trình quan sát, nếu phát hiện khán giả thuê nào đuối sức, không reo hò, không vỗ tay được thì đổi người, thay người đang còn sung sức lên hàng ghế trên.
“Khán giả chuyên nghiệp”
Ở Việt Nam, khán giả trong các chương trình truyền hình, các sự kiện đã trở nên chuyên nghiệp. Nhưng có thử làm khán giả thuê mới biết công việc cũng không đơn giản, nhẹ nhàng. Nhất là những chương trình kéo dài đến hơn 23 giờ như Giọng hát Việt (người lớn và nhí), Nhân tố bí ẩn…, ai nấy đều đuối. Khán giả thuê được trả tiền tùy thuộc vào từng chương trình, thời gian quay, thông thường từ 50.000 - 70.000 đồng/người.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Úc, Trung Quốc, Ấn Độ…, “nghề khán giả” phát triển công khai, phổ biến. Theo trang ctdsb.net, nghề làm khán giả “bất đắc dĩ” xuất hiện ở Trung Quốc từ năm 2000. Công việc chủ yếu cũng là vỗ tay, hò hét, cầm những dụng cụ cổ vũ để tạo không khí nóng trong trường quay. Số tiền họ nhận được từ 100-300 nhân dân tệ/ngày (khoảng 350.000 đến 1.000.000 đồng), cũng có khi lên đến tới 800 nhân dân tệ/cảnh (khoảng 2,7 triệu đồng).
Kỳ tới: Đánh lừa khán giả
Bình luận (0)